Hầu hết các dự án CNTT lớn tại Việt Nam vẫn đang sử dụng chuyên gia tư vấn CNTT nước ngoài, nguyên nhân không phải do "sính ngoại" mà bởi thiếu chuyên gia và doanh nghiệp trong nước đủ tầm.

Lực lượng quân sư thời @ vẫn còn mỏng

Tư vấn CNTT là một trong những hoạt động quan trọng nhất, có vai trò ảnh hưởng lớn tới sự thành công hay thất bại của một dự án CNTT. Một kết quả tư vấn CNTT tốt có thể tiết kiệm chi phí triển khai một dự án lên tới hàng chục, hàng trăm tỉ đồng; tương tự một kết quả tư vấn sai lầm sẽ khiến một khoản đầu tư khổng lồ "đi tong". Tuy nhiên, cho tới nay hoạt động tư vấn CNTT ở Việt Nam vẫn còn sơ khai, đội ngũ chuyên gia tư vấn CNTT còn "mỏng".

Ảnh

Về lí thuyết, đối với người làm tư vấn CNTT, kiến thức sâu về ứng dụng CNTT chỉ là nền tảng ban đầu, ngoài ra cần có hiểu biết nhất định về chính trị, kinh tế, văn hóa, tự nhiên, xã hội và phải có các kĩ năng phục vụ giao tiếp, thuyết trình, thương thảo, ngoại ngữ, sử dụng các công cụ hỗ trợ…

Song theo ông Phí Anh Tuấn, Giám đốc điều hành Tập đoàn CMC phía Nam, điểm dễ nhận thấy nhất của các nhà tư vấn CNTT của Việt Nam là đều đi lên từ nhà cung cấp giải pháp CNTT, thời kì đầu hoạt động còn mang tính tự phát và bị động.

Phân tích sâu hơn, TS. Nguyễn Tuấn Hoa, chuyên gia tư vấn CNTT, Công ty cổ phần công nghệ DTT thuộc Tập đoàn DTT cho biết: "Phần lớn các chuyên gia tư vấn người Việt đều trưởng thành từ thực tiễn là chính, tích lũy dần kinh nghiệm trong quá trình đi làm. Không có nhiều người được đào tạo về kĩ năng tư vấn ở nước ngoài. Hầu hết nhân lực làm tư vấn CNTT đều làm việc trong các công ty có chức năng tư vấn CNTT. Đội ngũ cá nhân tư vấn độc lập còn ít và gần như không có quan hệ hợp tác với nhau".

Hiện vẫn chưa có một cơ quan Nhà nước hay tổ chức nghề nghiệp nào tại Việt Nam có thể đưa ra các báo cáo chính xác và đầy đủ về hiện trạng, tiềm năng cũng như thách thức của thị trường tư vấn CNTT. Vụ CNTT, Bộ TT&TT cũng chỉ đưa ra nhận định chung rằng thị trường dịch vụ tư vấn CNTT tại Việt Nam vẫn trong giai đoạn phát triển, thiếu tính chuyên nghiệp, vừa thiếu về số lượng vừa yếu về chất lượng.

Nhường "bánh ngon" cho chuyên gia tư vấn "ngoại"

Những nơi bắt buộc phải sử dụng tư vấn CNTT độc lập tại Việt Nam thường là các tổ chức, doanh nghiệp triển khai các dự án có nguồn vốn tài trợ của quốc tế hoặc các dự án phát triển chuyên sâu về CNTT-TT dành riêng cho doanh nghiệp lớn. Hầu hết các dự án này đều đã và đang nhờ sự hỗ trợ tư vấn CNTT của những doanh nghiệp có "tên tuổi" như PricewaterhouseCooper, Deloite…

TS. Nguyễn Tuấn Hoa khẳng định nguyên nhân không phải các tổ chức, doanh nghiệp ở Việt Nam "sính ngoại" mà do các công ty tư vấn trong nước chưa đủ tầm.

"Tôi đã tham gia đánh giá nhiều gói thầu tư vấn về CNTT và nhận thấy các công ty tư vấn Việt Nam thua đứt ở khâu trình bày về năng lực công ty (company profile - lịch sử tư vấn của công ty). Rõ ràng, công ty nước ngoài đã từng tư vấn nhiều dự án có quy mô tương tự hoặc lớn hơn trong cùng một lĩnh vực thì sẽ được đánh giá cao hơn công ty trong nước. Bên cạnh đó, đội ngũ tư vấn, đặc biệt là Trưởng nhóm tư vấn (team leader) của người ta thật hoành tráng còn của mình thì chủ yếu là cóp nhặt, đội hình như dự bị."

Ngoài ra, các dự án lớn (đơn vị triệu USD) do quốc tế tài trợ (như WB, IDG) đều yêu cầu báo cáo bằng tiếng Anh, song kĩ năng diễn đạt sắc sảo bằng tiếng Anh vẫn là điểm yếu của các công ty tư vấn CNTT Việt.

TS. Nguyễn Tuấn Hoa

Một số liệu thống kê cho biết, dịch vụ tư vấn giải pháp CNTT và tích hợp hệ thống tại Việt Nam đã tăng trưởng mạnh mẽ trong 5 năm gần đây, với quy mô doanh thu trong lĩnh vực này tăng lên hàng năm, trung bình là 35%/năm. Với sự phát triển mạnh mẽ hoạt động ứng dụng CNTT trong mọi ngành, lĩnh vực theo định hướng CNTT là phương thức phát triển mới và dự kiến mọi công trình, dự án đều phải có hạng mục đầu tư cho CNTT thì thị trường dịch vụ tư vấn CNTT đang được xem như một "chiếc bánh ngon". Nếu không có sự thay đổi tích cực từ phía các chuyên gia, doanh nghiệp Việt, "chiếc bánh" này sẽ tiếp tục được nhường cho các chuyên gia, doanh nghiệp tư vấn "ngoại".

Theo ICTnews



Bình luận

  • TTCN (0)