Tốc độ tăng trưởng của Viettel đang giảm dần khi thị trường viễn thông nội địa bão hòa, mở rộng ra nước ngoài ngày càng khó khăn là điều mà ông Nguyễn Mạnh Hùng sẽ phải đối đầu.

Hôm nay (1/3), ông Nguyễn Mạnh Hùng bắt đầu trở thành Tổng giám đốc, điều hành Tập đoàn viễn thông Quân đội (Viettel) thay cho Trung tướng Hoàng Anh Xuân nghỉ hưu. Nếu thách thức đầu tiên của ông Xuân trước đây là ổn định bộ máy và đưa Viettel từ một công ty sập xệ, mất đoàn kết trở thành một đơn vị hùng mạnh thì người kế nhiệm lại hoàn toàn khác. Tổng giám đốc mới của Viettel tiếp nhận một tập đoàn đa quốc gia từ người tiền nhiệm, với doanh thu lên tới 8 tỉ USD trong năm 2013 và đang đứng số 1 toàn diện (hạ tầng, doanh thu, lợi nhuận) về viễn thông tại Việt Nam, Lào, Campuchia.

Thế nhưng, cùng với những vị trí rất cao của Viettel ở trong cũng như nước ngoài, tập đoàn này đứng trước những thách thức rất lớn về tăng trưởng. Nếu như đầu năm 2012, hãng viễn thông này đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu từ 20-25% thì 2014 con số này chỉ còn 12-15%. Đây cũng là năm thứ hai liên tiếp Viettel đặt mục tiêu tăng trưởng thấp hơn so với năm trước đó (2013 tăng trưởng doanh thu 15,2%). Mà nói như một vị lãnh đạo thuộc cấp rất cao của Viettel: “Một công ty mà tăng trưởng chậm thì sẽ sinh ra rất nhiều bệnh tật”.

Ảnh
Việc mở rộng ra thị trường nước ngoài của Viettel sẽ ngày càng khó khăn hơn.

Trong thông cáo báo chí phát đi về việc ông Nguyễn Mạnh Hùng sẽ điều hành từ 1/3, tập đoàn này nêu lên 3 thách thức: thị trường viễn thông Việt Nam đã bước vào thời kì bão hòa, các dịch vụ OTT đang làm xói mòn doanh thu viễn thông truyền thống, và việc đầu tư nước ngoài cũng khó khăn hơn. Trong bối cảnh đó, ông Hùng sẽ phải chèo lái Viettel để đưa tập đoàn này trở thành 1 trong 20 công ty viễn thông và CNTT lớn nhất toàn cầu, 1 trong 10 công ty viễn thông lớn nhất về đầu tư ra nước ngoài. Một lãnh đạo cấp cao của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) nhận xét: “Người nắm quyền khi công ty đang ở đỉnh cao sẽ vô cùng mệt mỏi. Nhận ghế tổng giám đốc từ ông Xuân, anh Hùng làm gì để có thêm kì tích mới sẽ là một dấu hỏi và sức ép sẽ rất lớn”.

Nguồn tin từ tập đoàn này cho biết, 2014 và các năm tiếp theo, Viettel xác định những chuyển dịch chiến lược quan trọng, gồm: chuyển dịch từ di động sang di động băng rộng; từ cố định sang cố định băng rộng; từ công ty mạng lưới sang công ty dịch vụ; từ công ty điều hành sang công ty sáng tạo; từ công ty dịch vụ sang công ty nghiên cứu sản xuất công nghệ cao; từ công ty trong nước thành một công ty toàn cầu. Trong một buổi trao đổi với báo chí vào cuối năm Quý Tị (đầu năm 2014 Dương lịch), ông Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ dự kiến sẽ mua một công ty sáng tạo như OTT để tạo nên một nhân tố kích thích đổi mới mạnh mẽ cho tập đoàn này.

Nguồn tin khác từ Viettel cho biết, dự kiến mua lại một công ty OTT xuất hiện từ cuối năm 2013 khi làn sóng ứng dụng nhắn tin miễn phí tăng trưởng cực mạnh tại Việt Nam và các nhà mạng đều lo lắng về việc doanh thu bị đe dọa. Sau đó, trên trị trường xuất hiện thông tin nhà mạng quân đội đang có kế hoạch mua Kakao Talk – OTT đến từ Hàn Quốc và đã âm thầm rút khỏi Việt Nam. Zalo - ứng dụng nhắn tin miễn phí Việt Nam, cũng được đồn là có tên trong danh sách của hãng viễn thông quân đội.

Lãnh đạo cấp cao của Viettel cho biết, việc mua một công ty OTT nhắm tới 2 mục tiêu. Thứ nhất, Viettel sẽ nhanh chóng tìm hiểu được những kĩ năng sáng tạo mới của làn sóng đang phát triển mạnh mẽ trên thị trường viễn thông Việt Nam và thế giới. Khi đó, tập đoàn có thể tạo ra sự đối chọi ngay tại trong nước giữa những công ty con của mình (công ty OTT đối đầu với Tổng công ty viễn thông Viettel), thúc đẩy mạnh mẽ hơn quá trình đổi mới của mảng di động. “Bên cạnh đó, doanh thu từ công ty OTT tăng lên chính là bù đắp cho phần tăng trưởng chậm hoặc giảm đi của di động”, ông này nói.

Thứ hai, khi tìm hiểu và nắm được bí quyết của một công ty OTT, Viettel sẽ có cơ hội bước chân vào những thị trường mà mật độ di động là 100% (hiện tại, hãng viễn thông này chỉ có thể mở rộng ở nước nước ngoài tại những nơi thị trường di động chưa bão hòa).

Tuy nhiên, ông này cũng cho biết, việc mua công ty OTT không phải là biện pháp chiến lược mà đơn giản là một ý tưởng được đưa ra trong bối cảnh tập đoàn này gặp khó khăn về tăng trưởng cũng như muốn đẩy mạnh khả năng đổi mới, sáng tạo.

Theo Zing




Bình luận

  • TTCN (0)