CEO Thorsten Heins buộc phải thừa nhận thất bại của mình trên thị trường smartphone.

BlackBerry, gã khổng lồ một thời ở xứ Waterloo, Canada, từng là kẻ thống lĩnh trên thị trường smartphone với khả năng bảo mật tuyệt vời cho hệ thống mail. Tuy nhiên, sau 6 năm hụt hơi trước sức “công phá” của iPhone và các dòng điện thoại Android, BlackBerry đã sụp đổ đầy đau thương.

Có lẽ giới công nghệ, những người yêu di động sẽ không bao giờ quên hình ảnh của những chiếc điện thoại thông minh mang tên BlackBerry ở những năm 1990 và đầu những năm 2000. BlackBerry (hay còn gọi là RIM thời bấy giờ) như thể xem như là một “tượng đài” không bao giờ đổ bởi lúc đó điện thoại BlackBerry xuất hiện khắp mọi nơi, như là một chuẩn mực của thị trường di động.

BlackBerry là cái tên được nhắc đến, và “hình ảnh” của những tay chơi di động trong hầu hết các cuộc gặp gỡ hàn huyên chuyện trò hay gặp gỡ vì công việc. Người ta đã từng khuyên nhau nên dùng điện thoại BlackBerry bởi những sức mạnh không có chiếc điện thoại nào có thể vượt qua.

Vậy nhưng tượng đài trong làng công nghệ một thời, BlackBerry, đã đánh mất chính mình kể từ khi iPhone ra mắt vào năm 2007. Khi đó, ban giám đốc của RIM đánh giá quá thấp Apple và sự xuất hiện của iPhone. Cứ ngỡ rằng iPhone sinh ra chỉ để dành cho những người dùng cá nhân, những người dùng chỉ sử dụng điện thoại như là một thiết bị để giao tiếp. BlackBerry đã hào phóng với quyết định mặc cho Apple làm mưa làm gió trên thị trường di động dành cho người tiêu dùng nói chung, còn hãng sẽ vẫn là “ông vua” trên thị trường smartphone dành cho doanh nhân, và tiếp tục bán điện thoại theo hợp đồng cho doanh nghiệp, cơ quan chính phủ. Mục tiêu của BlackBerry là đưa ản phẩm tới những nơi xem vấn đề bảo mật thông tin là điều tối quan trọng.

Dẫu vậy, lá bài quyết định đã không thuộc về BlackBerry bởi lúc này thị trường di động đã đi theo một xu hướng hoàn toàn khác. Những thế hệ di động chạy trên hệ điều hành Android cùng với sức hút của iPhone đã chiếm hơn 90% thị phần smartphone, và 10% “miếng bánh” còn lại phải chia nhỏ cho những ông lớn một thời là Nokia, BlackBerry, Microsoft..

Còn nhớ giá cổ phiếu của BlackBerry từng đạt đỉnh vào tháng 8/2007, ở mức 236 USD, và lúc đó, BlackBerry được định giá hơn 100 tỉ USD. Tuy nhiên, thời điểm này cũng là cột mốc đánh dấu “sự suy thoái” của BlackBerry.

Từ một “lãnh tụ” với giá trị lên tới 100 tỉ, hôm qua, trong công bố trong kết quả kinh doanh quý vừa qua, giá cổ phiếu Blackberry đã rơi xuống mức 8,73 USD/cổ phiếu và đã giảm 1,8 đô la Mỹ ngay trong ngày (giảm mất 17% trong một ngày). Khó có ai có thể tưởng tượng được, chỉ trong vòng 3 tháng, BlackBerry đã chịu khoản lỗ “khủng” lên đến gần 1 tỉ USD.

Ảnh
Hệ điều hành BlackBerry 10 vẫn không thể cứu vãn "con tàu đắm".

Bi kịch của BlackBerry như là một bài học nhớ đời của những nhà lãnh đạo - Giám đốc điều hành Thorsten Heins. Chỉ đến khi thất thế trước iPhone của Apple và các thiết bị chạy hệ điều hành Android, BlackBerry mới “nhún nhường” để tung ra thị tường hệ điều hành BlackBerry 10 và smartphone màn hình cảm ứng thân thiện với người dùng cá nhân. Dù vậy, lúc này đã quá muộn đối với cuộc đua căng thẳng từ trên tất cả các phân khúc smartphone cao cấp, trung cấp, bình dân.

Không thể bắt nhịp được với thời đại công nghệ số, BlackBerry đã chính thức rao công ty và cuối cùng, trong ngày hôm qua, “tượng đài” một thời đã đặt bút kí vào bản thỏa thuận “bán mình” với giá rẻ mạt, 4,7 tỉ USD, cho hãng đầu tư tài chính có trụ sở tại Toronto (Canada) Fairfax Financial Holdings. Thông tin trên được cả Fairfax Financial Holdings lẫn BlackBerry chính thức công bố vào ngày hôm qua. Hãng tài chính Fairfax Financial Holdings đã đồng ý trả 9 USD/cổ phiếu cho các cổ đông để nắm quyền kiểm soát công ty điện thoại này. Mức giá mà Fairfax Financial Holdings đưa ra cao hơn 9% so với giá trị cổ phiếu đang giao dịch của BlackBerry tại thời điểm đưa ra thỏa thuận.

Theo Dân Trí




Bình luận

  • TTCN (0)