Từ những ngày áp Tết Giáp Ngọ 2014 đến nay, một loạt mẫu điện thoại cao cấp của BlackBerry đã giảm giá tại thị trường Việt Nam như BlackBerry Z10, Q10, Z30… với mức giảm ít nhất là 1 triệu đồng và nhiều nhất đến 3,5 triệu đồng.

Song cần nhớ rằng, trong những tháng trước đó, giá của các mẫu điện thoại cao cấp trên cũng đã tuột dốc…

Cái chết được báo trước

Q10 giảm giá 3,5 triệu đồng xuống còn 10,49 triệu đồng chưa chắc đã hút được nhiều người mua. Z10 một năm trước khi mới ra mắt được “kê” giá lên tới trên dưới 17 triệu đồng, những tháng qua bị rớt giá thê lương, đến áp Tết giá từ mức 9,5 triệu đồng giảm xuống còn 5,99 triệu đồng.

Công bằng mà nói, với mức giá này đã là hấp dẫn, đặc biệt đối với các tín đồ BlackBerry còn lại khá ít ỏi. Song cũng như Q10, sức nóng của Z10 chả còn. Trong khi đó, mẫu Z30, giảm 1 triệu đồng xuống còn 12,99 triệu đồng, trên thực tế cũng không gây được chú ý.

Một năm trước, Z10 được xếp chung hàng với HTC One, giá trên dưới 17 triệu đồng. Còn một năm sau, Z10 rơi xuống vực sâu, HTC One vẫn còn ở mức giá trên 10 triệu đồng. Nếu so với Samsung Galaxy S4 ra mắt cách đó một thời gian ngắn, thì giá của Z10 cũng trượt dài.

Tổng cộng giá bị mất đến khoảng 65% của BlackBerry Z10 như một vết dao sâu hoắm đối với nhà sản xuất RIM, mà nó còn cứa vào lòng những người từng hâm mộ BlackBerry, bởi tình yêu của họ dành cho “dâu tây đen” cũng đang trên đà mất giá không phanh…

Tháng 9/2013, BlackBerry đã loan báo rằng sẽ bán mình với giá 4,7 tỉ USD cho quỹ Fairfax Financial. Tuy nhiên đến tháng 11, kế hoạch này dừng lại, thay vào đó Fairfax Financial sẽ đầu tư vào RIM 1 tỉ USD và đồng thời phải trả cho BlackBerry khoản 250 triệu USD bồi thường cho việc rút lui khỏi hợp đồng sáp nhập.

Trong tình trạng của BlackBerry hiện nay, Fairfax Financial đi không đặng mà ở cũng không xong. Có điều là, sự rút lui của họ trong thương vụ mua RIM cho thấy nội bộ Fairfax Financial e sợ sự rủi ro.

Tiến thoái lưỡng nan

Kế hoạch sáp nhập bị hủy và Fairfax Financial đã chọn phương án bồi thường, trong khi CEO cũ Thorsten Heins bị thay bởi người khác. CEO mới tạm quyền John Chen vừa chấp chính đã ngừng ngay kế hoạch ra mắt hai mẫu smartphone mới tầm thấp để tránh rủi ro.

Có thể thấy, những động thái lo ngại liên tục từ BlackBerry cho thấy thị trường của họ đang đóng mạnh, thì việc giảm giá mạnh sản phẩm có thể là bước tháo chạy hoặc muốn đoạn tuyệt với một thời kì đáng buồn hiện tại.

Khi RIM rơi vào khó khăn, nhiều thông tin dự đoán rằng nếu phải bán mình thì các đại gia Trung Quốc sẽ là ứng cử viên hàng đầu vì họ đang ăn nên làm ra, muốn lấn chiếm thêm thị trường và khuếch trương thương hiệu, đồng thời cũng dư giã tiền bạc.

Và quan trọng nhất, nếu chỉ cần xoay chuyển thương hiệu BlackBerry thắng lợi được ở thị trường nội địa Trung Quốc thôi cũng đã “ấm cật”. Trên thực tế, các cuộc bán mình trong làng viễn thông hiện nay diễn ra trên địa bàn Châu Âu hay Mỹ chưa hứa hẹn sự khởi sắc cho lắm dù Nokia đang ít nhiều lạc quan vào một vài mẫu điện thoại trong năm qua (như Lumia 520 chẳng hạn).

Ở thị trường Việt Nam, BlackBerry từng có một cộng đồng mê chuộng và sành điệu nhưng không đủ mạnh để vực dậy cho cả một thị trường. Sự bảo thủ của BlackBerry từ đời Z10 đã cho thấy cái chết đang rất gần.

Bởi khi thế giới tiến về nền tảng mở và thân thiện với hệ sinh thái hoàn chỉnh, mở rộng kích cỡ màn hình, giá cả giảm xuống…, thì BlackBerry vẫn khư khư với màn hình không quá 4,5 inch, kiểu thiết kế già nua xa rời giới trẻ và đặc biệt là mức giá ảo trên trời…

Theo đà này, BlackBerry càng cho ra mắt những mẫu điện thoại mới có khi lại càng thua lỗ bởi từ trước tới nay, chưa bao giờ nền tảng hệ điều hành BlackBerry lại xa người tiêu dùng như lúc này.

Theo Lao Động




Bình luận

  • TTCN (0)