Trước đây, điện thoại rất to, đồ sộ. Sau đó, các hãng sản xuất dần ra các mẫu điện thoại ngày càng nhỏ và nhẹ hơn.
Sau đó, smartphone ra đời và xu hướng trên lại bị đảo ngược hoàn toàn. Các smartphone có kích cỡ nhỏ thủa ban đầu lại đang ngày càng to ra. Từ chỗ 4 inch là tiêu chuẩn cách đây vài năm, smartphone tiêu chuẩn của năm ngoái là 5 inch và bây giờ thì chúng ta dùng một thuật ngữ mới là "phablet" để mô tả một chiếc máy tính bảng nhỏ với các tính năng của một chiếc điện thoại. Đó là những thiết bị cầm tay lớn, thật sự lớn.
So hành với cuộc đua kích thước màn hình đó còn có một cuộc đua không kém phần kịch tính. Đó chính là cuộc đua thu hẹp viền màn hình (bezel) trên máy tính bảng và smartphone. Việc thu hẹp được kích thước viền màn hình không chỉ giúp tăng kích thước, tăng tỉ lệ hiển thị trên màn hình mà còn tạo tính thẩm mĩ cho thiết bị, làm hài lòng ngay cả người dùng khó tính nhất. Và năm nay, 2014 sẽ chính là năm được xem là cột mốc đánh dấu sự biến mất của viền màn hình. Liệu cải tiến đó có thực sự cần thiết? Liệu những chiếc điện thoại màn hình lớn hoàn toàn không còn "bóng dáng" của viền màn hình có xuất hiện ngay trong năm nay?
Thu hẹp viền màn hình
Viền màn hình là khu vực bao quanh màn hình của thiết bị. Đây chính là khu vực thường dùng để đặt máy ảnh phụ, các cảm biến khoảng cách, cảm biến ánh sáng, nút điều hướng vật lí hoặc điện dung, khe loa, đèn thông báo LED và có thể cả logo của nhà sản xuất.
Nhìn chung, phần viền phía trên và phía dưới của màn hình vẫn cần thiết để đặt những thành phần trên (các nút điều hướng, camera phụ, các cảm biến...). Còn phần viền ở bên phải và bên trái màn hình có thể thu hẹp để tăng diện tích hiển thị của màn hình mà không làm tăng kích thước vật lí của thiết bị. Có thể bạn nghĩ rằng thu hẹp vài milimet không đáng kể nhưng bạn phải biết rằng kích thước màn hình được đo theo đường chéo, do đó chỉ thêm một vài milimet chiều rộng cũng có thể làm ảnh hưởng rất lớn đến kích thước chung của màn hình.
Vấn đề có thể gặp phải với màn hình "không viền"
Mục tiêu cuối cùng, tất nhiên sẽ là một thiết kế hoàn toàn không có viền - ít nhất là trên hai bên cạnh của thiết bị. Một số người gọi đây là "màn hình vô cực", một màn hình có thể hiển thị các hình ảnh tới tận mép của thiết bị. Trong ngành công nghiệp in ấn, nó được gọi là thiết kế "tràn toàn phần", trông chuyên nghiệp hơn thiết kế có viền bo xung quanh.
Như đối với in ấn, thiết kế "tràn toàn bộ" sẽ đi kèm với chi phí tăng lên. Khi in danh thiếp hoặc catalogue, "tràn toàn bộ" có nghĩa là thêm chi phí và công lao động. Với lĩnh vực di động, chi phí sản xuất cũng sẽ tăng lên so với cách thức sản xuất thông thường như việc bố trí lại các phím bấm đặt trên các cạnh.
Vấn đề tiếp theo cũng không kém phần quan trọng là khi chúng ta cầm smartphone và máy tính bảng, chúng ta thường sẽ không đặt chúng vào lòng bàn tay trái và dùng ngón tay trỏ của bàn tay phải chọc vào màn hình. Thay vào đó chúng ta thường cầm điện thoại bằng một tay, ôm trọn các cạnh và lướt cảm ứng bằng ngón tay cái.
Với viền nhỏ xung quanh màn hình, chúng ta có thể thoải mái cầm bằng một tay mà không sợ tay che lấp phần hình ảnh hiển thị trên màn hình. Còn nếu chúng ta đi đến một thiết kế hoàn toàn không viền màn hình, thiết bị sẽ phải đủ "thông minh" để phát hiện ra sự khác biệt khi người dùng cầm bằng một tay hay đang ở chế độ rảnh tay.
Mặc dù chắc chắn sẽ có những chi phí bổ sung, sẽ có những "cân nhắc", trước khi chúng ta sắp đón nhận một thiết bị có màn hình không viền. Nhưng công bằng mà nói thì giờ không phải vấn đề là "nếu" nữa mà là "khi", khi nào chúng ta sẽ được thấy thiết kế này đến với các thiết bị hàng đầu trong thời gian tới. Bởi đây là xu thế gần như không thế ngăn cản được.
Liệu bạn có mơ ước một ngày nào đó sẽ được sở hữu một thiết bị có màn hình ăn ra tận mép? Hay vẫn thấy rằng viền màn hình là cần thiết đối với một chiếc smartphone hay tablet?
Theo Soha
Bình luận