Theo thông tin có được tính tới thời điểm này, FPT chính là hãng phân phối iPhone 5s và 5c chính hãng thứ 3 bên cạnh Viettel và VinaPhone. Dưới đây, chúng ta sẽ cùng nhìn lại mức giá iPhone mà các nhà cung cấp này đưa ra.

Cụ thể, giá iPhone 5s của VinaPhone trả trước các bản 16, 32, 64 GB sẽ lần lượt có giá là 16,1 triệu, 18,4 triệu và 20,8 triệu đồng. Giá này phải cộng thêm gói cước ứng trước 400.000 đồng. Trong khi đó, các phiên bản trả sau được định giá 15,6 triệu, 17,9 triệu và 20,2 triệu đồng. Người dùng cũng phải ứng trước cước 600.000 đồng. Ngoài iPhone 5s, VinaPhone cũng sẽ bán cả iPhone 5c. Theo đó, model dung lượng thấp 16 GB, nếu mua trả trước, khách hàng phải trả 13,4 triệu, trả sau là 12,8 triệu. Mẫu 32 GB có giá 15,1 triệu với trả sau và 15,8 triệu với trả trước. iPhone 5c không có gói cước ứng trước.

Ảnh
Bảng giá phân phối iPhone tại Việt Nam của nhà mạng Viettel.
Ảnh
FPT cũng đã công bố giá bán iPhone 5s và 5c (giá bán trên không phải trực tiếp từ trang chủ FPTshop mà được lấy từ một cửa hàng phân phối iPhone của FPT).

Trong khi đó, iPhone 5s xách tay hiện đang được các thương gia giao bán với giá trung bình 16,8 triệu đồng (có thể xê dịch đôi chút tùy từng cửa hàng).

Ảnh
Bảng so sánh giá iPhone 5s chính hãng tại thị trường Việt Nam (đơn vị: triệu đồng).

Nhìn vào cái giá ta thấy mặc dù 3 nhà phân phối chính hãng đều có giá bán tốt hơn so với hàng xách tay nhưng FPT bị cho là bán đắt hơn khá nhiều so với 2 nhà mạng Viettel và Vinaphone. Chiếc iPhone 5s 16 GB bản màu đen được FPT bán với giá 17.590.000 đồng, trong khi mức giá của Viettel chỉ là 15.799.000 đồng (bản dùng SIM Viettel) còn VinaPhone là khoảng 16.500.000 đồng (đã tính cộng cả tiền gói cước ứng trước 400.000 đồng). Ngoài ra, đáng ngạc nhiên là việc cả Viettel và Vinaphone đều giữ giá iPhone 5s vàng sâm panh ngang bằng bản màu đen/trắng thì iPhone 5s vàng của FPT lại có giá cao hơn 1 triệu đồng so với các bản còn lại. Thực chất giá bán iPhone 5s mà FPT đưa ra cũng đã được một số người dùng dự đoán từ trước bởi chưa bao giờ nhà cung cấp này bán sản phẩm với giá dễ chịu cả, điển hình là iPhone 5 16 GB hiện nay vẫn có giá tới 16,7 triệu đồng.

Có thể nói giá bán mà FPT đưa ra đang bị dư luận chỉ trích khá nhiều và cho rằng đó là một hành động “hút máu” không thương tiếc. Thật khó hiểu khi nhà cung cấp này lại niêm yết một giá bán thiếu sức cạnh tranh như vậy. Tuy nhiên, một số người dùng cho rằng thực chất 3 ông lớn kể trên đều nắm rõ lượng hàng iPhone về Việt Nam đợt đầu. Có thể nguồn cung của Viettel và Vinaphone sẽ ở mức cầm chừng trong khi nhu cầu iPhone 5s vẫn sẽ rất lớn. Khi đó, nhiều người dùng sẽ tìm đến FPT.

Giả thiết thứ 2 được đưa ra có thể là trong giá bán khá chát của FPT đã có tặng thêm quà khuyến mãi có giá trị hoặc khách hàng sẽ nhận được một chế độ hậu mãi bảo hành mà hãng hứa hẹn tốt hơn.

Còn ở giả thiết thứ 3 thì chỉ đơn giản FPT đang áp dụng chiến lược giá “hớt phần ngon”, cố gắng kiếm lời nhiều nhất ở giai đoạn đầu, khi nhận định tình hình thị trường thay đổi thì sẽ có những điều chỉnh giảm sau. Khi áp dụng chiến lược giá "hớt phần ngon" thì doanh nghiệp thường đưa ra mức giá bán sản phẩm ở mức cao nhất có thể đạt được, ở những giai đoạn thị trường mà người mua sẵn sàng chấp nhận sản phẩm mới đó. Nhưng khi mức tiêu thụ giảm xuống thì doanh nghiệp cũng giảm giá xuống để thu hút nhóm khách hàng vốn đã nhạy cảm về giá. Với phương pháp kinh điển này, doanh nghiệp có sản phẩm mới, ở đây là FPT, đã thu hút được phần tối đa về doanh thu ở các giai đoạn thị trường khác nhau.

Dù vậy, có thể thấy rằng trong cuộc cạnh tranh phân phối iPhone 5s chính hãng tại nước ta, ít ra đã có một chút sự cạnh tranh của các nhà phân phối để kéo giá bán xuống mức hợp lí hơn so với tình trạng độc quyền do 1 bên đứng ra "cầm trịch" và điều hành thị trường.

Theo Genk




Bình luận

  • TTCN (0)