Kiểu dáng thiết kế thô dày, tốn nhiều điện năng, TV Plasma ngày càng đuối sức trong cuộc đua trên thị trường TV thế giới.

Lượng TV Plasma tiêu thụ giảm mạnh khiến thị phần liên tục bị co hẹp. Đó là nguyên nhân khiến các hãng sản xuất TV hàng đầu thế giới tỏ ra không mặn mà, thậm chí còn tuyên bố rời bỏ phân khúc này, đẩy dòng TV Plasma đến nguy cơ có thể bị khai tử trong thời gian tới.

Theo báo cáo nghiên cứu thị trường của IHS iSuppli, lượng TV tiêu thụ toàn cầu năm 2013 ước đạt 226,7 triệu chiếc, giảm 5% so với năm năm 2012. Trong đó, dòng TV Plasma phải chấp nhận mức giảm mạnh nhất lên đến 27%. Như vậy, thị phần TV Plasma sẽ tiếp tục bị thu hẹp trong năm 2013, sau khi liên tục giảm mạnh còn 7,4% (năm 2011) và 6% (năm 2012).

Sự thất thế của TV Plasma đến từ nhiều nguyên nhân. Raymond Soneira - Chủ tịch của Công ty Phân tích Công nghệ màn hình DisplayMate - từng nhận định: Công nghệ Plasma có một số lợi thế so với LCD như độ tương phản cao, có các góc nhìn rộng hơn, màu sắc chính xác hơn và xử lí chuyển động tốt hơn. Nhưng với đa số người dùng không phải “dân kĩ thuật”, sự khác biệt không thật sự đáng kể. Thậm chí, giờ đây, dòng TV LED thế hệ mới cũng có thể làm được và còn làm tốt hơn. Trong khi đó, những ưu điểm của LCD như hình ảnh sáng hơn, nhẹ hơn và tiêu thụ ít năng lượng hơn lại dễ được người dùng nhận biết. Đó là chưa kể đến lợi thế về kiểu dáng và độ mỏng gần như không có đối thủ của dòng TV LED. Không chỉ có vậy, TV Plasma còn gặp phải lỗi “chết người” khi thường xảy ra hiện tượng lưu hình “burn-in”. Dù sau đó TV Plasma thế hệ mới đã khắc phục được điểm yếu trên, nhưng chưa thể xóa đi ấn tượng xấu này với người dùng.

Bên cạnh đó, nhiều người còn cho rằng công nghệ LCD mới hơn, nên sẽ tốt hơn. Dù trên thực tế, màn hình LCD xuất hiện trước thời điểm TV Plasma ra đời vài năm, nhưng LCD màn hình lớn được bán sau Plasma nên người dùng mới có quan niệm như vậy. Nhanh nhạy nắm bắt tâm lí của người dùng, nhiều nhà sản xuất TV danh tiếng như Samsung, LG, Sony... đã tập trung đầu tư vào phân khúc này. Nhờ đó, công nghệ LCD đã liên tục được cải tiến, làm lu mờ nhiều lợi thế của TV Plasma. Thêm nữa, việc TV LCD được sản xuất trên quy mô lớn cũng giúp cho giá bán ngày càng cạnh tranh hơn.

TV Plasma ngày càng bị “ghẻ lạnh” là nguyên nhân khiến Panasonic - hãng sản xuất TV Plasma hàng đầu thế giới - buộc phải tuyên bố sẽ rút khỏi phân khúc này kể từ tháng 4/2014. Điều đó chứng tỏ Panasonic không muốn tiếp tục cuộc phiêu lưu với dòng TV Plasma để rồi có thể phải đón nhận thêm khoản lỗ lên đến cả tỉ USD. Trước quyết định rút lui của Panasonic, Kevin Miller - người sáng lập TweakTV - cho rằng Samsung và LG có thể sẽ sớm đưa ra quyết định tương tự trong thời gian tới.

Tại thị trường Việt Nam, nơi mà người dùng coi trọng hình thức và đánh giá cao yếu tố tiết kiệm điện năng của các sản phẩm điện tử khi giá điện sinh hoạt ngày càng đắt đỏ do liên tục tăng giá trong nhiều năm qua, những nhược điểm của TV Plasma càng bị người dùng Việt săm soi, khiến dòng TV này dần vắng bóng trên các kệ hàng của các nhà phân phối.

Dạo qua các trung tâm, siêu thị điện máy lớn, không khó để có thể nhận thấy dòng TV LED, LCD đang chiếm ưu thế áp đảo, trong khi TV Plasma chỉ còn một số mẫu và gần như đồng loạt được gán nhãn “giảm giá sốc” hay “xả hàng” để giải phóng hàng tồn – một giai đoạn mà một công nghệ gần như phải trải qua khi đang dần đi đến cuối vòng đời của mình, khi lượng người quan tâm đến các mẫu TV Plasma này rất ít. Cùng giá bán 10,5 triệu đồng, LG LN 5110 kích thước 42 inch hấp dẫn hơn nhiều mẫu TV Plasma 43inch, độ phân giải HD Ready hỗ trợ kính 3D.

Nhận định về dòng TV Plasma - chuyên gia phân tích Colin Dixon, đồng thời là người sáng lập nScreenMedia - cho rằng: Khi lợi nhuận bị hao tổn, cũng có nghĩa công nghệ đó không còn kiếm ra tiền, thì dù có tốt mấy cũng không tránh khỏi phải thoái vị. Do đó, việc TV Plasma biến mất trên thị trường cũng là điều tất yếu.

Theo Sống Mới




Bình luận

  • TTCN (0)