Ảnh: Daily Mail.

Tình yêu không bao giờ có tuổi, và không bao giờ là quá già để trái tim rung động. Đó là "chân lý" mà cụ ông Yoji Kawamura đã tìm ra sau khi nghỉ hưu ở tuổi 62.

Ngày dài tháng rộng nằm nhà khiến ông như muốn phát điên. Sở thích chụp ảnh kiêm công việc part-time cũng không thể choán hết thời gian rảnh rỗi.

Xu hướng mới

Thế là giống như một bộ phận các cụ già độc thân Nhật Bản khác, ông Kawamura quyết định tìm đến với dịch vụ mai mối trực tuyến.

"Ở tầm tuổi như tôi, số hoạt động mà bạn có thể tham gia thật hạn chế. Bạn chỉ có thể trò chuyện và chia sẻ cuộc sống của mình với một số ít người mà thôi", nhấm nháp tách cà phê trong một quán nước giữa lòng Tokyo, ông Kawamura tâm sự.

Là một cựu lái xe taxi, Kawamura đã ly dị cách đây 26 năm. Tháng 7 năm ngoái, ông đã đăng ký làm thành viên của dịch vụ hò hẹn trực tuyến Match.com của Mỹ.

"Chân trời như mở rộng như trước mắt tôi. Cuộc sống trở nên phong phú và sống động hơn, bởi tôi có thêm nhiều người bạn mới", ông nói. Tính đến nay, ông đã hò hẹn với.... 3 bà, hai trong số đó trẻ hơn ông 9 tuổi. Người còn lại vừa bước sang tuổi 62.

Chính thức bước chân vào thị trường Nhật Bản từ năm 2004, hiện Match.com đã thu hút tới 840.000 hội viên thường xuyên.

Việc nhắm đến đối tượng người cao tuổi là một chính sách tất yếu của dịch vụ này, khi Nhật Bản là quốc gia có dân số "già" đông bậc nhất thế giới.

"Tốc độ tăng trưởng đạt nhanh nhất ở khối trên 50 tuổi - độ tuổi mà nhiều người cho là đã ở bên kia sườn dốc cuộc đời. Sự lãng mạn lại càng xa vời", đại diện Match.com cho biết.

Hiện nay, gần một nửa số hội viên Match.com tại Nhật có độ tuổi từ 30-39. 9% có tuổi từ 50 trở lên.

"Trong lòng xã hội Nhật hiện đại, việc một người trên 50 tuổi nói chuyện về tình yêu và hồn nhân là hoàn toàn bình thường".

Văn hóa thay đổi

Cội rễ của sự thay đổi này chính là việc dân số trung niên và cao niên ở Nhật Bản ngày càng đông đúc.

Tại thời điểm này, cứ 5 người Nhật thì lại có 1 người trên 65 tuổi. Đến giữa thế kỷ, tỷ lệ này được dự đoán sẽ tăng lên thành 40%, tức là gấp đôi hiện nay.

Bên cạnh đó, không đâu trên thế giới mà người cao tuổi lại thân thuộc và sử dụng Internet thành thạo như ở Nhật.

Yếu tố thứ ba góp phần thúc đẩy những dịch vụ như Match.com phát triển tại Nhật là số vụ ly dị cũng như số lượng người cao tuổi độc thân đang trên đà tăng mạnh.

"Chuyện kết hôn lần hai không còn bị kỳ thị như trước nữa", chuyên gia xã hội học James Farrer của trường Đại học Sophia, Tokyo cho biết.

"Đã có một bước chuyển về văn hóa khi giới truyền thông đề cập đến những vấn đề kiểu này.

Người Nhật đã dần chấp nhận ý tưởng là người già cũng có một đời sống tình dục riêng, và việc họ thảo luận, đề cập đến nó là hoàn toàn hợp pháp, hợp đạo đức".

Ngay cả con cái cũng tỏ ra ủng hộ cha mẹ của họ bắt đầu "cuộc sống mới" với một nửa mới.

"Lũ con tôi luôn muốn tôi đi bước nữa, có thế chúng mới không phải lo ngay ngáy khi tôi lủi thủi một mình không ai chăm sóc", ông Kawamura cho hay.

Còn đó những e dè 

Tuy nhiên, so với cánh mày râu, các cụ bà tỏ ra e dè hơn khi đến với những dịch vụ kiểu như Match.com.

"Tôi không hề kể với con cháu việc mình là thành viên của dịch vụ này. Hình ảnh một phụ nữ luống tuổi hò hẹn qua mạng rất dễ bị xuyên tạc sang tuýp người không đứng đắn", bà Naomi, một thành viên 52 tuổi, đã ly dị chồng cho biết.

Đấy là lý do vì sao mà phụ nữ chỉ chiếm 40% số hội viên của Match.com tại Nhật, so với tỷ lệ 50% ở Mỹ.

Một lý do khác khiến các cụ bà ngần ngại là lòng tự trọng và sự kiêu hãnh. "Họ sợ rằng sử dụng Internet để tìm kiếm bạn đời sẽ khiến họ trông giống như kẻ thất bại vậy", Giáo sư Ferrer cho biết.

Nhưng dù tìm bạn đời qua mạng hay trực tiếp ngoài đời thực, bạn cũng có thể vấp phải nhiều trở ngại.

Một cuộc thăm dò của Match.com cho thấy: người Nhật đặt "chia sẻ giá trị cuộc sống" làm ưu tiên số 1 khi lựa chọn bạn đời.

Tuy nhiên, nếu như cánh mày râu coi "cá tính giống nhau" là quan trọng thứ hai thì phụ nữ lại quan tâm đến thu nhập.

Bản thân ông Kawamura cũng từng gặp phải vấn đề này khi hẹn hò lần đầu qua Match.com.

"Tôi nhận được email với nội dung hỏi công việc của tôi là gì. Nhưng nghề lái taxi luôn bị coi là đáy cùng xã hội ở Nhật".

(Theo Reuters)



Bình luận

  • TTCN (0)