Rip off mang nhiều thành công cho Color Box.

Có một thực tế ở Việt Nam Nguyễn Hà Đông không phải là người duy nhất phát triển game trên di động và Flappy Bird cũng không phải là game duy nhất tạo được tiếng vang trên các kho ứng dụng quốc tế.

Nhiều công ty và lập trình viên phát triển game trên di động

Thực tế có hàng loạt công ty từ quy mô lớn đến các startup nhỏ đều đầu tư phát triển game di động tại Việt Nam trong vài năm qua và họ cũng đã cho ra đời nhiều sản phẩm trên thị trường trong nước.

Về nhà phát hành lớn có thể kể đến VNG khi họ đã từng ra mắt hai sản phẩm game di động do chính mình sản xuất để phục vụ game thủ là trò chơi Xếp Hình và Chuồn Chuồn, hay Công ty cổ phần giải trí di động (Mecorp) cũng có hai sản phẩm đáng chú ý do họ sản xuất là SipDo và Pipuz, xuất hiện trên thị trường vào đầu năm 2013.

Nhưng đáng chú ý nhất phải nói đến các sản phẩm của 2 công ty Color Box và Pine Entertainment với hai sản phẩm là Rip Off và Pocket Army. Mặc dù không đứng hạng đầu trong bảng xếp hạng App Store như Flappy Bird của Nguyễn Hà Đông, nhưng game Rip Off (được Color Box bán 0,99 USD trên App Store), đã từng gây tiếng vang lớn khi chỉ 4 ngày đã có tới 2 triệu lượt tải từ người dùng, trong khi đó Pocket Army là game miễn phí nhưng cũng lọt vào thứ hạng khoảng hơn 200 trong kho ứng dụng của Apple trong thời gian dài, theo một nguồn tin cho biết, doanh thu game có ngày lên đến cả tỉ đồng Việt Nam.

Một công ty khác cũng gây tiếng vang không kém ở lĩnh vực game trên di động là Divmob với cá sản phẩm như Panda Jump, trong tháng đầu ra mắt đã đạt 1 triệu lượt tải trên Google Play hay game Ninja Revenge cũng đạt 2 triệu lượt tải khi chưa đầy 1 tháng trên kho ứng dụng này. Ngoài ra, một sản phẩm của công ty này cũng gây được sự chú ý trong cộng đồng là game Đế Chế online trên mobile. Hay Vivoo Software với sản phẩm Pi- Đảo thiên đường cũng có doanh thu rất tốt.

Ảnh
Ninja Revenge, sản phẩm thành công của Divmob.

Bên cạnh đó, có thể kể đến hàng loạt công ty khác đang làm game trên di động hiện nay theo dạng Startup như Banana Games với sản phẩm Funny Fishing, JOY Entertainment hay Peanut Games…

Về những lập trình viên tự do viết game và ứng dụng trên di động như Nguyễn Hà Đông, theo nhiều chuyên gia trong ngành cho biết, con số này ở Việt Nam rất lớn, lên đến hàng trăm người. Đa số họ đều làm việc độc lập, sống khép kín và hàng ngày chỉ chuyên tâm vào công việc của mình, việc Nguyễn Hà Đông xuất hiện trên truyền thông vừa qua là chuyện hi hữu.

Thu nhập của những lập trình viên tự do tuỳ thuộc vào sự thành công của sản phẩm mình làm ra, thực tế có người kiếm còn nhiều hơn cả Nguyễn Hà Đông khi thu về cả triệu USD mỗi ngày, tuy nhiên cũng có mỗi người tháng chỉ kiếm 20.000 – 30.000 USD hoặc 1000 – 2000 USD. Nghề lập trình viên tự do đem lại cho họ cuộc sống ổn định và thoải mái khi làm việc. Tuy nhiên cũng có người không kiếm được gì, mặc dù làm rất nhiều sản phẩm đưa lên các kho ứng dụng.

Bên cạnh việc phát triển game, ở Việt Nam cũng có rất nhiều công ty làm phát hành game trên di động, có thể kể đến như Minh Châu Game, VNG, VTC, CMN Online, Wasabi, Mecorp, Soha Games, 5 Start, Vivoo, SSGroup…Hay các công ty phân phối game trên di động đang gặt hái nhiều thành công trong nước như Mwork, Eway, Appota…

Chính sách và truyền thông cần ủng hộ

Có một thực tế, chính sách quản lí về game trên di động của Việt Nam hiện nay không rõ ràng và có vẻ như cơ quan quản lí cũng đang “loay hoay” để tìm phương pháp. Mới đây, khi nói về các game trên di động phát hành tại các kho ứng dụng trong nước, đại diện Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử cho biết, các kho ứng dụng di động này không được phát hành game không phép.

Theo nhiều người, đây là một việc làm có phần phi thực tế, bởi nếu cấm cản các game di động và quản lí nó như trò chơi trực tuyến trên máy tính hiện nay, sẽ gây khó rất nhiều cho các doanh nghiệp trong nước làm trong lĩnh vực này. Bên cạnh đó, nếu cấm đoán trong nước, doanh nghiệp sẽ đẩy lên các kho ứng dụng quốc tế như App Store hay Google Play, lúc đó cơ quan quản lí khó mà xử lí được. Chưa kể các doanh nghiệp nước ngoài có thể phát hành các game trên các kho ứng dụng quốc tế này vào thẳng thị trường Việt Nam, mà không cần quan tâm đến vấn đề quản lí.

Ảnh
Chính sách quản lí cần thông thoáng hơn.

Chính vì thế, để thúc đẩy ngành game trên di động phát triển tại Việt Nam, theo các chuyên gia trong ngành, chính sách quản lí cần thông thoáng hơn và nên theo kịp sự phát triển, tránh trường hợp gây khó khăn cho doanh nghiệp như hiện nay. Theo đó, game trên di động thực tế nội dung không phức tạp, cách chơi cũng đơn giản… thay vì bắt doanh nghiệp phải xin phép đầy thủ tục “nhiêu khê” như game trên máy tính, nên áp dụng theo cách chỉ yêu cầu doanh nghiệp khai báo game đó do mình làm và cam kết tuân thủ các quy định về nội dung hay kĩ thuật, nếu vi phạm sẽ phạt nặng, lúc đó hợp lí hơn, doanh nghiệp cũng dễ thở hơn.

Bên cạnh đó, sau sự kiện Nguyễn Hà Đông và Flappy Bird, truyền thông cũng nên có cái nhìn khách quan hơn về game, bởi đây là một ngành giải trí phổ biến trên thế giới và được truyền thông quốc tế rất ủng hộ. Truyền thông trong nước thay vì nhìn theo hướng game là tiêu cực, nên có một sự chuyển đổi cách nhìn về nó, xem nó là một hình thức giải trí và nếu chơi game điều độ sẽ rất có ích cho mọi người.

Thêm vào đó, cũng cần có những bài viết liên quan hơn đến ngành này, đặc biệt là việc phát triển game trên di động trong thời gian tới. Bởi qua hiệu ứng Flappy Bird cho thấy, trình độ làm game trên di động ở Việt Nam hoàn toàn có thể sánh được với quốc tế và hãy nên nhìn rộng hơn về nó, thay vì chỉ tập trung vào một mình Flappy Bird như hiện nay.

Theo ICTNews



Bình luận

  • TTCN (0)