Toàn cảnh một phiên họp trực tuyến của Thủ tướng Chính phủ trên hạ tầng MTSLCD. Ảnh: Internet.

Trái ngược với phản ánh của một số địa phương, Giám đốc Cục Bưu điện Trung ương Hoàng Văn Hải khẳng định giá cước của Mạng truyền số liệu chuyên dùng (MTSLCD) thấp hơn nhiều so với các mạng công cộng như của VNPT, Viettel.

Địa phương kêu giá cước MTSLCD quá cao

Một số địa phương như Quảng Ngãi, Bắc Giang, Bắc Kạn,.. cho rằng giá cước sử dụng của MTSLCD do Cục Bưu điện Trung ương vận hành, triển khai hiện cao hơn so với mạng viễn thông công cộng.

Điển hình như trong công văn mới đây gửi Bộ TT&TT kiến nghị về vấn đề này, Sở TT&TT Quảng Ngãi cho rằng mục đích lớn nhất của MTSLCD là đảm bảo an toàn, an ninh thông tin của các cơ quan Đảng, Nhà nước và tăng cường ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan này. Do vậy, lợi nhuận không phải là mục tiêu lớn nhất khi Nhà nước triển khai MTSLCD.

Tuy nhiên, qua khảo sát, Sở TT&TT nhận thấy giá cả sử dụng MTSLCD cao hơn rất nhiều so với mạng công cộng mà các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đang sử dụng. Ví dụ, dịch vụ Fiber VNN (dịch vụ truy cập Internet tốc độ cao trên đường truyền cáp quang của VNPT) gói cước tốc độ truy cập 30 Mbps có phí đấu nối hòa mạng là 3 triệu đồng, phí sử dụng trọn gói hàng tháng là 2 triệu đồng. Trong khi đó, theo Thông tư 06/2010 của Bộ TT&TT ban hành về giá cước sử dụng MTSLCD, gói cước 2 Mbps có giá là 492.000 đồng, và với tốc độ truy cập là 30 Mbps thì giá tiền sẽ lên tới 5,9 triệu đồng. Tương tự, giá cước sử dụng dịch vụ Internet ADSL MegaVNN (dịch vụ truy nhập Internet tốc độ cao, dựa trên công nghệ đường dây thuê bao số bất đối xứng ADSL do VNPT cung cấp) cũng thấp hơn rất nhiều so với MTSLCD, chẳng hạn, gói cước Internet ADSL MegaVNN tốc độ truy cập 10Mbps/640Kbps (tốc độ gấp 5 lần gói cước 2Mbps) có giá là 1,4 triệu đồng/tháng, chỉ bằng 3 lần gói cước 2Mbps của MTSLCD.

So sánh với giá bán dịch vụ của các doanh nghiệp khác như Viettel thì giá cước của MTSLCD cũng cao hơn rất nhiều, ví dụ cước dịch vụ Internet FTTH Office gói 45 Mbps chỉ có 900.000 đồng/tháng.

"Khi triển khai MTSLCD đến các cơ quan Đảng, Nhà nước sẽ gặp khó khăn vì giá cước cao hơn giá dịch vụ của các cơ quan, đơn vị đang sử dụng trong khi việc cấu hình và sử dụng mạng chuyên dùng lại phức tạp hơn. Kinh phí sử dụng MTSLCD là kinh phí của Nhà nước chi trả. Do vậy, Sở TT&TT đề nghị Bộ TT&TT chỉ đạo Cục Bưu điện Trung ương (đơn vị trực thuộc Bộ) xem xét lại giá cước phù hợp với thị trường chung và ban hành phương thức thanh toán đơn giản hơn", Sở TT&TT Quảng Ngãi kiến nghị.

Giám đốc Cục Bưu điện Trung ương khẳng định "giá rẻ"

Về vấn đề giá cước nêu trên, Giám đốc Cục Bưu điện Trung ương Hoàng Văn Hải khẳng định việc so sánh của Sở TT&TT Quảng Ngãi về dịch vụ của MTSLCD với các dịch vụ FiberVNN, ADSL MegaVNN, FTTH Office,... là không phù hợp bởi đây là các dịch vụ truy nhập Internet gián tiếp bằng phương thức cáp quang hoặc cáp đồng, trong khi MTSLCD là đường Internet trực tiếp, tốc độ đường lên (uplink) và đường xuống (downlink) bằng nhau. Theo tính toán sơ bộ, giá cước MTSLCD so với mạng công cộng có cùng loại hình thì giá cước MTSLCD chỉ bằng khoảng 30 – 35%. Giá cước MTSLCD chỉ được dùng để phục vụ công tác quản lí, vận hành, khai thác và bảo dưỡng MTSLCD, không tính đến yếu tố kinh doanh cạnh tranh.

"Đặc điểm gói kênh của MTSLCD khác với kênh của mạng công cộng. Internet trực tiếp kết nối bằng cáp quang, có thể so sánh với mạng công cộng theo đường leased line, nếu so sánh giá cước leased line thì giá cước của MTSLCD rẻ hơn rất nhiều. Theo Thông tư 06/2010 của Bộ TT&TT, giá cước của kênh tốc độ 128 Kbps của MTSLCD là 66.000 đồng, nhưng Viettel công bố là 927.000 đồng; hoặc gói cước 256 Kbps của MTSLCD là 99.000 đồng nhưng Viettel là 1.515.000 đồng; gói 512 Kbps của MTSLCD là 165.000 đồng trong khi của Viettel 2.386.000 đồng; gói 1 Mbps của MTSLCD là 333.000 đồng, của Viettel 3.500.000 đồng; kênh 2 Mbps của MTSLCD 492.000 đồng, của Viettel là 5.653.000 đồng", ông Hoàng Văn Hải nêu dẫn chứng cụ thể để so sánh giá cước giữa MTSLCD với mạng Viettel.

Giám đốc Bưu điện Trung ương lưu ý MTSLCD sử dụng công nghệ chuyển mạch nhãn đa giao thức trên nền IP/MPLS, một công nghệ truyền tải tiên tiến, rất linh hoạt trong việc tạo ra các mạng riêng ảo phân tách giữa các đối tượng khách hàng khác nhau. Việc đảm bảo an toàn, an ninh thông tin trên MTSLCD có điểm khác biệt lớn so với mạng của các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông khác, đối tượng sử dụng MTSLCD được quy định cụ thể là các cơ quan Đảng và Nhà nước, mạng được tách biệt về kết nối vật lí với các mạng công cộng. Tại các cổng Internet của MTSLCD đều có hệ thống thiết bị tường lửa, thiết bị ngăn chặn và phát hiện tấn công để ngăn ngừa nguy cơ tấn công từ ngoài Internet đối với người dùng. Bởi vậy, các cơ quan Đảng, Nhà nước cần kết nối triển khai MTSLCD để đảm bảo an toàn bảo mật cho toàn hệ thống ứng dụng CNTT trong bối cảnh ngày càng gia tăng các mối nguy cơ mất an toàn an ninh thông tin trên mạng.

Cũng theo Giám đốc Hoàng Văn Hải, MTSLCD mới khai trương và chính thức đi vào sử dụng hơn 1 năm nay. Hiện các Bộ, ngành đang trong giai đoạn chuyển đổi các hệ thống ứng dụng sẵn có sang MTSLCD. Điển hình như đến tháng 12/2012, Tổng cục Thống kê đã chuyển đổi hệ thống ứng dụng Mạng TSLCD, triển khai ngành dọc từ Trung ương xuống địa phương. Ngành Thuế, Hải quan đang sử dụng mạng riêng do Cục Tin học & Thống kê tài chính - Bộ Tài chính quản lí, dự kiến từ năm 2014 sẽ sử dụng MTSLCD cho hội nghị truyền hình trong nội bộ ngành tài chính (thuế, hải quan, kho bạc,..), chưa có kế hoạch chuyển đổi các bài toán ứng dụng hiện nay sang MTSLCD. Bộ Công an đã thử nghiệm chuyển 4 Công an tỉnh sang hệ thống MTSLCD từ năm 2013, đầu năm 2014 chuyển thêm 10 tỉnh, dự kiến hết năm 2014 sẽ chuyển đổi xong cho toàn bộ 63 công an tỉnh, thành phố. Một số Bộ, ngành như Bộ Lao động – Thương binh & Xã hội, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao đã có hệ thống sử dụng MTSLCD theo ngành dọc về đến cấp tỉnh. Đặc biệt Trung ương Đảng đã có chỉ thị của Ban Bí thư về việc chuyển toàn bộ mạng diện rộng sang MTSLCD (năm 2013 đã chuyển thí điểm 3 tỉnh từ mạng diện rộng sử dụng MegaWan của Văn phòng Trung ương Đảng sang MTSLCD, gồm Thanh Hóa, Quảng Ngãi, Kiên Giang).

Theo ICTnews




Bình luận

  • TTCN (0)