Một phiên bản AMD Business Class do HP sản xuất. Ảnh: Reuters.

Hãng chip số 2 thế giới vừa công bố thương hiệu máy tính đầu tiên của mình, nhắm đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong một nỗ lực nhằm khôi phục lợi nhuận và thị phần, thu hẹp khoảng cách với đối thủ Intel.

 

Với phần hỗ trợ thiết kế và tiêu thụ từ những đối tác đại gia như Dell, dòng máy tính cá nhân để bàn AMD Business Class sẽ được "tiếp nối" bởi thương hiệu máy tính xách tay AMD Business Class trong nửa cuối năm nay.

Theo lời đại diện AMD, một số hãng máy tính lớn đã có kế hoạch bán AMD Business Class, bao gồm Acer, Dell, Fujitsu-Siemens, HP và Lenovo.

"Về bản chất thì không phải là bán lẻ. Khách hàng sẽ mua máy tính của chúng tôi để phục vụ công việc. AMD muốn nhắm đến phân khúc máy tính doanh nghiệp chưa được thị trường quan tâm hay để mắt tới".

Sau hai năm kinh doanh bết bát và 6 quỹ tài khóa thua lỗ liên tiếp, dòng máy tính mới được AMD kỳ vọng sẽ giúp hãng tăng sức cạnh tranh trước gã khổng lồ Intel.

Hiện tại, hầu hết thị phần Intel bị mất vào tay AMD trong năm 2005 và nửa đầu 2006 đã được Intel giành lại, trong khi AMD vẫn loay hoay chưa thoát ra khỏi ngõ cụt.

AMD hy vọng có thể lặp lại thành công của dòng vi xử lý Opteron máy chủ trong hai thị trường khác cực kỳ quan trọng là máy tính cá nhân và máy tính doanh nghiệp.

"Họ đang tích cực thâm nhập thị trường PC di động, thị trường tiêu dùng và bước đầu thăm dò thị trường doanh nghiệp.

Chiến lược sống còn 

Đây là một chiến lược sống còn đối với hãng", nhà phân tích Dean McCarron của hãng nghiên cứu In-Stat bình luận.

Theo thiết kế gốc, AMD Business Class chỉ nhắm đến thị trường doanh nghiệp vừa và nhỏ, tuy nhiên, dòng máy tính này cũng có thể đáp ứng nhu cầu của các tập đoàn lớn, nếu chúng không quá phức tạp và cao cấp.

AMD sẽ sử dụng 3 dòng chip khác nhau cho Business Class bao gồm AMD Phenom X3 3 lõi, Phenom X4 lõi tứ và Athlon X2 lõi kép.

Các hãng sản xuất máy tính cũng có thể lựa chọn giữa chipset AMD 780V hoặc chip đồ họa ATI Radeon HO 3000.

Một điều khá thú vị là nền tảng này hỗ trợ cả các chipset và chip đồ họa không phải của AMD sản xuất, chẳng hạn như chip đồ họa của hãng đối thủ Nvidia.

Theo giới phân tích, các khách hàng doanh nghiệp lớn như General Electric, cũng như các doanh nghiệp vừa và nhỏ, luôn mong muốn máy tính của họ phải ổn định, đáng tin cậy, dễ quản lý, hiệu suất cao và bền.

Mỗi năm, các công ty lớn thay thế tới hàng ngàn máy tính mới, và đây chính là miếng bánh mà AMD chưa với tới được.

Nếu chinh phục thành công thị trường này, AMD sẽ có được đà bật nhảy quan trọng để phục hồi công việc kinh doanh của hãng.

(Theo Vietnamnet/Reuters)



Bình luận

  • TTCN (0)