Tuần tới, công khai mọi thông tin về giá cước 3G

Theo Cục Viễn thông thuộc Bộ TT&TT, mặc dù cước 3G của 3 nhà mạng lớn đã điều chỉnh, giá cước vẫn chỉ chiếm chưa đến 60% giá thành dịch vụ.

Ông Lê Nam Thắng, Thứ trưởng Bộ TT&TT cho biết tại buổi họp giao ban quản lí nhà nước với các hãng viễn thông có hạ tầng ngày 1/11/2013 tại Cục Viễn thông, sau khi gửi báo cáo về việc điều chỉnh giá cước 3G đến Chính phủ, Bộ sẽ công khai mọi thông tin liên quan đến giá cước 3G trong tuần này.

Theo số liệu của Phòng quản lí giá cước (Cục Viễn thông), tính đến tháng 9/2013, Việt Nam có khoảng 18,9 triệu thuê bao 3G đang hoạt động (có phát sinh cước). Đợt tăng giá cước 3G vừa qua, Cục Viễn thông cho rằng chỉ có tác động đến 8,9% thuê bao trong tổng số 91 triệu thuê bao di động phát sinh cước trong tháng 9. Tuy nhiên, nếu so sánh riêng với thuê bao 3G, con số này chiếm 43%.

Theo Cục này, mặc dù cước 3G của 3 nhà mạng lớn đã điều chỉnh, với gói tăng cao nhất 40%, từ 50.000 lên 70.000 đồng/tháng (gói không giới hạn) nhưng giá cước đã điều chỉnh vẫn chỉ chiếm chưa đến 60% giá thành dịch vụ.

Ngoài ra, so với mặt bằng quốc tế, khu vực giá cước Việt Nam vẫn chỉ bằng 30-40% (so sánh trên thu nhập quốc dân đầu người trên toàn thế giới, khu vực và cả ASEAN).

Theo ông Phạm Hồng Hải, Cục trưởng Cục Viễn thông, việc các nhà mạng điều chỉnh giá cước 3G hôm 16/10 là do không công bố thông tin công khai rõ ràng cho xã hội nên mới có nhiều câu hỏi nghi vấn đặt ra như nhà mạng có bắt tay tăng giá, mức giá thành cụ thể ra sao, liệu có chuyện kiểm soát giá thành…

Thứ trưởng Lê Nam Thắng thẳng thắn cho rằng, việc quản lí giá cước là phải công khai minh bạch mọi thông tin liên quan đến giá cước, chất lượng dịch vụ gắn với các gói cước, các thông tin liên quan đến điều kiện cung cấp dịch, các yếu tố hình thành giá cước… nhưng nhà mạng lại chưa làm tốt các khâu này và cũng chưa công khai rõ ràng.

Ngoài ra, theo Thứ trưởng Thắng, vấn đề quản lí chất lượng dịch vụ phải theo đúng quy định pháp luật, những dịch vụ nào đưa ra thị trường thì phải công bố chất lượng đi kèm dịch vụ. Cần phải có kiểm tra, quản lí, giám sát chất lượng dịch vụ mang tính định lượng nhiều hơn như 3G.

Dù giá 3G ở Việt Nam đang khá rẻ nhưng chất lượng 3G lại đang “có vấn đề” vì lúc xem rất tốt, lúc lại chập chờn, thậm chí có lúc 3G “tậm tịt” hẳn.

Ông Lê Nam Thắng, thứ trưởng Bộ TT&TT

Trên thực tế, Phòng quản lí giá cước của Bộ chỉ thực hiện đăng kí, thực hiện kiểm soát xem việc giá cước đó ban hành có đúng cơ sở, đúng thẩm quyền không, có tác động như thế nào, nhưng doanh nghiệp lại thông báo với người dùng là “được Bộ TT&TT phê duyệt”.

“Bộ có phê duyệt từng gói cước một đâu. Nói như thế là doanh nghiệp đã đẩy trách nhiệm cho Bộ”, ông Thắng nói.

Về việc điều chỉnh giá cước viễn thông, theo lãnh đạo Bộ TT&TT, đã có định hướng rõ ràng và đã xác định trong quy hoạch phát triển viễn thông đến năm 2020. Mặt khác, sở cứ để xây dựng điều chỉnh giá cước 3G cũng rất đầy đủ, như luật Viễn thông quy định giá cước được xây dựng trên cơ sở giá thành, cung cầu thị trường và mặt bằng tiêu thụ; Luật Giá cũng quy định như vậy; rồi Luật Cạnh tranh…

Ông Thắng cho biết, sớm thì đầu tuần này, Bộ TT&TT sau khi làm việc với Bộ Công Thương và báo cáo gửi tới Chính phủ về việc điều chỉnh cước 3G, sau đó Bộ sẽ công khai tất cả các thông tin mà Bộ báo cáo Chính phủ cũng như mọi thắc mắc của dư luận về việc tăng giá cước 3G.

Bộ sẽ có thông tư yêu cầu thực hiện NĐ 63 và doanh nghiệp viễn thông phải công khai các thông tin theo quy định với cơ quan nhà nước, với xã hội. Doanh nghiệp không có chuyện cứ lấy lí do bí mật của doanh nghiệp mà không công bố thông tin được.

Ông Lê Nam Thắng, thứ trưởng Bộ TT&TT

Theo VnEconomy



Bình luận

  • TTCN (0)