Ảnh: AP.

AMD cần phải tăng gấp đôi thị phần trên thị trường vi xử lý nếu muốn tiếp tục "sống sót", các luật sư của hãng này nhận định trong một vụ kiện chống độc quyền nhằm vào Intel.

Tính đến thời điểm cuối năm 2007, AMD chỉ kiểm soát khoảng 13% thị trường bán dẫn.

Trong khi đó, muốn hoạt động lâu dài như một doanh nghiệp bền vững, hãng cần phải nắm giữ ít nhất là 27% thị phần.

Chính vì thế, theo các luật sư của AMD, "ông lớn" Intel đã hoàn toàn thành công trong việc "cố gắng đóng cửa và dập tắt công việc kinh doanh của AMD".

Việc AMD tố cáo Intel đã sử dụng hành vi phản cạnh tranh để gây tổn thương cho đối thủ có thể giúp AMD tìm kiếm các khoản bồi thường hậu hĩ, hoặc chí ít cũng là trấn an và xoa dịu tâm trạng của các cổ đông.

Nhưng mặt trái của nó là khiến cho các khách hàng tập đoàn lớn càng ngần ngại hơn trong việc sử dụng chip AMD, bởi khó khăn tài chính của hãng đã bị phơi bày rành rành trước công luận.

Thường thì các tập đoàn luôn đưa ra quyết định mua linh kiện/máy tính căn cứ trên triển vọng dài hạn của nhà cung cấp.

Bởi lẽ, họ muốn sử dụng một sản phẩm hoặc hệ thống, đồng thời nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật trong nhiều năm chứ không phải thay đổi "liên xoành xoạch".

Lo cho tương lai

Nếu như các tập đoàn e ngại về khả năng tồn tại lâu dài, bền vững của AMD, rất có thể các Giám đốc Thông tin sẽ tính tới chuyện sắm sửa máy tính cài chip Intel cho an toàn.

Tệ hơn nữa, kết quả tài chính của AMD đang rất bết bát với 6 quý thua lỗ liên tiếp.

Nhiều món nợ dài hạn chất cao như núi, trong khi vi xử lý Opteron lõi tứ cứ bị hoãn lên hoãn xuống.

Về mặt công nghệ, giới phân tích đánh giá AMD đang bị chậm chân hơn đối thủ Intel tới 15 tháng.

"Các doanh nghiệp sẽ phải đi theo hướng khác. Họ không thể mạo hiểm, trong bối cảnh nền kinh tế đang khắc nghiệt và u ám như hiện nay", ông Rajnish Arora, Giám đốc nghiên cứu Máy chủ của IDC châu Á - Thái Bình Dương nhận định.

Theo AMD, Intel đã trả tiền cho các hãng sản xuất máy tính để họ chỉ sử dụng, hoặc sử dụng chip Intel là chủ yếu.

Thủ thuật này đã khiến cho những thành quả mà AMD đạt được sau thành công của dòng chip máy chủ Opteron trở thành công cốc.

Việc AMD lo ngại cho tương lai của mình là hoàn toàn hợp pháp.

"Điều họ cần làm lúc này là vượt qua thách thức, tăng trưởng và mở rộng quy mô kinh doanh của mình", ông Arora "bày nước".

(Theo Vietnamnet/PCWorld)



Bình luận

  • TTCN (0)