Ông Vũ Hoàng Liên, Giám đốc công ty VDC, phát biểu tại hội thảo lần thứ nhất về đề tài IPTV VN ngày 25/4. Ảnh: Văn Hân.

Cụm từ IPTV tuy không mới trên thế giới nhưng tại Việt Nam vẫn còn ít người được biết đến, ít ra thì dự án nghiên cứu triển khai dịch vụ này vẫn còn đang được thực hiện và dự kiến phải đến đầu năm 2010 mới có thể thương mại hóa được.

Thực trạng IPTV tại Việt Nam

Tuy mới nhưng khả năng phổ biến của IPTV được đánh giá là rất mạnh trong bối cảnh Internet Việt Nam phát triển rất nhanh như hiện nay. Số thuê bao Internet quy đổi của Việt Nam tính tới tháng 2/2008 là hơn 5,3 triệu, đáp ứng nhu cầu của hơn 18,9 triệu dân, đạt mật độ sử dụng trên 21 người/100 dân, cao hơn bình quân khu vực ASEAN và thế giới, vượt Thái Lan, Trung Quốc, Philippines và Indonesia.

Ngoài Internet, các kênh truyền hình cáp cũng đang phát triển với tốc độ rất nhanh và đang vươn tới tất cả các tỉnh thành. Đây chính là điều kiện lý tưởng để triển khai dịch vụ IPTV như lời nhận xét của ông Eddie Ahman, Tổng giám đốc Ericsson Việt Nam. Ericsson chính là một trong những thành viên sáng lập của Diễn đàn Open IPTV, một tổ chức bao gồm các tên tuổi lớn như: AT&T, Citygroup, Philips, NokiaSiemens NetWorks, Samsung, Panasonic, Sony… Tổ chức này đi đầu trong việc đề ra các chuẩn và quy trình cho việc triển khai và ứng dụng IPTV trên phạm vi thế giới, trong đó có Việt Nam.

IPTV VN hiện mới trong giai đoạn ban đầu nhưng tin chắc nó sẽ là một loại hình dịch vụ rất “hot” trong vài năm tới khi nhu cầu giải trí có chọn lọc của người dùng ngày càng tăng cao.

Lộ trình ứng dụng

Theo ông Nguyễn Quang Tùng, chủ nhiệm đề tài KC.01.14/06-10 về IPTV Việt Nam, thì việc nghiên cứu dịch vụ này đã và đang gấp rút được triển khai. Theo lộ trình đưa ra, IPTV Việt Nam sẽ triển khai theo 5 giai đoạn, cụ thể như sau:

+ Giai đoạn 1: Nghiên cứu, khảo sát hiện trạng hạ tầng, các tiêu chuẩn và giải pháp công nghệ (đã thực hiện).

+ Giai đoạn 2: Đề xuất và thiết lập hạ tầng thử nghiệm (quý 2+3/2008).

+ Giai đoạn 3: Triển khai thử nghiệm các dịch vụ. Xây dựng và chuẩn hóa các quy trình (quý 4/2008 và đầu năm 2009).

+ Giai đoạn 4: Đánh giá, hiệu chỉnh và hoàn thiện hệ thống (quý 1+2+3/2009).

+ Giai đoạn 5: Chuyển giao và thương mại hóa (cuối 2009 và đầu 2010).

Cũng theo ông Tùng vì hạ tầng mỗi nước mỗi khác nên một giải pháp IPTV dành cho Việt Nam cũng phải phù hợp với hạ tầng thực tế trong nước. Việt Nam sẽ sử dụng chuẩn dịch vụ Open IPTV và việc triển khai dịch vụ này sẽ được thực hiện trên mạng của VNPT/VDC vì ISP này hiện đang chiếm tới 55% thị phần Internet Việt Nam, với hơn 2,9 triệu thuê bao Internet quy đổi, cùng một hạ tầng mạng lớn mạnh và rộng khắp. Hiện dung lượng các kênh đi quốc tế của VDC đã đạt 9Gbps và dự kiến trong năm nay sẽ đạt được gần 1 triệu thuê bao IP băng rộng.

Ông Tùng còn cho biết nếu việc triển khai Open IPTV thành công trên mạng của VDC, thì dịch vụ này sẽ được nhân rộng và nhiều thuê bao sẽ có cơ hội tiếp cận với loại hình truyền thông thế hệ mới này. Mong muốn của những nhà tiên phong cho IPTV Việt Nam là sẽ có sự tham gia của các nhà sản xuất, cung cấp nội dung/dịch vụ, các cơ quan báo chí, và truyền thông.

Một số lợi ích và dịch vụ của IPTV

IPTV được xem như cuộc cách mạng trong ngành truyền thông truyền hình với việc truyền tải nội dung trên mạng viễn thông và truyền hình băng rộng. Người xem sẽ không bị lệ thuộc vào giờ phát sóng và có thể xem bất cứ chương trình nào mà mình yêu thích, đồng thời còn có khả năng tương tác trực tiếp với chương trình đó (như bình chọn, trao đổi…). IPTV còn có khả năng tập hợp và lưu trữ các nội dung điện ảnh, truyền hình dưới dạng tư liệu số ở quy mô lớn, hiệu quả nhưng chi phí lại thấp, rất tiện lợi cho công việc tra cứu, tìm kiếm.

Ảnh
Đại diện của Ericsson trình diễn dịch vụ IPTV. Ảnh: Văn Hân.

IPTV được xem như một sự hội tụ các dịch vụ truyền thông liên lạc, điều khiển, giải trí, nghe nhìn, Internet tốc độ cao…thông qua màn ảnh truyền hình. Các dịch vụ mà IPTV cung cấp chủ yếu được phân theo 3 loại hình chính: dịch vụ tương tác, dịch vụ theo yêu cầu, và dịch vụ quảng bá.

Dịch vụ tương tác bao gồm các thể loại như: giao dịch thương mại qua truyền hình, giải trí truyền hình, quảng cáo chọn lọc, truyền thông liên lạc qua truyền hình… Trong khi đó, dịch vụ theo yêu cầu gồm có: phim theo yêu cầu, nhạc theo yêu cầu, game theo yêu cầu và thanh toán theo nội dung. Cuối cùng là dịch vụ quảng bá bao gồm truyền hình quảng bá, dịch vụ xem phim ở nhiều góc quay (như dạng 3D), và dạng dịch vụ cho phép người xem có thể tạm dừng, xem và bỏ qua các đoạn quảng cáo.

Nói một cách dễ hiểu, IPTV có thể cung cấp các dịch vụ rất hấp dẫn kiểu như: thông tin theo yêu cầu; điện thoại truyền hình; duyệt Mail/Web qua TV; giao dịch thương mại và ngân hàng tại nhà; chăm sóc sức khỏe tại nhà và dịch vụ y tế qua truyền hình.

(Theo Vnmedia)



Bình luận

  • TTCN (2)
H°ng

That la mot dich vu tuyet voi day ! Nhung sao lai phai cho den 2010 co chu ma khong phai ngay bay gio nhi ???

Nemo Nguyen  21665

Vì hiện giờ hạ tầng mạng DSL của VN quá kém, để cung cấp dịch vụ TV over DSL chất lượng ổn định thì đường truyền DSL luôn phải đảm bảo khoãng 2 Mbpbs... (mạng DSL của ta chưa đảm bảo được tốc độ này)