Thị trường dịch vụ OTT đang phát triển và bùng nổ mạnh mẽ với hàng trăm triệu người dùng. Dự đoán, trong năm 2014, chúng ta tiếp tục chứng kiến sự tăng trưởng người dùng cũng như việc mở rộng phạm vi hoạt động của các dịch vụ này.

Sẽ có trên 2 tỉ người dùng các ứng dụng OTT trong năm 2014

Hiện nay, các nhà cung cấp dịch vụ OTT ngày càng trở nên cạnh tranh hơn, sáng tạo hơn trong các dịch vụ và mạnh tay hơn trong các chiến dịch marketing, quảng bá. Theo dự đoán của Ovum, số lượng người dùng OTT sẽ vượt qua mốc 2 tỉ người trong năm 2014, từ con số khoảng 1 tỉ người dùng hiện nay. Ngoài ra, số các tin nhắn được gửi và nhận qua các ứng dụng OTT trong năm tới dự kiến tăng từ 27,5 nghìn tỉ trong năm 2013 lên 71,5 nghìn tỉ vào cuối năm 2014.

Báo cáo Xu hướng OTT năm 2014 của Ovum cho biết, WhatsApp đang là dịch vụ dẫn đầu trong số những ứng dụng OTT trên toàn cầu và trong năm tới WhatsApp sẽ thống trị thị trường ứng dụng nhắn tin trên nền tảng Android và iOS. Sự ra đời của nhiều mẫu smartphone giá rẻ, sự gia tăng số người tiếp cận Internet di động tại các thị trường mới nổi và các chiến dịch marketing quy mô lớn sẽ là những nguyên nhân chính khiến số lượng người dùng và tin nhắn qua ứng dụng OTT gia tăng bùng nổ.

“Chúng tôi cho rằng mặc dù chậm nhưng các ứng dụng OTT chắc chắn sẽ bắt đầu phát sinh doanh thu từ những dịch vụ như bán sticker, game, video và các dịch vụ khác. Điều này hỗ trợ mạnh mẽ cho sự phát triển và ra đời của các ứng dụng OTT mới trong năm 2014”, Neha Dharia, nhà phân tích mảng viễn thông tiêu dùng và là tác giả của báo cáo, nói. Chính vì thế, trong năm 2014, Ovum dự đoán sẽ có một làn sóng các ứng dụng OTT đổ bộ thị trường. Các công ty cung cấp ứng dụng OTT sẽ thử nghiệm nhiều dịch vụ mới như cung cấp game, thanh toán, dịch vụ thông tin và các tiện ích khác chứ không chỉ giới hạn ở những tính năng chính nhắn tin, gọi điện.

Thậm chí, trong năm 2014 các ứng dụng nhắn tin, gọi điện OTT sẽ thách thức cả mạng xã hội di động, tạo ra bước ngoặt lớn trong truyền thông xã hội. Các dịch vụ như Line và WhatsApp là những dịch vụ di động đang thay đổi cách người tiêu dùng tương tác với truyền thông xã hội. Theo đó, người dùng có thể nhắn tin, gọi điện thoại, chơi game, mở rộng các khả năng tiếp cận trên di động.

Ovum kết luận rằng đội quân ứng dụng OTT ngày càng hùng mạnh cũng có nghĩa là các nhà mạng sẽ phải đối mặt với nhiều áp lực hơn, khi một trong những khoản doanh thu truyền thống của họ ngày càng bị ăn mòn.

Đã đến lúc ngừng “đấu tố” OTT?

Nhiều người nhận định rằng OTT đe dọa đến doanh thu của các nhà mạng, lại có người nói rằng OTT mang lại nhiều mô hình hợp tác. Dù thích hay ghét thì các ứng dụng OTT vẫn tồn tại, thậm chí phát triển mạnh mẽ. Vậy các nhà mạng trên toàn cầu sẽ phục hồi doanh thu và tăng trưởng lợi nhuận như thế nào trong năm 2014?

Đầu tiên, các nhà phân tích cho rằng nên nhìn nhận các hãng viễn thông đã và đang kinh doanh rất tốt, chỉ là hầu hết họ đã từng có những ngày tốt hơn trong quá khứ. Vì thế, vấn đề hiện nay là các nhà mạng cần thay đổi tư duy, quan điểm kinh doanh. Chẳng hạn, cần có những ý tưởng mới, những mô hình hoạt động mới và trong một số trường hợp là cần thêm những con người mới - những người ở ngoài ngành công nghiệp viễn thông. Những bước đầu tiên là nhà mạng phải học cách làm việc hiệp lực với nhau và hiệp lực với cả các OTT, tập trung vào biện pháp kinh doanh “win-win” (hai bên cùng thắng) và ngừng hoặc ít trách cứ, đổ lỗi cho nhau.

Các dịch vụ OTT thành công nhất nhờ sự tiếp cận không biên giới. Nếu các nhà mạng vẫn chưa hợp tác với nhau, họ sẽ tiếp tục hứng chịu thế bất lợi, trừ những nơi như Trung Quốc và Mỹ, là nơi các nhà mạng đang được hưởng chính sách và chế độ thuế tốt hơn cả.

Thứ hai, cần tập trung vào dịch vụ chứ không phải mạng lưới, tất nhiên như thế không có nghĩa bỏ qua, không đầu tư vào mạng lưới. Song mạng lưới - cũng như thiết bị, hệ điều hành - đã trở thành hàng hoá, dù chúng vẫn là những tài sản chiến lược nếu được kích thích đúng cách. Nhà mạng sẽ thất bại nếu cứ cạnh tranh vào việc chi mạnh cho mạng lưới và họ sẽ có chất lượng, độ phủ mạng lưới giống nhau. Trong khi đó, chúng ta đang sống trong thời đại ngày càng có ít nhà cung cấp mạng lưới, nhà sản xuất thiết bị và thậm chí ít cả nhà phát triển hệ điều hành. Điều muốn nói ở đây là các nhà mạng sẽ rất khó tạo sự khác biệt nếu dựa vào những tài sản truyền thống này, trừ phi một nhà mạng nào đó sở hữu những công nghệ mạng vượt trội hơn hẳn, mà điều này rất hiếm.

Thay vào đó, các nhà mạng nên đồng ý chia sẻ gánh nặng về mạng lưới. Những ý tưởng như chia sẻ trạm BTS và chia sẻ các cơ sở hạ tầng khác ngày càng được nhiều nhà mạng thế giới thực hiện. Như vậy, các nhà mạng sẽ có thêm nguồn lực để đầu tư vào các dịch vụ khác biệt. Điều này giúp họ trở nên linh hoạt và cạnh tranh hơn – không chỉ với nhau mà còn với các nhà cung cấp OTT.

Theo ICTNews



Bình luận

  • TTCN (0)