Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng yêu cầu Ban Công tác thúc đẩy phát triển IPv6 Quốc gia giao trách nhiệm cho các báo điện tử, mạng xã hội như VietnamNet, VnExpress, Zing, Go.vn... phải xây dựng lộ trình chuyển đổi sang hỗ trợ IPv6.

Sáng nay 26/3/2014, Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng đã chủ trì cuộc họp phổ biến Kế hoạch hoạt động năm 2014 của Ban Công tác thúc đẩy phát triển IPv6 Quốc gia vừa được Bộ TT&TT phê duyệt ngày 25/3/2014.

Kế hoạch này bao trùm 4 mảng công tác lớn của Ban Công tác thúc đẩy phát triển IPv6 Quốc gia gồm: xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách; thông tin tuyên truyền nâng cao nhận thức; đào tạo, hợp tác quốc tế; thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng, cung cấp dịch vụ trên nền IPv6.

Thứ trưởng Lê Nam Thắng nhận định: Triển khai IPv6 tại Việt Nam là cả quá trình lâu dài diễn ra trong nhiều năm, các nước khác cũng vậy. Giờ đã qua giai đoạn chuẩn bị nhưng Việt Nam vẫn đang dẫm chân tại chỗ trong khi các nước khác đều có sự tăng trưởng dù còn rất chậm. Trong giai đoạn khởi động 2014 – 2015, cần phải tiến hành đồng thời cả 3 nội dung công việc chính.

Thứ nhất, mạng lưới, dịch vụ phải sẵn sàng cho IPv6. Việc này chủ yếu liên quan tới các doanh nghiệp viễn thông, Internet. Theo báo cáo của 3 doanh nghiệp lớn nhất, chiếm hơn 90% thị phần Internet Việt Nam (VNPT, Viettel, FPT) về cơ bản đã sẵn sàng đưa mạng lưới, dịch vụ chuyển sang hỗ trợ IPv6, chỉ cần có nội dung, thiết bị đầu cuối tốt thì có thể đưa ra gói cước thích hợp. Tuy nhiên, để thúc đẩy được sự phát triển IPv6 cần phải có những hoạt động, chính sách cụ thể hơn để người dùng thấy IPv6 thực sự có lợi và họ tự nguyện chuyển đổi sang dùng IPv6. Chẳng hạn, doanh nghiệp cần nghiên cứu gói cước cho IPv6 rẻ hơn IPv4 một chút, cho thuê hoặc bán modem hỗ trợ IPv6 trong gói dịch vụ có chất lượng tốt hơn so với khi dùng IPv4,..

Thứ hai, về thiết bị đầu cuối hỗ trợ IPv6, theo Nghị định số 72/2013 của Chính phủ về quản lí, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng, các thiết bị hỗ trợ IPv6 được hưởng ưu đãi cao nhất khi nhập khẩu. Vì vậy, cần xây dựng lộ trình từng bước để doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu thấy có ưu đãi của Nhà nước và tự nguyện tham gia lộ trình, tiến tới tất cả các thiết bị đầu cuối nhập khẩu, sản xuất tại Việt Nam đều hỗ trợ IPv6. Bên cạnh đó phải triển khai các hoạt động hợp quy hợp chuẩn, đo kiểm, dán logo chứng nhận thiết bị sẵn sàng hỗ trợ IPv6 để người dùng dễ nhận biết hơn. Trong giai đoạn khởi động của Kế hoạch hành động Quốc gia về IPv6 (2013 – 2015), thiết bị đầu cuối có vai trò rất quan trọng, nếu có mạng lưới mà không có thiết bị để dùng, cũng không thể thúc đẩy phát triển được IPv6.

Thứ ba, về nội dung, cần giao trách nhiệm xây dựng lộ trình và chuyển đổi sang IPv6 cho các nhà cung cấp nội dung, trước hết là các website lớn như Vietnamnet, VnExpress… mạng xã hội lớn như Zing, Go.vn… Nếu có mạng lưới dịch vụ và thiết bị đầu cuối mà không có nội dung, người dùng cũng sẽ không biết truy nhập vào đâu, và lưu lượng sử dụng IPv6 vẫn sẽ rất thấp.

Thứ trưởng Lê Nam Thắng cũng lưu ý Ban Công tác thúc đẩy phát triển IPv6 Quốc gia chú trọng hơn tới hoạt động phối hợp liên ngành, điển hình như đề nghị Bộ Giáo dục & Đào tạo phối hợp đưa nội dung công nghệ IPv6 vào các chương trình đào tạo của các trường đại học, cao đẳng thuộc lĩnh vực CNTT – viễn thông; hoặc kết hợp với các cơ quan quản lí trực tiếp về các lĩnh vực thuế, đầu tư, hải quan để tổ chức các buổi tọa đàm chuyên sâu phổ biến về các chính sách ưu đãi liên quan tới IPv6,...

Một số nội dung chính trong Kế hoạch hoạt động thúc đẩy phát triển IPv6 năm 2014:

- Trình Bộ TT&TT phê duyệt đề án Xây dựng phòng đo kiểm chứng nhận thiết bị sản phẩm hỗ trợ IPv6 tại Việt Nam (Cục Viễn thông chủ trì, dự kiến trong quý 3/2014).

- Ban hành Nghị định thay thế Nghị định 102 về quản lí đầu tư ứng dụng CNTT sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước theo hướng bổ sung quy định yêu cầu thiết bị CNTT sử dụng trong cơ quan Nhà nước phải hỗ trợ IPv6 (Cục Tin học hóa chủ trì).

- Ban hành bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn đánh giá khả năng đáp ứng, tính sẵn sàng của IPv6 của các thiết bị, hạ tầng thông tin, mạng lưới của tổ chức, doanh nghiệp (Vụ Khoa học công nghệ)

- Xây dựng lộ trình bảo đảm các thiết bị, phần mềm viễn thông và CNTT kết nối Internet sản xuất trong nước và nhập khẩu vào Việt Nam phải ứng dụng công nghệ IPv6 (Vụ CNTT, Q4/2014).

- Xây dựng văn bản hướng dẫn các ưu đãi trong lĩnh vực nghiên cứu sản xuất và kinh doanh thiết bị, phần mềm, nội dung hỗ trợ công nghệ IPv6 (Vụ CNTT, quý 3).

- Tổ chức Ngày IPv6 Việt Nam 2014 ngày 6/5/2014: Viettel, Netnam,.. đã đăng kí tham gia. Bên lề có tổ chức đào tạo IPv6

- Trình lãnh đạo Bộ TT&TT phê duyệt đề án Xây dựng chương trình công bố chứng nhận IPv6 Ready Logo của Việt Nam dành cho các ứng dụng, hệ thống và mạng lưới hoạt động trên mạng Internet (VNNIC, quý 2/2014)

- Triển khai chương trình đào tạo trực tuyến trên website của Trung tâm Internet Việt Nam (quý 3/2014).

- Phối hợp VNPT, Viettel, Netnam, FPT Telecom, Công viên Phần mềm Quang Trung để xây dựng mô hình mẫu triển khai ở Việt Nam (quý 2/2014).

Theo ICTnews




Bình luận

  • TTCN (0)