Triển lãm CES hàng năm vẫn luôn là nơi để các hãng công nghệ tiếng tăm trên thế giới tới đây để phô diễn hết những thành quả nghiên cứu bây lâu của mình, nhưng trong số đó cũng có không ít những sản phẩm không được như mong đợi nếu như không muốn nói là "thất bại".

Eyelock ID - Mở khoá PC bằng một cái liếc nhìn

Tại CES năm nay đã xuất hiện rất nhiều các công nghệ tiên tiên giúp theo dõi chuyển động của người dùng và biến chúng thành các hành động nhất định, trong số đó có Eyelock ID, nguyên mẫu một thiết bị có khả năng mở khoá màn hình máy tính của bạn chỉ bằng một cái liếc nhìn.

Tuy nhiên, liệu một thiết bị đó có thực sự hữu ích nếu trong nhiều trường hợp bạn không hề muốn bật máy tính của mình lên và chỉ là đang đi ngang qua máy tính rồi nhìn vào một thứ gì đó, nhưng tự nhiên thiết bị lại nhận lệnh và kích hoạt màn hình lên.

Dù đây là một ý tưởng sáng tạo thú vị và có tính thực tiễn cao nhưng nếu như không được chú ý đầu tư chăm chút thêm nhiều tính năng mới cũng như cải tiến những hạn chế thì thiết bị cũng có thể nhanh chóng bị lãng quên sớm.

Kính tiềm vọng để gọi video call cho iPad

Một thiết bị có tên iTOi cho phép bạn có thể gọi video call thông qua một hệ thống gương bên trong thiết bị.

Bằng cách phản xạ hình ảnh của người đang thực hiện cuộc gọi lên màn hình hiển thị, người dùng có thể dễ dàng thực hiện cuộc nói chuyện từ khoảng cách xa. Tuy nhiên, có vẻ như thiết bị sẽ khó để có thể sử dụng ở những nơi công cộng mà thay vào đó sẽ phải để cố định ở một chỗ. Và đó là còn chưa kể, ý tưởng về thiết bị trên dường như chưa nhận được sự quan tâm từ đông đảo người tới tham quan sự kiện.

Toshiba Chromebook

Các thiết bị chạy nền tảng Chrome OS hay gọi chung là Chromebook được dự đoán sẽ phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới, tuy nhiên điểm yếu nhất của các dòng máy Chromebook chính là độ phổ biến kém và hoạt động không hiệu quả khi thiếu đi các kết nối Internet do các ứng dụng được tạo ra trên nền tảng này dựa vào trình duyệt Chrome là chủ yếu, vì vậy nếu thiếu đi kết nối nó có thể sẽ rất khó sử dụng cho người dùng.

Bên cạnh đó, hầu hết các dòng sản phẩm Chromebook thường là các dòng giá rẻ cấu hình yếu trong đó Chromebook của Toshiba là một điển hình với mức giá chỉ có 279 USD (khoảng 5,9 triệu đồng) và chỉ sử dụng có VXL Celeron đời cũ của Intel, RAM 2 GB và bộ nhớ trong 16 GB nên nhìn chung máy sẽ xử lí khá chậm nếu phải chạy các phần mềm, tiến trình mới có dung lượng cao hiện nay.

Máy chiếu Hotspot Projector của ZTE

Được coi như là thiết bị lai giữa máy chiếu và MTB, chiếc Hotspot Projector của ZTE có hẳn một màn hình cảm ứng 4 inch nằm ở mặt trên của máy, độ phân giải 800 x 480 pixel.

Ngoài việc có một máy chiếu độ phân giải Full HD ở mặt trước, sản phẩm còn được tích hợp thêm khả năng kết nối Wi-Fi, Bluetooth, 4G LTE, pin dung lượng 5000 mAh và cho phép tạo điểm phát sóng Wi-Fi thông qua việc sử dụng mạng LTE.

Có nhiều ưu điểm tốt, nhưng điểm yếu của sản phẩm cũng chính là không phù hợp với mục đích công việc chính là máy chiếu khi độ phủ rộng của hình ảnh được chiếu từ máy chỉ khoảng 120 inch (khoảng 3 mét), hơi bé nếu như được dùng tại các hội nghị trình chiếu lớn.

Đồng thời, việc kiêm luôn nhiệm vụ của một điểm hotspot phát Wi-Fi cho các thiết bị khác cũng làm cho thiết bị trở nên rất nóng khi sử dụng và hao tốn nhiều pin hơn so với thông thường.

Mother - thiết bị thông minh hay cỗ máy cằn nhằn?

Một thiết bị có tên Mother hình dạng giống như một cô búp bê Nga được công ty Sen.se giới thiệu tại CES năm nay với chức năng chính là thu thập mọi thông tin về người dùng để đưa ra những chỉ dẫn giúp bạn nhớ thực hiện các công việc trong cuộc sống như nhắc đánh đánh răng, uống nước...

Nhưng liệu có phải cứ luôn luôn nhắc nhở người dùng trong mọi chuyện thì có thể giúp họ giải quyết được mọi thứ tốt hơn? Dựa trên trải nghiệm của một số người dùng qua cho biết, sản phẩm nhiều lúc lại trở thành một thứ cản trở họ rất nhiều khi nó luôn luôn cằn nhằn mọi thứ với người dùng mà thực sự thì nó chẳng thể nào giúp bạn giải quyết được gì.

TrewGrip - thiết kế bàn phím ngược lạ lùng

Cũng như nhiều sự kiện lớn nhỏ trong giới công nghệ, bên cạnh những sản phẩm có thiết kế đột phá thì cũng có những thiết bị đi ngược lại xu thế với những kiểu dáng quái dị và không giống ai.

TrewGrip là một điển hình trong số đó. Đây là một loại bàn phím có thể lộn ngược lại nhưng trên thực tế không hề có ai muốn thử cảm giác của một chiếc bàn phím bị làm ngược là như thế nào cả. Đồng thời, nếu như người dùng được trực tiếp trải nghiệm thiết bị thì có lẽ họ sẽ còn trở nên ngao ngán hơn khi họ phải vòng cả bàn tay của họ ra sau để đánh các nội dung văn bản đang được hiển thị ở mặt trước của một chiếc MTB đính kèm và điểm quan trọng là mức giá của thiết bị cũng khá cao, lên tới 200 USD.

Bởi vậy nên có lẽ sản phẩm sẽ không ghi được những điểm tốt nào trong mắt người tham quan tại CES năm nay.

Ổ cứng hình cầu có thể soi gương LaCie Sphere

Có thể là ổ cứng sang trọng và đẹp mắt nhất hiện tại thời điểm này của LaCie nhưng sản phẩm này vẫn còn cách quá xa để tới được tay người dùng phổ thông.

Theo nhà sản xuất, ổ cứng hình cầu gương này của hãng được làm từ thép mạ bạc siêu bóng sẽ có dung lượng lên tới 1 TB trong ổ SSD với cổng USB 3.0, Tuy nhiên với mức giá bán lẻ đề nghị là 450 USD (9,5 triệu đồng), một mức giá khá đắt đỏ so với các ổ cứng thông thường hiện nay trên thị trường do sản phẩm chú trọng nhiều tới yếu tố thiết kế bóng bẩy nên dường như không nhận được nhiều sự chú ý từ phía người dùng.

Thiết bị lai giữa hai HĐH bắt bạn phải cập nhật cho cả hai cùng một lúc

Ra mắt trong sự đón nhận nồng nhiệt của giới yêu công nghệ tại CES năm nay, nhưng các thiết bị có thể chạy 2 HĐH cùng một lúc hay nói chung là Dual OS vẫn có những điểm hạn chế mà chắc chắn người dùng muốn mua chúng khi biết được cũng sẽ phải nghĩ tới một phương án mua sắm khác.

Tuy có thể chuyển đổi dễ dàng giữa hai HĐH là Windows và Android với nhau thông qua một nút chuyển đổi trong thời gian chỉ chưa đầy 5 giây, nhưng chiếc Transformer Book Duet của Asus hoặc Canvas LapTab của Micromax vẫn sẽ phải tuân thủ theo quy định duy trì cập nhật đầy đủ cho cả hai HĐH cùng một lúc nếu như không muốn nói là phải dành nhiều thời gian hơn bình thường trong việc cập nhật các ứng dụng để tương thích với mỗi HĐH khác nhau trên máy.

Giường thông minh nhưng liệu có tiện lợi?

Liệu bạn sẽ bỏ ra một khoản tiền lên tới 7999 USD, tương đương 170 triệu đồng, cho một hệ thống giường thông minh giúp bạn tính toán và cân bằng giấc ngủ của bạn sao cho hiệu quả nhất? Câu trả lời là có thể có hoặc có thể không ngay trong thời điểm nó phát hành chính thức trên toàn cầu vào năm nay.

Được quảng cáo là chiếc giường có công nghệ tiên tiến nhất hiện nay trên thế giới với việc trang bị bên trong những công nghệ như Dual Air, SleepIQ và Sleep Number giúp bạn theo dõi nhịp thở, chuyển động và nhịp tim trung bình khi ngủ để đưa ra thuật toán xử lí phù hợp nhất cho mỗi giấc ngủ của người dùng và thông báo cho họ.

Tuy vậy, nếu như chỉ có những thay đổi và tác động khách quan từ bên ngoài thì khả năng cao, các thuật toán xử lí vẫn có thể sai sót và nếu như bạn không muốn lại chính chiếc giường thư giãn của mình lại trở thành một thứ khiến bạn phải lo lắng hơn khi nó đưa ra những chỉ dẫn cũng như điều chỉnh sai lệch.

Audi với sáng kiến MTB Android trong xe hơi

Công nghệ tích hợp HĐH di động vào trong các dòng xe ô tô cao cấp hiện nay có thể không còn là một điều quá xa lạ khi mà đã có nhiều hãng đã cho ra mắt công nghệ này tại CES năm nay. Nhưng bên cạnh những lợi ích cơ bản trước mắt mà nó đem lại thì nó cũng có những hạn chế ít ai để ý đến.

Theo Audi cho biết, hãng đã tích hợp một chiếc MTB 10 inch vỏ nhôm, chạy Android và sử dụng chip Nvidia Tegra 40 dành cho các ứng dụng trên ô tô. Cùng với đó, người dùng trong xe cũng có thể sử dụng nó như một công cụ điều hướng, âm thanh, điện thoại, nghe nhạc, xem bản đồ, kiểm tra tốc độ và một số chức năng kết nối khác với ô tô thông qua Wi-Fi.

Với việc hỗ trợ tải về đầy đủ các ứng dụng trên kho ứng dụng Android và hiển thị quá trình điều hướng thực tế của xe, đó có thể là tốt. Nhưng thực sự, việc có quá nhiều nội dung hấp dẫn trên một thiết bị giải trí như MTB thì chắc chắn rằng việc lái xe của người dùng sẽ bị sao nhãng đi một cách đáng kể và chuyện gây ra hoặc bị tai nạn do sự phân tâm từ việc sử dụng các thiết bị này sẽ càng dễ xảy ra hơn.

Bàn thái thức ăn với thiết kế khe chứa MTB

Một ý tưởng mới mẻ từ CTA Digital, hãng chuyên sản xuất các dòng phụ kiện dành cho các thiết bị MTB, máy chơi game cũng đã tới CES năm nay cùng mô hình bàn thái thức ăn kiêm khe chứa MTB đặc biệt nhưng cũng hết sức kì quặc.

Với mục đích chính ban đầu như là một thiết bị kết hợp cho các bà nội trợ khi vừa có thể nấu ăn vừa có thể xem luôn được các công thức nấu ăn, giải trí ngay trên một chiếc MTB phía trước mặt. Tuy nhiên, trên thực tế khi nấu ăn sẽ chẳng có mấy người có thời gian để quan sát và thưởng thức những tính năng hay nội dung gì đang diễn ra trên chiếc MTB ở phía trước.

Ngoài ra, việc bố trí quá gần nhau của nơi đựng dao và nơi đựng MTB nhiều lúc cũng có thể dẫn đến những sai lầm nghiêm trọng gây ra hỏng hóc thiết bị một cách đáng tiếc, đó là chưa kể thức ăn cũng có thể bắn lên trực tiếp màn hình máy khi đang băm hoặc thái thức ăn. Mức giá cho sản phẩm là 34,99 USD tức 744 nghìn đồng.

Theo ZDNet



Bình luận

  • TTCN (0)