Phát triển hạ tầng băng rộng sẽ tiếp tục là một trong những chiến lược của VNPT.

Con số tăng trưởng vào những tháng cuối năm 2013 chưa thể khẳng định rõ ràng về sự bứt phá của VNPT, nhưng điều đó cũng đủ thể hiện rằng, giờ đây VNPT đang khoác trên mình một khí thế mới sau quãng thời gian dài phát triển chưa xứng với vị trí và tiềm năng.

Mô hình chậm đổi mới đã khiến VNPT gặp khó

TS Trần Du Lịch - người đã có thời kì làm Ủy viên HĐQT của VNPT đã đưa ra một hình ảnh khá sinh động về tập đoàn này: "Ngay từ giai đoạn 2000 - 2001, tôi đã nói tình hình VNPT giống như một xe container 18 bánh đang chạy trong phố cổ, rất khó xoay chuyển trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt. Bây giờ, phải tách ra, giảm bớt khối tập trung đi và tăng tính tự chủ của các công ty con".

Ông Vũ Tuấn Hùng, nguyên Tổng giám đốc Tập đoàn VNPT cũng đã từng phát biểu rằng, mấy năm trước VNPT cũng đề cập đến việc tái cơ cấu nhưng ngay bản thân VNPT chưa thấy điều này là cần thiết. "Năm 2011, VNPT đã phân chia, hạch toán thu chi từng đơn vị, đây là đòn bẩy để kích thích các đơn vị phát triển. Kết quả cho thấy, đa số các đơn vị đều có lợi nhuận tăng đáng kể và vượt chỉ tiêu đặt ra, trừ một vài đơn vị do chủ quan và có sức ì lớn nên lợi nhuận giảm đáng kể so với kế hoạch đầu năm. Với tình hình như hiện nay, nếu không tái cơ cấu thì VNPT sẽ không tồn tại", ông Hùng nói.

Sau một thời gian quá dài vận hành bộ máy theo mô hình cồng kềnh đã khiến khả năng cạnh tranh của VNPT bị tụt hậu so với các đối thủ khác trên thị trường viễn thông mà đối thủ lớn nhất là Viettel. Viettel đã lần lượt qua mặt VNPT ở nhiều chỉ số quan trọng về lợi nhuận, doanh thu và cả thuê bao một cách không mấy khó khăn. Lịch sử hơn 60 năm của VNPT đã bị qua mặt bởi một doanh nghiệp khá non trẻ, nhưng có sức cạnh tranh cao. Đó là một thực tế không hề dễ chấp nhận, nhưng nó đã xảy ra đối với VNPT.

Theo báo cáo của Bộ TT&TT, năm 2013, tổng doanh thu của Viettel vượt VNPT hơn 43.886 tỉ đồng. Lợi nhuận của Viettel trong năm 2013 cũng đạt 35.086 tỉ đồng, trong khi VNPT mới đạt 9.265 tỉ đồng. Điều này đặt ra cho VNPT một con đường duy nhất là phải thay đổi để tăng khả năng cạnh tranh, xứng tầm với vị thế và tiềm năng của một tập đoàn viễn thông quốc gia.

Vấn đề tái cơ cấu VNPT trở thành tâm điểm

Có thể nói chuyện tái cơ cấu VNPT đã đặt ra từ nhiều năm nay, nhưng xem ra nó mang nặng hình thức hơn là triển khai thực tế. Thế nhưng, sau khi Thủ tướng giao cho Bộ TT&TT lãnh trách nhiệm là thủ trưởng trực tiếp quản lí VNPT và phải chỉ đạo tái cơ cấu tập đoàn thì vấn đề tái cơ cấu mới được đặt lên bàn nghị sự một cách rốt ráo trong năm 2013.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son cùng các đơn vị của Bộ đã đi thăm và làm việc với các đơn vị của VNPT để trực tiếp nắm tình hình trước khi cùng với tập đoàn này xây dựng mô hình và trình Thủ tướng về phương án tái cơ cấu VNPT. Các chuyến khảo sát tại các đơn vị thành viên của VNPT đã cho thấy khá nhiều bất cập về mô hình tổ chức, cơ chế... Điều này đã kìm hãm sự phát triển của VNPT và đòi hỏi cần phải sớm tiến hành tái cơ cấu để VNPT mạnh lên.

Ảnh
Theo chiến lược phát triển trong giai đoạn tới của VNPT, tất cả các đơn vị của Tập đoàn đều phải hoạt động hiệu quả.

Để tiến hành tái cơ cấu VNPT thành công, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son đã đưa ra một quyết định mạnh tay là điều chuyển ông Trần Mạnh Hùng, Giám đốc Viễn thông Hà Nội lên làm Tổng giám đốc VNPT. Theo Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, nhiệm vụ thay đổi bộ máy cán bộ là việc làm thường xuyên của cấp ủy Đảng và người chỉ huy các đơn vị với mong muốn tổ chức ngày càng hoàn thiện phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ đặt ra. Việc thay đổi nhân sự diễn ra trong thời điểm tái cơ cấu VNPT và cũng vào giai đoạn tập đoàn này đang gặp rất nhiều thách thức. Trong bối cảnh nền kinh tế và thị trường viễn thông như hiện nay, các doanh nghiệp viễn thông gặp nhiều khó khăn, thậm chí có những doanh nghiệp đã không còn tồn tại trên thị trường như EVN Telecom. Vì vậy, nếu không kịp thời củng cố, các doanh nghiệp viễn thông sẽ đứng bên bờ vực thẳm, đó chính là quy luật khắc nghiệt của thị trường.

"Để VNPT không ngừng hoàn thiện và phát triển còn rất nhiều việc phải làm, trong đó có việc tái cơ cấu VNPT, tổ chức lại bộ máy, sắp xếp lại nhân lực. Vì vậy, Bộ TT&TT quyết định điều chuyển nhân sự nhằm đảm bảo VNPT tái cơ cấu thành công, vừa ổn định phát triển như mong muốn của xã hội, Chính phủ và Bộ TT&TT", Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nói.

VNPT đưa ra chiến lược "Chuyên biệt, Khác biệt và Hiệu quả"

Việc Bộ TT&TT mạnh tay đưa ông Trần Mạnh Hùng lên ngồi "chiếc nghế nóng" của VNPT được nhiều người kì vọng sẽ đem lại luồng sinh khí mới cho VNPT. Ông Trần Mạnh Hùng được đánh giá là con người có am hiểu về chuyên môn, có kinh nghiệm lãnh đạo và là một trong những gương mặt sáng giá nhất của VNPT cho vị trí này. Thế nhưng, cũng không ít ý kiến quan ngại, liệu ông Trần Mạnh Hùng có đủ sức mạnh và tài năng đẩy "con thuyền" VNPT vượt bão hay không? Thực tế ở một vài đơn vị con của VNPT cũng đã thực hiện "cách mạng" quản lí và cơ chế, nhưng kết cục lại chưa thể thành công và những lo ngại cho vị "thuyền trưởng" mới không phải là không có cơ sở.

Sau khoảng 1 tháng nhận nhiệm vụ "thuyền trưởng", ông Trần Mạnh Hùng lần đầu tiên có bài phát biểu về chiến lược và định hướng của VNPT trong thời gian tới tại "Lễ phát động thi đua 120 ngày đêm phấn đấu hoàn thành vượt mức kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2013". Lần đầu tiên, lãnh đạo VNPT đưa ra một định hướng chiến lược cho hành động một cách rõ ràng.

Trong bài phát biểu của mình, ông Trần Mạnh Hùng nhắc đến những thách thức rất lớn khi trào lưu công nghệ trên thế giới thay đổi, khi mà các ứng dụng OTT miễn phí thoại và SMS như Viber, Skype... nở rộ. Đây là cuộc chiến của các dịch vụ truyền thống, tiêu chuẩn với các dịch vụ phi tiêu chuẩn, sáng tạo, năng động. Nhiệm vụ của VNPT là phải đổi mới để làm sao kết hợp được hai trào lưu công nghệ này. Đó cũng chính là áp lực buộc VNPT phải tái cơ cấu để vừa bảo đảm tính truyền thống, vừa bảo đảm tính cạnh tranh, sáng tạo.

Ông Trần Mạnh Hùng nhấn mạnh, chiến lược của VNPT gồm 6 chữ: "Chuyên biệt, Khác biệt và Hiệu quả". Để "Chuyên biệt" được thì không thể vừa giỏi kinh doanh, vừa giỏi kĩ thuật. Vì vậy, VNPT phải tách phần kinh doanh, kĩ thuật và hạ tầng. Về hạ tầng, chuyên tâm vào làm hạ tầng nhằm đảm bảo chất lượng tốt nhất ngay từ đầu chứ không phải xong rồi mới phát động phong trào.

Ông Trần Mạnh Hùng cho rằng, doanh nghiệp nào của VNPT cũng phải "Hiệu quả". Chính vì vậy, tổ chức của VNPT ở khối kinh doanh cần thay đổi. Trong giai đoạn từ 2013 - 2015, VNPT phải tập trung vào tái cơ cấu. Trong đó, viễn thông tỉnh vẫn là chi nhánh hạch toán phụ thuộc, còn các đơn vị khác cần phải hạch toán độc lập tối đa. Để phù hợp với trào lưu công nghệ mới trên thế giới, VNPT sẽ thành lập một đơn vị có trong tay đủ phần mềm, đủ sức mạnh để phát triển các dịch vụ giá trị gia tăng, đủ sức sáng tạo, tạo sân chơi và tính độc lập trong hạch toán.

Ông Trần Mạnh Hùng chia sẻ rằng, trải qua quá trình làm ở các đơn vị cấp dưới, ông thấu hiểu những khó khăn của những đơn vị này. Muốn cạnh tranh trên thị trường thì phải tiết kiệm thời gian vì đây là nguồn lực rất quý giá. Do đó, yêu cầu đề xuất của các đơn vị phải được giải quyết thật nhanh, có giải pháp rõ ràng và tránh tình trạng văn bản đã gửi lên nhưng cấp trên không phối hợp. Điều cơ bản nhất để tiết kiệm thời gian là VNPT phải có tầm nhìn dài hạn, phải xử lí trước các vấn đề chứ không phải để nước đến chân mới nhảy. "Thời gian rất quan trọng trong kinh tế thị trường, nó giống như trong chiến tranh, khi trên mặt trận không phải đợi lệnh cấp trên có cho bắn hay không thì mới bắn, như vậy sẽ rất nguy hiểm. Thậm chí, khi chưa kịp tính toán thì địch có thể đã bắn mình rồi", ông Trần Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Muốn tạo nên sự khác biệt, ông Hùng cho rằng phải tạo được tính tự chủ trong hoạt động của mình, đặc biệt là kinh doanh. Vì vậy, VNPT phải thay đổi cách làm việc và thay đổi tư duy. "Chúng ta không có dân chủ sẽ không có sự sáng tạo, không có sự sáng tạo thì sẽ không có sự khác biệt. Không có sự khác biệt thì trong nền kinh tế thị trường, chúng ta chưa làm họ đã biết được ý đồ của chúng ta. Lịch sử dân tộc Irsrael rất dân chủ, cấp dưới được tranh luận với cấp trên, lính được cãi chỉ huy. Nhưng họ theo nguyên tắc ai làm người đó chịu trách nhiệm và theo nguyên tắc tập trung dân chủ. Nếu đã quyết là phải tập trung làm, không đoàn kết thì không thể thực hiện được nhiệm vụ to lớn”, ông Trần Mạnh Hùng nói.

VNPT bắt đầu phát tín hiệu vui

Kết quả 120 ngày đêm phấn đấu hoàn thành vượt mức kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2013 dưới thời "thuyền trưởng" mới đã đem lại cho VNPT một kết quả rất khả quan. Ông Trần Mạnh Hùng cho biết, sau khi ông giữ vị trí "chèo lái con thuyền VNPT" sau 5 tháng thì doanh thu của tập đoàn này tăng 1%, nhưng lợi nhuận tăng tới 76% so với năm 2012 (tăng thêm 4.000 tỉ đồng).

Ông Trần Mạnh Hùng cho rằng, sở dĩ VNPT có mức tăng trưởng lợi nhuận cao vì 3 lí do. Thứ nhất, do điều chỉnh của Kiểm toán Nhà nước đối với việc hạch toán doanh thu giữa các đơn vị trong VNPT nên đã có được con số lợi nhuận là 1.500 tỉ đồng. Thứ hai là VNPT đã thực hiện tiết kiệm chi phí được 1.000 tỉ đồng. Thứ 3 là VNPT đã đạt thêm lợi nhuận khoảng 1.500 tỉ đồng từ việc phát triển các dịch vụ di động, băng rộng. Dịch vụ băng rộng của VNPT trong năm 2013 cũng đạt mức độ tăng trưởng doanh thu khoảng 14%, trong đó riêng thuê bao cáp quang tăng trưởng 36% so với 2012.

Những kết quả khả quan của VNPT trong 5 tháng qua là một tín hiệu vui và điều đó hứa hẹn tạo nên một khí thế mới để tập đoàn này thúc đẩy sản xuất kinh doanh trong năm 2014. Thế nhưng, để thực sự đưa "con tàu" VNPT lấy lại phong độ của tập đoàn viễn thông quốc gia vẫn là chặng đường dài nhiều thách thức. Ngay bản thân "thuyền trưởng" Trần Mạnh Hùng cũng đã thừa nhận, nhiệm vụ sắp tới chắc chắn sẽ rất nặng nề và một mình Tổng giám đốc không làm nổi nên cần sự đồng lòng của tất cả cán bộ VNPT.

Theo Bưu điện Việt Nam



Bình luận

  • TTCN (0)