Tổng Giám đốc Paul Jacobs của Qualcomm là một diễn giả tại Diễn đàn Kinh tế thế giới 2014.

Tại Diễn đàn Kinh tế thế giới 2014 (WEF), nhiều giám đốc của các doanh nghiệp lớn như Walmart, Qualcomm,… đã chia sẻ ý kiến về đổi mới có tính đột phá dựa trên nền tảng công nghệ.

“Đổi mới là quyết định khó khăn bậc nhất mà một Tổng Giám đốc phải làm vì nó đi kèm sự thay đổi và gián đoạn”, Maurice Lévi, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc hãng Publicis Groupe (Pháp) phát biểu tại Diễn đàn kinh tế thế giới 2014. Nó có thể thất bại, song mặt khác, không liều lĩnh có thể dẫn đến sự suy tàn của một đế chế.

Điều đó đặc biệt đúng trong thế giới ngày nay, khi gần như mọi người đều kết nối qua mạng. Người tiêu dùng, khách hàng, đối thủ có thể truy cập lượng lớn thông tin theo thời gian thực về sản phẩm, dịch vụ, sự kiện và mọi thứ đang xảy ra. Các công ty phải phản ứng chính xác và nhanh chóng trước những kì vọng mới hoặc có nguy cơ bị tụt hậu.

Với các doanh nghiệp, thách thức của việc hiểu và thỏa mãn nhu cầu không ngừng thay đổi của khách hàng đòi hỏi phải có sự thay đổi mỗi 2 hoặc 3 năm. Tốc độ phát triển hay chấp nhận đổi mới có thể ngắn hơn đối với các ngành công nghiệp luôn phải tìm kiếm lợi thế cạnh tranh.

Bất kể có lo ngại gì, sự thay đổi thông qua những đổi mới công nghệ là không thể tranh cãi. “Bạn cần phải đi từ ngày hôm qua sang ngày mai bằng các công cụ của ngày hôm nay”, Dough McMillion, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc chuỗi bán lẻ Walmart (Mỹ) nói. Dù có vẻ lạ lùng, ông đánh giá Walmart ngày nay có hơi hướm của một hãng công nghệ hơn là một nhà bán lẻ thuần túy.

Walmart không còn sắp xếp các kệ hàng dựa theo cái mà họ nghĩ mọi người muốn. Dựa vào công nghệ, hãng phân tích lượng dữ liệu tìm kiếm sản phẩm, nhãn hàng, kích thước… có khả năng thu hút người mua nhất trong mỗi danh mục trong khoảng thời gian nhất định. Walmart còn cho phép mọi người đặt hàng qua mạng, qua điện thoại rồi chuyển phát đơn hàng đến tận nhà hoặc gửi đến địa chỉ đăng kí trước để khách hàng đến lấy.

Cái giá của sự đổi mới

Đổi mới có thể đắt đỏ và “có nhiều công nghệ phải bỏ đi”, Paul Jacobs, tân Tổng Giám đốc Qualcomm (Mỹ) nhận định. Jacobs cho biết Qualcomm xây dựng cả một hệ thống truyền hình riêng cho điện thoại di động nhưng cuối cùng, phần lớn người dùng lại không muốn trả thêm cho nó. Công nghệ này hiện được chuyển qua nhà sản xuất điện thoại để tích hợp vào một số thiết bị đã được lựa chọn như một tính năng tùy chọn.

Tuy nhiên, cái giá của việc không chịu đổi mới thậm chí còn đắt hơn. “Tổng Giám đốc không dám đặt cược sẽ đối mặt với nguy cơ biến mất”, Peer Schatz, Tổng Giám đốc hãng Qiagen (Đức) chia sẻ. Công ty của ông không ngừng tự đổi mới, bắt đầu từ hóa học rồi chuyển sang sinh học và cả kĩ thuật. Ngày nay, nó là một doanh nghiệp phần mềm dù vẫn hoạt động trong ngành y tế. “Công ty phải thay đổi mọi lúc nhưng họ nên gắn bó với năng lực cốt lõi”, ông nói.

Chi phí của việc áp dụng các đổi mới có tính đột phá bao gồm việc loại bỏ tài sản, hệ thống sẵn có. Công ty không chỉ nhìn vào tác động của đổi mới tới việc kinh doanh hiện tại mà còn tới các đặc quyền kinh doanh mới và tính tương trợ các hoạt động đang có. “Hãy nhìn vào ý nghĩa của nó trong tương lai. Trong công nghệ, nếu bạn không làm, sẽ có người khác làm”, Schatz nói.

Các công ty phải nhận thức rằng luôn có đổi mới đột phá trong tương lai, và công nghệ đóng vai trò lớn trong công cuộc đổi mới này. Lévi gợi ý doanh nghiệp nên tuyển dụng những người trẻ tuổi để thách thức những suy nghĩ và lối làm việc cũ mòn. “Nếu muốn sống sót, bạn cần tự vấn bản thân liên tục”. Trong khi đó, những điều lớn lao hơn cần phải được làm rõ ràng, bắt đầu từ người lãnh đạo và tầm nhìn. Tổng Giám đốc và nhân viên phải sáng tạo, sẵn sàng thử thách điều mới, kiên định và có niềm tin.

CEO Paul Jacobs của Qualcomm khuyên không nên vứt bỏ mọi thứ mà hãy làm điều gì đó khác biệt so với cái mà người khác đang làm. "Steve Jobs không loại bỏ điện thoại di động, cái ông đã làm là đặt sự nhạy cảm đặc biệt vào nó, đặc biệt là về thiết kế", Paul Jacob nói.

Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) 2014 diễn ra từ ngày 22 đến 25/1 tại Davos-Kloster, Thụy Sĩ. Đây là nơi các lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu, các vị lãnh đạo các nước, các học giả và phóng viên thảo luận những vấn đề thời sự quốc tế, bao gồm các lĩnh vực y tế và môi trường. Chủ đề của WEF năm nay là “Tái định hình thế giới: Hệ quả đến Xã hội, Chính trị và Doanh nghiệp”.

Năm nay, WEF chọn ra 36 doanh nghiệp tiên phong về công nghệ (Technology Pioneers). Những cái tên trong danh sách đều cung cấp nhiều giải pháp mới, bao gồm những công nghệ cho hành tinh xanh hơn và bền vững hơn; triển khai các phương pháp điều trị chính xác bệnh ung thư và các loại bệnh khác; thiết kế lại nền giáo dục; tạo ra trải nghiệm Internet cá nhân hóa tốt hơn… Một hội đồng bao gồm nhiều chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ, học viện, nhà đầu tư, doanh nhân… đánh giá tất cả ứng cử viên trong chương trình trước khi đưa ra kết quả chính thức.

Danh sách Technology Pioneers 2014 bao gồm: Adtelligence, Advantix Systems, Agios Pharmaceuticals, Airbnb, Alphabet Energy, AppNexus, BIND Therapeutics, bluebird bio, Bug Agentes Biologicos, Codecademy, Coursera, Cyberdyne, Data4, Dnevnik.ru, D-Rev: Design Revolution , EcoNation, Foundation Medicine, GitHub, Jana, Kaggle, Kebony, Koemei, Lenddo, LiveU, Natera, Nest Labs, Oasys Water, OMC Power, Rethink Robotics, Second Sight Medical Products, Selecta Biosciences, SunPartner, SynTouch, TruTag Technologies, Viki và Witricity Corporation.

Theo ICTnews




Bình luận

  • TTCN (0)