Các nhà mạng không trả lại tiền cho người dùng đối với các tin nhắn sai cú pháp, tin nhắn lỗi, tin nhắn không được cung cấp dịch vụ, dù cho việc này đã được Bộ TT&TT quy định rất rõ.

Theo quy định, nhà mạng phải hoàn lại tiền cước cho thuê bao đối với những tin nhắn sai cú pháp kiểu này.Đợt kiểm tra trong năm 2013 của Thanh tra Bộ tại nhiều nhà cung cấp dịch vụ nội dung (CSP) như công ty Hà Thành, Tinh Vân, Trung tâm VDC Online, VMG..., đã nhận thấy các DN không thực hiện nghiêm túc việc trả lại tiền cho người dùng. Điển hình là trường hợp của VDC Online sau hơn 1 năm mới thực hiện xong việc hoàn cước cho người sử dụng với số tiền lên tới 1,43 tỉ đồng và vẫn còn hơn 300 triệu đồng không thể hoàn trả được.

Điều này hoàn toàn đi ngược với Chỉ thị 04 ngày 30/12/2011 của Bộ trưởng Bộ TT&TT, quy định rất rõ rằng: "các DN viễn thông di động phải nhanh chóng, kịp thời phối hợp cùng các DN cung cấp dịch vụ nội dung qua tin nhắn xác minh các tin nhắn từ chối sử dụng dịch vụ, tin nhắn bị lỗi kĩ thuật, tin nhắn bị sai cú pháp dịch vụ, tin nhắn yêu cầu mà không được cung cấp dịch vụ để hoàn lại tiền cho khách hàng". Nghị định số 77 của Chính phủ cũng quy định không được phép thu cước dịch vụ đối với các tin nhắn lỗi, tin nhắn không được cung cấp dịch vụ, tin nhắn đã được cung cấp dịch vụ nhưng có nội dung khác với mã lệnh mã doanh nghiệp công bố, tin nhắn do người dùng bị lừa đảo.

Ngay trong đợt thanh tra thuê bao trả trước diện rộng hồi giữa năm 2013 vừa qua, Thanh tra Bộ cũng nhận thấy mặc dù CSP có chuyển danh sách các thuê bao cùng số tiền phải hoàn lại cho nhà mạng, nhưng bản thân DN viễn thông lại hoàn thiếu. Thí dụ như từ tháng 4-8/2013, đáng lẽ phải hoàn cho người sử dụng nhắn đến đầu số 8x10 hơn 150 triệu đồng nhưng công ty VMS (MobiFone) chỉ hoàn cước của tháng 4 là 485.000 đồng.

Kiểm tra ngẫu nhiên 20 số thuê bao, Thanh tra phát hiện 5 thuê bao chưa được hoàn cước đầy đủ. Tổng số tiền cước không hoàn trả của 5 thuê bao này là 129.000 đồng. Kiểm tra ngẫu nhiên 29 thuê bao nhắn tin sai cú pháp nhưng hệ thống cho thấy Viettel không thực hiện hoàn cước cho các thuê bao này. Tổng số tiền không hoàn cước là 269.000 đồng.

"Hiện nay có gần 400 CSP lớn và nhỏ đang hợp tác cung cấp dịch vụ. Nếu họ không trung thực trong việc hoàn cước thì số tiền bất hợp pháp mà các CSP và nhà mạng giữ lại có thể rất lớn", Thanh tra Bộ khuyến cáo.

Trước đó, tại Hội nghị triển khai hoạt động 2014 của Thanh tra Bộ TT&TT (giữa tháng 12), đơn vị này cho biết đã yêu cầu VinaPhone hoàn lại tiền cước sử dụng các tin nhắn lỗi, tin nhắn sai cú pháp, tin nhắn không được cung cấp dịch vụ với tổng số tiền gần 693 triệu đồng. Tuy nhiên vẫn còn gần 77 triệu đồng không hoàn lại được do chủ thuê bao đã rời mạng. Tương tự, mạng MobiFone cũng phải hoàn lại gần 817 triệu đồng nhưng đến nay còn hơn 227 triệu đồng không thể hoàn lại vì khách hàng đã rời mạng.

Đối với Viettel, tình trạng thu cước người sử dụng đối với các tin nhắn kiểu này vẫn tồn tại. Nhà mạng này vẫn tiếp tục gửi quảng cáo cho người sử dụng mặc dù chủ thuê bao đã nhắn tin từ chối nhận tin nhắn quảng cáo.

Một vấn đề nữa cũng được Thanh tra Bộ lưu ý là việc cấp đầu số hiện nay đang không theo quy hoạch, cùng với đó là quy định về giá cước tương ứng. "Cùng 1 đầu số nhưng 3 nhà mạng có thể cấp cho 3 doanh nghiệp CSP khác nhau. Giá cước trước đây tối đa là 15.000 đồng/tin nhắn nhưng hiện nay đã có những đầu số có giá cước lên tới 50.000 đồng.

Để giải quyết tình trạng này, Thanh tra kiến nghị lãnh đạo Bộ sớm ra quy định yêu cầu nhà mạng, CSP phải hoàn cước ngay cho người sử dụng không được cung cấp dịch vụ, đồng thời sớm ban hành thông tư quy định chỉ có Bộ TT&TT mới được cấp đầu số cho CSP, không để nhà mạng tự cấp như hiện nay.

Theo Vietnamnet



Bình luận

  • TTCN (0)