Điều gì sẽ xảy ra nếu Viettel mua một công ty OTT để tăng cường khẳng năng đổi mới sáng tạo cho mình – điều chưa từng xảy ra trên thế giới với một hãng viễn thông?

Vì sao Viettel muốn mua OTT?

Nếu nhìn vào logic thông thường, các nhà mạng tại Việt Nam nói chung – trong đó có Viettel, sẽ muốn các ứng dụng nhắn tin miễn phí (OTT) tàn lụi bởi làn sóng sử dụng các dịch vụ này đang tác động tới doanh thu, lợi nhuận của các ông lớn viễn thông. Do đó, việc “kết thân” với OTT, thậm chí mua một công ty làm ra ứng dụng này là điều khó tin và cũng chưa từng xảy ra trên thế giới.

Tuy nhiên, nếu xét ở góc độ người dùng, việc nhà mạng muốn “đi ngược lại lịch sử” sẽ chỉ là hành động tự hại mình. Điều này tương tự như ngành công nghiệp vận chuyển bằng xe ngựa chống lại sự ra đời và phát triển của ôtô hay bưu chính muốn cản trở sự phát triển của email. Cũng chính vì thế, việc học hỏi và tìm cơ hội phát triển từ OTT rõ ràng là một bước đi có vẻ ngược đời nhưng đúng đắn vì phù hợp với làn sóng công nghệ mới và lợi ích của hàng triệu người dùng.

Nếu như chỉ đầu năm 2013, số lượng người dùng OTT ở Việt Nam mới ở con số vài triệu thì giờ đây đã là hàng chục triệu. Cuối năm 2013, Viber công bố con số 8 triệu người dùng tại Việt Nam, còn Line là 4 triệu, Zalo 7 triệu.

Đầu năm 2014, các OTT dự kiến sẽ có con số người dùng nhảy vọt bởi số lượng tham gia mới dịp cận Tết nguyên đán tăng mạnh. Trong số đó Zalo công bố đạt 10 triệu người dùng (20/3), với 120 triệu SMS chuyển đi mỗi ngày. Lúc này, nhà mạng có hành động chặn OTT chẳng khác nào việc ngăn người dùng không được sử dụng Facebook hàng ngày.

Giải thích về lí do muốn mua công ty OTT, một lãnh đạo cấp cao của Viettel chia sẻ, đây sẽ là một trong những biện pháp nhanh nhất giúp tập đoàn này đẩy mạnh quá trình đổi mới sáng tạo.

“Ngành viễn thông di động với dịch vụ alô đã tồn tại hàng trăm năm nay rồi và cần một cú huých mạnh. OTT chính là cú huých đó và chúng tôi cần nắm lấy cơ hội”, ông này nói.

Theo phân tích của vị lãnh đạo Viettel, việc mua một công ty OTT và học hỏi bí quyết sáng tạo, làn sóng công nghệ mới không chỉ giúp tập đoàn này đẩy nhanh quá trình đổi mới mà còn tạo cơ hội để Viettel đi ra nước ngoài mạnh mẽ hơn, ở những thị trường mà mật độ điện thoai di động là 100%.

“Hiện nay, rất nhiều ông lớn di động của thế giới vẫn loay hoay với alô và chưa tìm ra cách đương đầu với làn sóng mới OTT. Nếu Viettel tìm được lối đi mới, thị trường quốc sẽ không còn bị giới hạn ở những nước kém phát triển mà sẽ lan tới các nước ngoài có mật độ di động ở mức bão hòa”.

Giải bài toán mâu thuẫn quyền lợi

Bình luận về việc nhà mạng mua OTT, ông Vương Quang Khải – Phó tổng giám đốc Công ty VNG (đơn vị sở hữu Zalo) nói: “Ngay cả khi nhà mạng sẵn sàng bỏ ra một số tiền rất lớn để mua thì việc sử dụng sản phẩm đó ra sao cũng là vấn đề lớn”.

Kiến trúc sư trưởng của Zalo (OTT tạo nên một cuộc cách mạng về ứng dụng di động của Việt Nam) nhận xét: “Nếu nhà mạng mua OTT rồi vận hành theo kiểu dịch vụ viễn thông truyền thống thì sản phẩm rất khó phát triển. Phương án tốt là nên để nó chạy độc lập và tạo ra những giá trị riêng“.

Trong khi đó, một lãnh đạo cấp cao của Viettel thì cho biết: “Chúng tôi không dự kiến mua một công ty OTT về để làm theo cách của mạng di động mà sẽ để phát triển độc lập, thậm chí cạnh tranh với chính Viettel Telecom. Lúc đó, Viettel Telecom sẽ phải tìm ra nhiều hướng đi mới để tăng trưởng doanh thu và thích ứng với làn sóng công nghệ mới; họ sẽ có động lực lớn hơn.

Với Viettel, phần doanh thu tăng thêm từ OTT sẽ bù đắp cho việc nguồn truyền thống có thể bị giảm hoặc không tăng mạnh như mong muốn”. Tuy nhiên, ông này cho rằng, khi cùng thay đổi thì cả 2 mảng doanh thu này đều phát triển mạnh và đem đến động lực tăng trưởng mới.

Theo VTC



Bình luận

  • TTCN (0)