Hiệp hội Vận tải kiến nghị với các nhà mạng đưa ra các gói cước cho các phương tiện giám sát hành trình chỉ với 10.000 đồng/tháng giống như MobiFone đang cung cấp hiện nay.

Sáng 30/10, Bộ Giao thông Vận tải đã có buổi họp với Bộ TT&TT, Hiệp hội Vận tải Việt Nam, 4 nhà mạng di động là VinaPhone, MobiFone, Viettel và Vietnamobile. Tại buổi làm việc này, Thân Văn Thanh – Phó Chủ tịch Hiệp hội Giao thông Vận tải cho biết, chi phí vận tải với đầu vào ngày càng tăng, các doanh nghiệp vận tải đang hết sức khó khăn. Tiềm lực tài chính của các doanh nghiệp vận tải khó khăn không như điện lực, xăng dầu… Vì vậy, việc tăng cước 3G có tác động rất lớn đối với các doanh nghiệp vận tải.

Ông Thân Văn Thanh cho biết, hiện nay các doanh nghiệp vận tải chưa bị ảnh hưởng bởi các doanh nghiệp cung cấp thiết bị và bảo trì thiết bị giám sát hành trình đang nạp tiền thay cho các doanh nghiệp vận tải theo hợp đồng cung cấp trọn gói, nhưng nếu doanh nghiệp nào không thuê dịch vụ mà trực tiếp nạp tiền thì rất lo lắng. Chẳng hạn một doanh nghiệp tại Thái Bình có 300 xe vận tải, mỗi ngày nạp cho 1 xe 5000 đồng phí dịch vụ 3G thì lo ngại không chịu nổi.

Thế nhưng, tại buổi làm việc này các nhà mạng khẳng định họ không tăng cước 3G đối với dịch vụ giám sát phương tiện vận tải. Thế nhưng, nhiều doanh nghiệp vận tải đã lựa chọn các gói cước 3G khác nên sẽ bị tăng giá so với trước đó. Các mạng cũng đưa ra khuyến nghị các doanh nghiệp vận tải nên chọn đúng gói cước giám sát phương tiện vận tải.

Phát biểu tại buổi làm việc này, ông Nguyễn Đức Trung, Phó cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) cho biết là trong lần điều chỉnh cước gần đây thì các mạng di động có điều chỉnh tăng khoảng 20% so với trước. Tuy nhiên, không phải gói cước nào cũng tăng, thậm chí có gói cước 3G còn giảm. Riêng đối với gói cước 3G dành cho khách hàng là các doanh nghiệp vận tải để giám sát hành trình xe thì không điều chỉnh mà vẫn gữ nguyên mức cũ. Vì vậy, các doanh nghiệp vận tải có thể lựa chọn gói cước phù hợp để tránh phát sinh nhiều chi phí.

Tại buổi làm việc này, ông Tạ Quang Thuận - đại diện Chi hội Giám sát hành trình của Hiệp hội Vận tải cho biết, là khi tăng cước 3G thì họ phải trả cước tăng lên rất nhiều bởi nhà mạng thay đổi giá cước, cách tính cước nên đây là nguyên nhân chính khiến các tài khoản nhanh hết tiền. Một trong những nguyên nhân mà ông Thuận đưa ra rằng nhà xe chưa sử dụng các gói cước chuyên biệt của nhà mạng đã đưa ra cho dịch vụ giám sát hành trình là vì gói cước này không phổ biến lắm nên không tìm thấy trên thị trường.

Đại diện Chi hội Giám sát hành trình của Hiệp hội Vận tải cho biết, ngày 14/10/2013 MobiFone đã ra gói cước MDT 10 (chi phí 10.000 đồng/tháng) phù hợp với doanh nghiệp vận tải. Do đó, nhiều doanh nghiệp thấy phù hợp nên đã chuyển sang sử dụng gói cước này của MobiFone.

Cũng tại buổi làm việc này, ông Nguyễn Đình Chiến – Phó tổng giám đốc MobiFone cho biết nhà mạng này đang cung cấp gói cước giám sát hành trình cho các doanh nghiệp vận tải. Hiện MobiFone đang cung cấp cho hai khách hàng lớn nhất là VinaSun và Taxi Group với hàng nghìn SIM card. Hiện các gói cước này không có bất cứ điều chỉnh nào và cũng không có ý kiền gì từ phía khách hàng. Đối với gói cước này, chúng tôi có bộ phậm chăm sóc khách hàng riêng và khi gặp vấn đề gì thì các bên sẽ ngồi lại với nhau. Trước khi MobiFone cung cấp dịch vụ cho khách hàng sẽ đưa simcard cho khách hàng dùng thử từ 1 đến 2 tháng. Căn cứ vào lượng dữ liệu tiêu thụ bình quân, khách hàng sẽ lựa chọn các gói cước phù hợp nhất cho doanh nghiệp mình. Bên cạnh đó, MobiFone cũng có chính sách cước ưu đãi cho các khách hàng sử dụng dịch vụ giám sát phương tiện với số lượng lớn.

"Nếu không chọn đúng gói cước thì chi phí sẽ đội lên rất lớn. Vì vậy, việc chọn gói cước phù hợp rất quan trọng để đảm bảo lợi ích cho doanh nghiệp và nhà mạng. Vì vậy, MobiFone mong muốn Bộ GTVT cần có có thể liên hệ với MobiFone để được tư vấn và sử dụng các gói cước phù hợp nhất cho mình" ông Chiến nói.

"Khách hàng nếu muốn kí hợp đồng lớn cần làm việc cụ thể. MobiFone sẵn sàng ngồi với doanh nghiệp vận tải để đưa ra các dịch vụ hỗ trợ tốt hơn như cung cấp thêm các tính năng giám sát SIM này. Nếu doanh nghiệp chọn các SIM ngoài thị trường thì nhà mạng sẽ không thể phân biệt được đâu là SIM của dịch vụ giám sát đâu là SIM của người dùng 3G thông thường" ông Chiến cho biết thêm.

Đại diện cho Chi hội Giám sát hành trình cho biết là hiện giá cước rất rẻ và đang sử dụng 10.000 SIM của MobiFone và khách hàng hiện nay không bị ảnh hưởng bởi đợt điều chỉnh cước 3G. Đặc biệt gói cước MDT10 của MobiFone vừa ra chỉ có 10.000 đồng/tháng. "Hiện tại chúng tôi đang sử dụng SIM của MobiFone cho các khách hàng lớn như Taxi Ba Sao, Taxi Thành Công, Taxi Hà Nội... Chúng tôi cũng đãng đề nghị các hội viên của Hiệp hội vận tải có thể nghiên cứu về gói cước này " Đại diện cho Chi hội Giám sát hành trình nói.

Viettel cho biết, hôm 29/10, Viettel đã có buổi làm việc đầu tiên với Chi hội Giám sát hành trình để tìm hướng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp vận tải. Đại diện cho Chi hội Giám sát hành trình cho biết họ cũng đã làm việc với Viettel để thảo luận đưa ra gói cước khoảng 10.000 tháng. Phía Viettel cũng đã xác nhận thông tin này nhưng khẳng định, việc điều chỉnh hay ban hành gói cước cũng phải tuân thủ theo đúng quy định của Bộ TT&TT. Vì vậy, Bộ Giao thông Vận tải và Hiệp hội Vận tải có đề xuất với các thông số, mức giá rõ ràng để doanh nghiệp viễn thông có cơ sở trình lên Bộ TT&TT xem xét về việc ban hành gói cước mới.

Phía VinaPhone cho biết cũng sẵn sàng ngồi với các doanh nghiệp vận tải để bàn bạc đưa ra gói cước phù hợp nhất cho các doanh nghiệp này.

Kết luận tại buổi họp ông Khuất Việt Hùng, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết, sau cuộc họp này, Bộ Giao thông Vận tải sẽ có văn bản gửi Bộ TT&TT để các doanh nghiệp viễn thông có thể xây dựng gói cước mới, hỗ trợ doanh nghiệp vận tải trước ngày 30/11/2013. Ông Nguyễn Đức Trung cũng khẳng định nếu nhà mạng sớm trình gói cước mới thì Bộ TT&TT sẽ xem xét và phê duyệt trong vài ngày tới.

Theo Dân Trí



Bình luận

  • TTCN (0)