Microsoft có thể giám sát thông tin cá nhân của người dùng máy tính trên toàn cầu. Ảnh minh họa. Ảnh: Internet.

Cách đây ít lâu, tại buổi công bố Báo cáo điều tra An toàn thông tin toàn cầu của Microsoft, ông Mark McIntyre, Giám đốc Chương trình An ninh mạng khối Chính phủ của Microsoft cho biết để có được kết quả về hiện trạng an toàn thông tin, hãng này đã scan (quét) hơn 1 tỉ máy tính trên toàn cầu để phát hiện xem máy tính nào bị nhiễm mã độc. Riêng tại Việt Nam, Microsoft đã mua ngẫu nhiên 41 máy tính và phát hiện 38 máy có mã độc.

Trước thông tin này, ông Tạ Quang Thái, Tổng Giám đốc Công ty EcoIT nêu nghi vấn: "Microsoft đã scan các máy tính ở Việt Nam để khảo sát an toàn thông tin. Nhưng liệu có đúng Microsoft chỉ scan máy tính của người dùng để tìm hiểu vấn đề virus hay không? Quyền riêng tư của người dùng (privacy) được đảm bảo như thế nào?".

Ông Lê Trung Nghĩa, chuyên gia từ Văn phòng Phối hợp Phát triển Môi trường Khoa học Công nghệ, Bộ Khoa học Công nghệ cũng bày tỏ sự lo ngại các công ty lớn, trong đó có cả Microsoft, đã và vẫn đang giám sát thông tin của người sử dụng và có thể lấy những thông tin này để cung cấp cho các cơ quan, tổ chức khác như các cơ quan an ninh của Mỹ. "Có cách gì để người sử dụng có thể hoàn toàn tin tưởng rằng Microsoft sẽ không "đi đêm" với ai đó để làm những điều không có lợi cho người sử dụng các phần mềm?", ông Lê Trung Nghĩa đặt câu hỏi.

Trước những nghi vấn nêu trên, đại diện Microsoft thừa nhận hãng này có quét thông tin từ máy của người sử dụng rồi gửi thông tin về cơ sở dữ liệu của Microsoft để cập nhật các miếng vá lỗ hổng. Tuy nhiên, "Microsoft luôn là doanh nghiệp đi đầu về bảo mật thông tin người dùng, hết sức thận trọng đối với việc bảo mật thông tin của người dùng. Những thông tin của người dùng sẽ chỉ dùng để nghiên cứu chứ không chia sẻ thông tin cho ai khác", ông Mark McIntyre khẳng định.

Để trấn an thêm người dùng phần mềm Microsoft, Giám đốc Mark McIntyre nêu dẫn chứng tại Pháp, một quốc gia đi đầu về bảo vệ quyền riêng tư, nếu một công dân bất kì nói có nghi ngờ bị lấy thông tin cá nhân, cơ quan chuyên trách về bảo vệ thông tin cá nhân của chính phủ sẽ nghiên cứu, điều tra, nếu phát hiện có dấu hiệu đáng nghi ngờ, họ sẽ ngăn chặn hoạt động doanh nghiệp vi phạm, kể cả là những doanh nghiệp lớn như Yahoo, Google, Microsoft,...

Câu trả lời của đại diện Microsoft vẫn chưa thể thỏa mãn nghi vấn làm thế nào để biết chắc chắn rằng thông tin của người sử dụng không bị Microsoft tiết lộ cho một bên thứ ba, đồng nghĩa Microsoft không vi phạm quyền riêng tư khi scan máy tính người dùng. Nhất là với đặc thù tại Việt Nam hiện nay, nhận thức về quyền riêng tư vẫn còn hạn chế, vẫn chưa thấy có những động thái hoạt động tích cực của một cơ quan chuyên trách về bảo vệ thông tin cá nhân.

Ông Lê Trung Nghĩa tiếp tục đặt câu hỏi: "Ở Mỹ có đạo luật yêu nước yêu cầu các công ty phải cung cấp cho một số cơ quan về thông tin của người sử dụng, Microsoft có làm theo yêu cầu này hay không?".

Đại diện Microsoft trả lời: "Doanh nghiệp hoạt động ở đâu thì phải tuân thủ pháp luật của nước sở tại. Nếu chính phủ muốn lấy thông tin để phục vụ hoạt động chống khủng bố, tội phạm thì theo chúng tôi phải tuân thủ theo yêu cầu. Apple, Google, Yahoo,... cũng đều phải nộp báo cáo thường xuyên tại những nơi mà doanh nghiệp hoạt động".

Điều này đồng nghĩa thông tin của người sử dụng phần mềm Microsoft sẽ khó có thể được đảm bảo bí mật tuyệt đối, và không có chuyện Microsoft chỉ sử dụng thông tin của người dùng vào mục đích nghiên cứu chứ không chia sẻ cho ai khác.




Bình luận

  • TTCN (0)