Mẫu màn hình độ phân giải 2K của LG.

Ở thời điểm hiện tại, khi những chiếc smartphone mới nhất buộc phải sở hữu CPU mới nhất, RAM "khủng", camera độ phân giải cao thì độ phân giải màn hình đang trở thành chiêu trò được các nhà quảng cáo tập trung nhiều nhất.

Trong vòng 4 năm qua, chúng ta đã chứng kiến những bước nhảy vọt về độ phân giải màn hình điện thoại. Từ màn hình độ phân giải 800 x 480 tới 960 x 540 rồi 720p, 1080p và sắp tới có thể là màn hình Quad HD với độ phân giải 2560 x 1440.

Các nhà sản xuất dường như vẫn chưa chịu dừng lại trong công việc đẩy mật độ điểm ảnh trên màn hình điện thoại lên cao hơn nữa. Tuy nhiên, vấn đề là, liệu có phải là lãng phí và không cần thiết hay không nếu như bạn không thể cảm nhận thấy sự khác biệt của sự thay đổi này?

Với màn hình độ phân giải Retina trên chiếc iPhone 4, Apple từng tuyên bố rằng, 300 ppi chính là giới hạn của mắt người khi nhìn một vật ở khoảng cách 20 - 30 cm. Và thực tế là hầu hết các tạp chí đều được in ở mật độ điểm ảnh là 300 ppi mà không có ai phàn nàn về độ phân giải của nó.

Tuy vậy, một số người khác cho rằng, mắt người có thể phân biệt được độ phân giải lên tới 480 ppi hoặc thậm chí lớn hơn thế. Tất nhiên, điều này đòi hỏi khoảng cách nhìn gần hơn và thị lực tốt hơn.

Bạn có thể đồng ý rằng, mật độ điểm ảnh 480 ppi chính là độ phân giải lớn nhất mà chúng ta có thể phân biệt. Nhưng điều gì sẽ xảy ra sau đó?

Màn hình của chiếc Nexus 5 có độ phân giải là 1920 x 1080 pixel đã được LG đưa vào trong một màn hình 4,95 inch. Kết quả là, mật độ điểm ảnh của Nexus 5 lên tới 445 ppi, cao hơn rất nhiều so với màn hình Retina trên chiếc iPhone đầu tiên. Tuy nhiên, để thao tác trên chiếc điện thoại này, bạn vẫn sẽ phải giữ nó trong khoảng cách 20 - 25 cm để có thể nhìn rõ, cho dù phông chữ có dễ đọc thế nào.

Việc Apple ép độ phân giải của một màn hình 15 inch vào chiếc iPad Mini Retina cũng tương tự như vậy. Điều này có nghĩa, khoảng cách phù hợp từ mắt đến chiếc điện thoại để bạn có thể nhìn thấy rõ cho thấy rằng, không cần thiết phải có màn hình độ phân giải cao hơn nữa.

Ngoài ra, với khoảng 3,7 Mpx, màn hình QHD cao gần gấp 2 lần so với màn hình Full HD 1080p (2,1 Mpx). Điều này có nghĩa chiếc điện thoại sở hữu màn hình QHD buộc phải dành nhiều “tài nguyên” hơn cho việc xử lí đồ họa.

Chắc chắn rằng, Samsung Galaxy S5, chiếc điện thoại được cho là sẽ có màn hình QHD sẽ ra mắt tại MWC tới đây chắc chắn sẽ được Samsung trang bị chip Snapdragon 805 hoặc Exynos 6 mới nhất. Tuy nhiên, với màn hình độ phân giải lớn như vậy, người dùng có thể không nhận thấy hiệu năng của máy được cải thiện.

Quan trọng hơn, nếu như hãng sản xuất từ Hàn Quốc không tạo ra một cuộc cách mạng thực sự, pin của S5 cũng chỉ tương tự thậm chí là tệ hơn chiếc S4 hiện tại.

Tất cả những điều này có nghĩa rằng, bạn sẽ phải hi sinh rất nhiều những tính năng khác của điện thoại để đổi lấy màn hình độ phân giải lớn hơn, điều bạn không thể nhận thấy được.

Mặc dù vậy, cuộc đua độ phân giải màn hình vẫn đang tiếp tục. Hãng Japan Display đã ra mắt hai màn hình QHD với kích thước 5,4 và 6,2 inch. LG cũng đã có ít nhất một màn hình độ phân giải này ở kích thước 5,5 inch. Trong khi đó, Qualcomm cũng từng giới thiệu màn hình 5,1 inch với độ phân giải 2560 x 1440 pixel.

Tuy nhiên, màn hình QHD dường như chưa phải là giới hạn cuối cùng của độ phân giải màn hình điện thoại. Samsung từng tuyên bố rằng, họ sẽ ra mắt các mẫu màn hình có độ phân giải 4K vào năm 2015 với mật độ điểm ảnh lên tới 700 - 800 ppi tùy kích thước màn hình. Ngay cả những người yêu thích các điểm ảnh nhất cũng phải đồng ý rằng, đây là một ý tưởng điên rồ khi độ phân giải 4K hiện chỉ mới xuất hiện trên những mẫu tivi có kích thước lên tới 110 inch.

Đương nhiên, chúng ta luôn muốn công nghệ phát triển hơn nữa và chúng ta chắc chắn sẽ yêu thích màn hình 4K. Tuy nhiên, khi độ phân giải QHD (2K) trở thành “tiêu chuẩn vàng” trong năm nay thì các nhà sản xuất điện thoại nên tập trung nhiều hơn vào những điều quan trọng như thời lượng pin, trải nghiệm người dùng và thiết kế hơn là chạy đua độ phân giải của màn hình.

Theo VietnamNet/Engadget




Bình luận

  • TTCN (0)