CEO mới của Microsoft, Satya Nadella sẽ đối mặt với thử thách lớn nhất trong lịch sử của tập đoàn phần mềm số 1 thế giới: Đưa Windows trở lại với thành công! Trong bối cảnh smartphone, tablet đang tiếp tục đẩy PC vào dĩ vãng, Microsoft sẽ phải làm gì?

Hiện tại, Windows vẫn đang là hệ điều hành máy vi tính cá nhân số 1 thế giới. Tuy vậy, phiên bản mới nhất – Windows 8 (và cả bản cập nhật 8.1) đã khiến nhiều người dùng phải khó chịu vì giao diện quá thiên về cảm ứng. Cùng lúc, doanh số PC vẫn tiếp tục sụt giảm; cả Android và iOS đều đang tiếp tục thống trị thị trường di động. Dù đã có nhiều dấu hiệu tăng trưởng mạnh mẽ, nhưng thị phần của Windows Phone vẫn là quá nhỏ bé so với hệ điều hành di động của Apple và Google.

Trong bối cảnh này, Nadella phải làm gì?

1. Thừa nhận thất bại của Windows 8

Cũng giống như Windows Vista, Windows 8 đang không được lòng người dùng, bao gồm cả những người dùng bình thường và các khách hàng doanh nghiệp. Điểm trừ lớn nhất của Windows 8 là giao diện quá mới lạ và quá ưu ái cho các màn hình cảm ứng, thay vì tập trung hỗ trợ chuột và bàn phím như trước đây. Các khách hàng doanh nghiệp hiển nhiên không muốn phí thời gian và công sức để đào tạo về Windows 8 cho các nhân viên vốn đã quen với giao diện truyền thống của Windows 7 và XP.

Bởi vậy, trong bối cảnh Windows XP đã trở nên quá cũ kĩ, nhiều khách hàng doanh nghiệp đang chọn cách nâng cấp lên Windows 7 thay vì nâng cấp lên Windows 8/8.1. Vốn từng lãnh đạo mảng Dịch vụ Đám mây và Doanh nghiệp của Microsoft, Nadella hiểu rất rõ tầm quan trọng của các khách hàng doanh nghiệp – một đối tượng giàu tiềm năng nhưng cũng rất bảo thủ. Trong khi Microsoft vẫn nên tiếp tục phát triển giao diện cảm ứng cho các thế hệ laptop mới, gã khổng lồ phần mềm cũng cần phải đưa giao diện desktop trở lại làm trọng tâm cho hệ điều hành này để làm vừa lòng những người cần sử dụng Windows cho công việc.

Thật may mắn, Microsoft có vẻ đã nhận ra sai lầm của mình: một phiên bản cập nhật bị rò rỉ của Windows 8 cho thấy Microsoft đang tái tập trung vào giao diện desktop truyền thống thay vì giao diện cảm ứng như hiện nay. Trên bản cập nhật này, Microsoft đã đặt chế độ khởi động thẳng vào màn hình desktop làm mặc định, đồng thời cũng cho phép người dùng kiểm soát các ứng dụng Modern UI như các ứng dụng desktop thông thường.

Không chỉ có vậy, các tin đồn về Windows 9 còn cho biết hệ điều hành này sẽ được thiết kế lại toàn bộ, "hồi sinh" cho Start Menu và cho phép người dùng chạy ứng dụng Modern không khác gì các ứng dụng Windows truyền thống. Rõ ràng, Nadella sẽ phải đẩy nhanh tiến độ ra mắt Windows 9 và thuyết phục được đối tượng khách hàng doanh nghiệp rằng, một phiên bản Windows có khả năng hỗ trợ các ứng dụng làm việc tốt hơn Windows 8 sẽ sớm ra mắt.

2. Từ bỏ Windows RT

Các công ty công nghệ hiểu rất rõ rằng họ phải chinh phục được người dùng nếu muốn thành công. Rất tiếc, Microsoft lại quyết định ra mắt một sản phẩm có thể làm vừa lòng tất cả các đối tượng trừ người dùng.

Đó chính là Windows RT. Trong nhiều thập kỉ, hệ điều hành Windows chỉ có thể chạy trên các vi xử lí sử dụng kiến trúc x86 do Intel và AMD sản xuất. Tuy vậy, nhờ có sự trỗi dậy của smartphone và tablet, thị trường vi xử lí bỗng dưng xuất hiện những thế lực mới: Qualcomm, NVIDIA và Mediatek. Do các nhà sản xuất này đều sử dụng kiến trúc vi xử lí ARM, Microsoft buộc phải tìm ra cách thâm nhập vào thị trường ARM mà không làm cho "bạn thân" Intel mất lòng.

Bởi vậy mà gã khổng lồ phần mềm đã tạo ra Windows RT, một hệ điều hành trông giống hệt như Windows 8 nhưng lại không thể chạy được các ứng dụng Windows truyền thống, vốn chỉ có thể chạy trên nền tảng x86. Với Windows RT, Microsoft vừa tạo được mối quan hệ với các nhà sản xuất sử dụng ARM, vừa tạo điều kiện cho Intel tiếp tục giữ được vị trí dẫn đầu: Chỉ có vi xử lí của Intel (và AMD) mới có thể chạy được các phiên bản Windows "đích thực" như Windows 8 và Windows Server.

Thay vào đó, các nhà sản xuất đang chuyển sang sử dụng Windows 8 cho cả các sản phẩm giá thấp

Nhưng người phải trả giá cho các mối quan hệ mới của Microsoft lại là người tiêu dùng, chẳng có ai muốn mua một chiếc laptop chạy "Windows" nhưng lại không thể chạy được Photoshop, iTunes, AutoCAD và vô số các phần mềm Windows khác. Trải nghiệm Windows RT vừa quá giới hạn vừa gây rắc rối cho người dùng.

Lựa chọn của Nadella? Hoặc là từ bỏ hoàn toàn nền tảng ARM, hoặc là tích hợp khả năng tương thích với ARM vào các phiên bản Windows "xịn" như Windows 8 hoặc 9. Những người dùng đã jailbreak Surface RT cho biết, họ có thể chạy các ứng dụng x86 ở chế độ giả lập, do đó việc đem x86 và ARM về chung một hệ điều hành không nằm ngoài tầm tay của Microsoft. Nếu không, Microsoft nên sớm từ bỏ Windows RT, bởi tất cả các đối tác phần cứng đã từ bỏ hệ điều hành què cụt này từ rất lâu rồi!

3. Đẩy mạnh phối hợp giữa đội phát triển Windows và đội phát triển Office

Giao diện hiện tại của Office không có các yếu tố đồ họa đủ lớn để sử dụng trên màn hình cảm ứng

Windows 8 và Windows RT đã ra đời được hơn 1 năm nhưng Microsoft vẫn chưa thể tung ra một phiên bản Office hỗ trợ người dùng màn hình cảm ứng tốt hơn. Microsoft Office hiện nay vẫn đang nắm giữ ngôi vị số 1 trong thị trường phần mềm văn phòng, do đó việc Microsoft chưa tung ra một phiên bản cảm ứng "chuẩn" để tăng cường sức mạnh cho Windows 8 là khá khó hiểu.

Trước đó, Microsoft thậm chí đã từng phát triển 2 nền tảng di động cùng lúc (Windows Phone và KIN). Rõ ràng là bộ phận phát triển hệ điều hành của Microsoft đang đi trước bộ phận phát triển Office vài bước. Nadella cần tìm cách để kết hợp 2 bộ phận này tốt hơn.

4. Tăng tính "mở" cho Windows Phone

CEO mới của Microsoft phải làm gì để "cứu" Windows Satya Nadella Google

Thị phần của Windows trong quý III vừa qua mới đạt vỏn vẹn 3,7%, quá thấp so với iOS và Android. Sau khi mua lại Nokia, Microsoft sẽ kiểm soát được mảng phần cứng tốt hơn, song các nhà sản xuất khác chắc chắn sẽ dè dặt hơn rất nhiều khi nghĩ tới việc bước chân vào thị trường Windows Phone.

Vấn đề lớn nhất với Windows là người dùng có quá ít lựa chọn tùy biến. Người dùng Android có thể lựa chọn cài các bàn phím của bên thứ 3, tùy chỉnh vô số cài đặt và thậm chí là thay launcher cho các ứng dụng. Ngược lại, người dùng Windows Phone có rất ít quyền kiểm soát đối với smartphone của mình. Thậm chí, các đối tác phần cứng ít ỏi của Microsoft cũng không được thay đổi giao diện và không được cài thêm phần mềm lên các máy Windows Phone do họ sản xuất, khiến cho việc phân biệt giữa các nhà sản xuất Windows Phone trở nên khó khăn.

Apple đã thành công khi xây dựng một trải nghiệm phần mềm đầy đủ tính năng và bị "khóa" gần như hoàn toàn trên iOS, song Microsoft tuyệt nhiên không thể học theo cách này. Trong quá khứ, Microsoft đã đạt được thành công do biết cách kết hợp với các nhà sản xuất và cả khách hàng để tạo ra các hệ điều hành có độ tùy biến cao. Thậm chí, Android cũng đã thành công theo cùng một cách của Windows: Cho phép các công ty và người dùng càng tự do càng tốt. Nếu muốn thành công trên thị trường smartphone, Nadella cần phải tìm cách tạo ra một kho dịch vụ, ứng dụng khổng lồ như Android, thay vì tạo ra những sản phẩm đóng như Apple.

5. Tăng khả năng tương thích giữa Windows và Windows Phone

Các nhà sản xuất có thể xây dựng ra một "gia đình" các thiết bị Windows, song chúng không đủ đồng bộ về trải nghiệm sử dụng

Apple xây dựng hai trải nghiệm phần mềm khá khác biệt cho các thiết bị di động (iOS) và máy vi tính (Mac OS). Microsoft theo đuổi một chiến lược khác: Xây dựng giao diện đồng nhất cho cả các thiết bị di động và PC thông thường.

Hiện tại, Microsoft đang sở hữu tới 3 hệ điều hành lớn: Windows 8.1, Windows RT và Windows Phone. Microsoft đã liên tục hứa hẹn về một trải nghiệm phần mềm đồng nhất, song Windows Phone và Windows 8 đang sử dụng các API (giao thức lập trình ứng dụng) khác hẳn nhau, khiến cho các nhà phát triển phần mềm không thể viết các ứng dụng "tương đồng" trên 2 hệ điều hành này. Ví dụ, ứng dụng Windows Phone có thể đọc dung lượng pin còn lại, song các ứng dụng trên Windows 8 không có khả năng này.

Bởi vậy, Microsoft cần phải đưa ra một bộ API thống nhất để tăng sức hấp dẫn với các nhà phát triển ứng dụng và tăng cường trải nghiệm Windows trên tất cả các thiết bị.

6. Lôi kéo được Google

Ngay cả người dùng iPhone cũng đang được tận hưởng các ứng dụng chất lượng cao từ Google như Google Maps, Gmail, YouTube… Người dùng Android hiển nhiên đang được ưu ái nhất khi sở hữu trải nghiệm dịch vụ dữ liệu đồng nhất, kết hợp giữa Gmail, Maps, Docs... một cách nhuần nhuyễn. Ngược lại, người dùng Windows Phone không hề được sử dụng các ứng dụng của Google.

Trong khi Microsoft có cả trình duyệt, dịch vụ email riêng và bộ máy tìm kiếm Bing, gã khổng lồ phần mềm vẫn nên thu hút Google đến với nền tảng di động của mình. Hiện tại, Google cũng chưa tung ra các ứng dụng Modern cho Windows 8, do đó Microsoft sẽ phải tìm cách cải thiện mối quan hệ với Google.

Đó sẽ là một viễn cảnh khá tuyệt vời! Người dùng của Microsoft chắc chắn sẽ rất thích thú khi được tận hưởng các dịch vụ dữ liệu chất lượng cao của Google trên giao diện khá đẹp của Windows mới. Google cũng sẽ có thêm một nguồn thu quảng cáo khi tham gia phát triển cho Windows, do đó có lẽ tất cả những gì Microsoft cần làm là gửi một lời mời chào thật hấp dẫn tới đối thủ cạnh tranh sừng sỏ của mình.

Theo VnReview/Laptop Mag




Bình luận

  • TTCN (0)