Liệu nụ cười còn nở trên môi Jerry Yang bao lâu nữa, khi ông sắp phải đối mặt với một cuộc "lật đổ" do Icahn khởi xướng? Ảnh: AP.

Thông điệp mà tỷ phú Carl Icahn phát ra cho Ban giám đốc Yahoo không thể rõ ràng hơn: Hoặc là chấp nhận nối lại đàm phán với Microsoft, hoặc là đối mặt với một cuộc "lật đổ" trong đại hội cổ đông thường niên tới đây. 

Một cuộc lật đổ

Giám đốc điều hành Jerry Yang của Yahoo đã dành hơn 3 tháng qua để cản trở lời đề nghị mua lại của Microsoft.

Nhưng giờ đây, Yang sẽ chỉ còn vài tuần để thuyết phục Gã khổng lồ phần mềm "hồi sinh" mức giá bỏ thầu cuối cùng 47,5 tỷ USD.

Nếu không, Yang có thể sẽ bị sa thải đầu tiên, trong một cuộc chiến giành quyền kiểm soát do Carl Icahn phát động.

Tỷ phú Carl Icahn nổi tiếng là người nóng tính và quyết liệt.

Ông đã nhiều lần khởi xướng các cuộc chiến giành quyền kiểm soát ở những công ty mà mình đầu tư vào, gây sức ép buộc lãnh đạo công ty phải ra đi.

Ấy là khi Icahn cảm thấy họ "không đủ năng lực để tiếp tục lèo lái con thuyền, hoặc chưa hết lòng với quyền lợi cổ đông".

Theo một nguồn tin mật của tờ Wall Street Journal, kể từ sau ngày 3/5, khi Giám đốc điều hành Microsoft Steve Ballmer chính thức tuyên bố quay lưng lại với Yahoo, Icahn đã tung tiền ra gom thêm 50 triệu cổ phiếu Yahoo để trở thành một cổ đông "có máu mặt" và "có tiếng nói lớn hơn".

Được chống lưng bởi một dàn các cổ đông khác (cũng đang thất vọng và giận dữ hết mức với Yahoo), Icahn tuyên bố sẽ "lãnh đạo một cuộc cách mạng" để loại bỏ Yang cùng toàn bộ ban giám đốc, trừ phi họ chịu nối lại đàm phán với Microsoft.

Phản ứng lại lời đe dọa này, Chủ tịch Roy Bostock của Yahoo bóng gió nói rằng "Ban giám đốc đã sẵn sàng để chiến đấu với Icahn".

Khẩu chiến kịch liệt

Ông Bostock cáo buộc nhà tỷ phú New York đã "hiểu sai nghiêm trọng bản chất" lời đề nghị của Microsoft, cũng như về quan điểm của Ban giám đốc Yahoo.

Ông này không quên nhấn mạnh rằng: Yahoo vẫn hết sức cởi mở trong việc bán mình, nếu như gặp được lời đề nghị "công bằng và tương xứng với giá trị của hãng".

Nhằm gây áp lực với Jerry Yang và các cộng sự, tỷ phú Icahn đã đề cử một loạt ứng viên ban giám đốc mới để cổ đông bỏ phiếu bầu chọn trong cuộc họp cổ đông diễn ra vào ngày 3/7 tới đây.

Nếu như vụ lật đổ này thành công, một ban giám đốc mới dưới sự lãnh đạo của Icahn sẽ lập tức sa thải Yang khỏi ghế Giám đốc điều hành, đồng thời cố gắng thương thảo "bán mình" cho Microsoft.

Trong lá thư gửi cho Bostock, Icahn đã không ngần ngại gọi hành động của Ban giám đốc là "vô trách nhiệm" và "thiếu lương tâm".

Trước khi Microsoft công khai ngỏ lời, giá cổ phiếu Yahoo vẫn chỉ trồi sụt ở mức 19,18 USD, thua xa mức giá hiện tại.

Chính vì thế, việc mở lại các cuộc thương lượng là việc làm "cần thiết và tất yếu" lúc này, Icahn bình luận.

"Tôi tin rằng một sự kết hợp giữa Microsoft với Yahoo, cho tới nay, vẫn là con đường hợp lý nhất dành cho cả hai hãng".

Trong lá thư phúc đáp, Bostock đã không tiếc lời bảo vệ cho Yang và Ban giám đốc.

"Chúng tôi vẫn cho rằng: Ban giám đốc hiện hành có đủ sự độc lập, hiểu biết và tận tụy để lèo lái công ty trong môi trường Internet thay đổi chóng mặt, đồng thời mang đến giá trị cao nhất cho bản thân hãng lẫn các cổ đông".

Một chương mới của Micro-hoo?

Lần đầu tiên, Icahn công khai xác nhận thông tin đăng tải trên WSJ về việc ông đã tích cực mua thêm cổ phiếu Yahoo.

Cụ thể, Icahn đã chi hơn 1 tỷ USD để gom thêm 59 triệu cổ phiếu nữa, nâng tổng số cổ phần mà ông sở hữu lên 4,3%.

Lời đe dọa của Icahn đã mở ra một chương hoàn toàn mới trong sự vụ đình đám Micro-hoo.

Ngày 1/2/2008, Microsoft đã khiến cả thế giới ngỡ ngàng khi đề nghị mua lại Yahoo với giá 31 USD/cổ phiếu, tương đương với một hợp đồng có giá trị lên tới 44,6 tỷ USD.

Đến cuối tháng 4, Steve Ballmer đã đồng ý nâng giá bỏ thầu lên 33 USD/cổ phiếu, đồng nghĩa với việc giá trị thương vụ được điều chỉnh lên mức 47,5 tỷ USD.

Mặc dù vậy, phía Yahoo vẫn một mực đòi giá 37 USD/cổ phiếu. Cũng có nghĩa, Microsoft sẽ phải chi tới 53 tỷ USD để có thể sở hữu Yahoo.

Cả Icahn lẫn Giám đốc điều hành Microsoft Steve Ballmer đều tin rằng Yahoo là vũ khí "chủ chốt" để gã khổng lồ phần mềm thu hẹp khoảng cách với đại địch Google trên địa hạt quảng cáo và tìm kiếm trực tuyến.

Tuy nhiên, vào phút chót, Ballmer đã hết kiên nhẫn trước sự cứng đầu của Yahoo, cũng như không thể "nuốt" nổi mức giá 37 USD mà Yahoo "quát".

Chính vì thế, Ballmer đã quyết định rút lại lời đề nghị mua lại.

Microsoft cũng bỏ luôn ý định xúc tiến một cuộc chiến giành quyền kiểm soát nhằm vào Yahoo, dù trước đó, hãng đã nhiều lần nêu ra khả năng này.

"Đá bóng sang chân Icahn"

Theo giới phân tích, có vẻ như Ballmer đã đoán trước động thái từ phía Icahn và đá lại quả bóng sang chân các cổ đông nóng tính của Yahoo, tránh cho Microsoft nhiều rắc rối và tốn kém không cần thiết.

Trong phiên giao dịch chiều qua, cổ phiếu Yahoo đã tăng 2,3% lên mức 27,75 USD. Đây là mức giá đóng cửa cao nhất mà cổ phiếu này đạt được sau khi Microsoft dứt áo ra đi.

Tuy Icahn rất muốn Yahoo "bán mình" cho Microsoft, song không có gì đảm bảo là gã khổng lồ phần mềm hiện vẫn còn hứng thú với Yahoo.

Đại diện Microsoft đã từ chối bình luận về lá thư của Icahn, tuyên bố: "Mọi chuyện đã là của quá khứ".

Ngoài Icahn, một ứng viên sáng giá khác cho ban giám đốc mới là Mark Cuban, người đã bán Broadcast.com cho Yahoo để đổi lấy 8,1 tỷ USD cổ phiếu hồi năm 1999.

Cuban cũng nhiều lần kêu gọi Yahoo "bán mình" cho Microsoft trên trang blog cá nhân của mình.

"Trong trường hợp Yahoo không thể tìm ra cách xoa dịu Icahn, nguy cơ cao là ban giám đốc Yahoo sẽ bị phân tán tư tưởng và không thể tập trung cho các kế hoạch phục hồi". .

Đây là nhận định của Giáo sư James Post - trường Đại học Boston, một người chuyên nghiên cứu về Quản lý Tập đoàn.

Cơn thịnh nộ của cổ đông

"Họ sẽ không thể quản lý tốt công việc kinh doanh, vì còn mải giải quyết quan hệ với các cổ đông đang giận dữ", Giáo sư Post nhấn mạnh.

Không phải nghi ngờ gì nữa về việc cổ đông Yahoo đang lên cơn thịnh nộ. "Rất nhiều người đang cảm thấy Yang và Ban giám đốc đã không làm tròn phận sự của họ.

Yang đã có một lời đề nghị rất hấp dẫn trên bàn đàm phán, nhưng ông ta lại làm mọi cách để quét nó đi", Darren Chervitz, Giám đốc quản lý Danh mục đầu tư của Jacob Internet Fund cho biết. 

Thậm chí, theo Chervitz, Yang còn cố tình "hủy diệt" lời đề nghị của Microsoft.

Paulson & Co, một quỹ đầu tư khác ở New York với 50 triệu cổ phiếu Yahoo trong tay, cũng tuyên bố sẽ ủng hộ Icahn vào ban giám đốc mới.

Tỷ phú Icahn từng là nhân tố quyết định buộc BlockBuster và Motorola phải đại phẫu trong thời gian gần đây.

Ông cũng là người gây áp lực buộc hãng phần mềm BEA Systems phải bán mình cho đối thủ Oracle, trong một bản hợp đồng trị giá 8,5 tỷ USD.

Một ứng viên khác do Icahn đề cử là nhà đầu tư mạo hiểm Adam Dell, anh trai của Michael Dell - Người đã sáng lập ra hãng máy tính lớn thứ 2 thế giới.

Ông cũng triệu tập được 2 ứng viên mà Microsoft từng nhắm đến trước đây: đó là Giám đốc quảng cáo Edward Grey và cựu Giám đốc điều hành Nextel - ông John Chapple.

Ác mộng của Jerry Yang?

Về phần mình, Jerry Yang vẫn khăng khăng cho rằng Yahoo đáng giá hơn nhiều so với lời đề nghị của Microsoft, nếu như hãng có thể nhanh chóng mở rộng thị phần của mình trên thị trường quảng cáo trực tuyến.

Yang cũng cam kết sẽ tăng doanh thu của hãng lên 25% trong 2 năm 2009-2010, cao gấp đôi so với tỷ lệ tăng trưởng 12% hiện nay.

Nhưng với Icahn, đó chỉ là những cái bánh vẽ không hơn không kém. "Thật là vô trách nhiệm khi nấp sau những lời dự đoán quá mức lạc quan", Icahn cáo buộc.

Năm nay 72 tuổi, Icahn hiện đứng thứ 46 trong danh sách Những Tỷ phú giàu nhất thế giới của tạp chí Forbes, với tổng tài sản ước tính khoảng 14 tỷ USD.

"Ông ấy có lẽ là cơn ác mộng tồi tệ nhất của ban giám đốc Yahoo lúc này. Icahn là người thông minh, bám dai như đỉa và rất biết cách lợi dụng sức mạnh truyền thông.

Tôi không nhớ được đã có bao nhiêu vị lãnh đạo phải ra đi vì ông ấy nữa", nhà phân tích Rob Enderle bình luận về Icahn.

Tuần trước, Chủ tịch Bill Gates của Microsoft tuyên bố hãng sẽ theo đuổi các chiến lược độc lập và không "thâu tóm hay liên minh với bất cứ công ty nào nữa".

Không hiểu đây chỉ là "đòn gió" nhằm vào các cổ đông Yahoo, hay là ý định thực sự của Microsoft. Bên cạnh đó, khả năng liên minh giữa Google và Yahoo càng ngày càng mờ nhạt.

"Việc các cổ đông sốt ruột và thất vọng là đương nhiên. Vấn đề bây giờ là họ sẽ phản ứng như thế nào mà thôi", Enderle kết luận.

(Theo Vietnamnet/AP, Reuters, AFP)



Bình luận

  • TTCN (0)