Ngày 18/12, tại TP.HCM, Liên minh phần mềm doanh nghiệp (BSA) đã chính thức thông báo việc khởi kiện công ty TNHH Quốc tế Gold Long John Đồng Nai Việt Nam. Đây là một doanh nghiệp Đài Loan chuyên sản xuất vài dùng để làm giầy dép cho các thương hiệu lớn như Nike, Adidas, Converse, etc. Nguyên đơn của vụ kiện là công ty Lạc Việt và công ty Microsoft Việt Nam, theo đó hai doanh nghiệp này cáo buộc hành vi sử dụng lượng phần mềm lớn bất hợp pháp của công ty Gold Long John Đồng Nai Việt Nam, thuộc quyền sở hữu của họ.

Cụ thể, trong cuộc kiểm tra đột xuất do Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Phòng 4/C50, Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm thuộc Bộ Công an vào ngày 17/6 vừa qua tại Công ty Gold Long John Đồng Nai Việt Nam, đã tìm thấy lượng phần mềm lớn không có bản quyền của Lạc Việt và Microsoft được cài đặt bất hợp pháp trong 69 máy tính được sử dụng cho hoạt động kinh doanh của công ty này. Số phần mềm bất hợp pháp này ước tính lên tới 1 tỉ đồng (khoảng 45.000 USD) và phía công ty Gold Long John Đồng Nai Việt Nam đã thừa nhận hành vi vi phạm của mình.

Theo đại diện của Lạc Việt và Microsoft Việt Nam cho biết, việc họ quyết định kiện doanh nghiệp trên đã được cân nhắc rất kĩ, thay vì áp dụng các biện pháp xử lí như trước đây. Bởi họ đã phát hiện công ty này vi phạm bản quyền từ lâu và đã tiến hành các biện pháp nhắc nhở, thương lượng…và thậm chí cho công ty này thời hạn 3 tháng để giải quyết vấn đề này. Tuy nhiên, công ty này vẫn không có động thái nào để giải quyết và sau đó nhân cuộc thanh tra ở trên, phía Lạc Việt và Microsoft đã quyết định đưa ra biện pháp cảnh báo cao hơn, đó là kiện công ty này ra tòa.

Đồng thời đại diện 2 công ty cho biết, họ hi vọng công ty vi phạm sẽ bồi thường cho họ một cách thỏa đáng, bên cạnh đó đảm bảo không vi phạm bản quyền nữa, đồng thời cần phải có lời xin lỗi công khai trên các phương tiện truyền thông để mọi người nắm rõ. Ông Hà Thân, Giám đốc công ty Lạc Việt cũng cho biết, thực tế với số tiền vi phạm như trên, so với hai công ty đây là một khoản không lớn, nhưng qua vụ kiện này để mọi người biết Việt Nam là một nước có đầy đủ các quy định về pháp luật về bản quyền và các hành vi vi phạm phải bị xử lí nghiêm minh, nhằm làm giảm tình trạng vi phạm bản quyền phần mềm trong nước hiện nay. Đồng thời , qua vụ kiện này khẳng định quyền lợi hợp pháp của các doanh nghiệp về bản quyền sẽ được pháp luật bảo vệ.

Ông Tarun Sawney, Giám đốc phụ trách công tác chống vi phạm bản quyền khu vực Châu Á-Thái Bình Dương của cũng chia sẻ, với trường hợp vi phạm bản quyền đầu tiên được đưa ra tòa án, đây được xem là một bước đột phá và ông hi vọng với việc áp dụng biện pháp này, tỉ lệ vi phạm bản quyền phần mềm tại Việt Nam sẽ được giảm xuống.

Về phía cơ quan chức năng, ông Vũ Ngọc Hoan, quyền Vụ trưởng Cục bản quyền tác giả thuộc Bộ Văn hóa Thể thao và Du Lịch cho biết, Việt Nam có đầy đủ các quy định pháp luật về xử lí vi phạm bản quyền ở Việt Nam. Hiện các vụ vi phạm bản quyền được xử lí qua 3 biện pháp là dân sự, hành chính và hình sự. Từ trước đến nay biện pháp hành chính được áp dụng nhiều nhất, nhưng việc thực thi dù có nhiều quyết tâm nhưng vẫn chưa đem lại hiệu quả như mong đợi. Chính vì thế, cơ quan chức năng khuyến khích các đơn vị sở hữu bản quyền nên áp dụng các biện pháp dân sự, đưa sự việc ra tòa, nhằm tăng mức độ cảnh báo các đối tượng vi phạm bản quyền. Đồng thời ông cũng khẳng định, Chính phủ Việt Nam đang có những bước tiến mạnh mẽ và thể hiện quyết tâm trong việc đấu tranhc hống vi phạm bản quyền phần mềm. Theo đó, nếu như năm 2004 tỉ lệ vi phạm bản quyền ở Việt Nam là 92%, đến năm 2011 chỉ còn 81% và phấn đấu trong thời gian tới, tỉ lệ này sẽ xuống mức trung bình trong khu vực là 60%.

Theo ICTnews



Bình luận

  • TTCN (1)
Bút Máy  14818

bây giờ thấy thương hiệu Việt hay bị chôm chỉa lắm, đơn cử như mấy cái vụ cà phê,rồi nước mắm phú quốc ấy, ko mạnh tay từ sớm đến lúc mất hết thương hiệu rồi mới đi kiện