Dung lượng hệ thống địa chỉ IPv4 đang vơi đi, có thể gây rạn nứt "địa giới" Internet. Ảnh: caida.org.

Sự chậm trễ trong triển khai cấu trúc phân lớp địa chỉ mới cho Internet có nguy cơ gây chia rẽ bản đồ số thành các vùng miền biệt lập. Đó là cảnh báo vừa được Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) đưa ra.

Theo OECD cho biết, tình trạng đó hoàn toàn có khả năng xảy ra nếu mỗi chính phủ thực hiện các chính sách phát triển khác nhau. Hiện nay, hệ thống 4,4 tỷ địa chỉ IP bắt đầu có dấu hiệu cạn dần, 14% số địa chỉ còn lại sẽ sử dụng hết trong 3 năm tới. Vì vậy, yêu cầu nâng cấp hệ thống phân phối địa chỉ IP đang ngày càng trở lên cấp thiết.

IP là chữ viết tắt của Internet Protocol (giao thức Internet). Trong mạng, thiết bị nào cũng phải có địa chỉ riêng cho mỗi kết nối. Nhờ địa chỉ này, các gói tin trao đổi giữa hệ thống máy tính (máy chủ, máy khách) mới được nhận biết để chuyển đi.

Trong một báo cáo được chuẩn bị cho cuộc họp cấp bộ trưởng sắp tới về tương lai của nền kinh tế Internet, OECD khuyến cáo các chính phủ và những doanh nghiệp cần kiên định với nhiệm vụ chuyển đổi sang phiên bản IPv6.

Hai phiên bản sử dụng hiện nay là IPv4 và IPv6, trong đó IPv4 là chuẩn đang dùng rộng rãi với độ dài 32 bit. Nhưng trong tương lai, khi quy mô của mạng mở rộng, hệ thống Internet buộc phải dùng đến IPv6 là chuẩn 128 bit.

Phiên bản IPv6 mới nhất được đưa vào ứng dụng đảm bảo cho các gói dữ liệu gửi qua mạng đến đúng nơi đúng chỗ. Chuyển đổi sang hệ thống địa chỉ IP mới là nhiệm vụ mang tính thiết yếu đối với sự ổn định và bền vững của tương lai nền kinh tế tri thức. Nhưng OECD cũng thừa nhận rằng tiến trình này diễn ra rất chậm, do những lợi ích mà IPv6 có thể mang lại không dễ định lượng trong một sớm một chiều.

Về mặt kỹ thuật, OECD cho rằng giải pháp khả thi duy nhất là triển khai đầy đủ hệ thống mới ngay từ bước đầu, bởi vì quy trình nâng cấp từ phiên bản IPv4 lên IPv6 có thể mất khá nhiều thời gian để hệ thống phần mềm thực thi thông dịch giữa hai phiên bản công nghệ này, làm cho các doanh nghiệp không theo kịp thời cuộc.

Bản báo cáo cũng cho rằng các nền kinh tế có thể buộc phải triển khai biện pháp này ngay sau khi chi phi sử dụng hệ thống IPv4 bị tăng giá, do số lượng địa chỉ Internet cạn kiệt.

Điều đó thôi thúc các chính phủ đẩy mạnh những chiến dịch giáo dục mở rộng, nhằm chuyên nghiệp hóa IPv6 trong mọi cơ cấu kinh tế xã hội và khuyến khích phê chuẩn công nghệ mới bằng những dự án cụ thể. Sự trì hoãn trong triển khai hệ thống IPv6 còn cho thấy rằng công nghệ này đưa vào ứng dụng cần có kế hoạch phối hợp hành động nhiều năm.

Hiện nay đã có một số nước triển khai chuẩn IPv6, đáng chú ý là Nhật Bản ứng dụng kỹ thuật này cho mạng truyền dẫn thiết bị cảm ứng động đất. Trung Quốc cũng sử dụng mạng IPv6 để phục vụ cho Thế vận hội Olympics Beijing 2008.

(Theo VTCnews/BBC)



Bình luận

  • TTCN (0)