Không ít hãng đầu tư mạo hiểm đã công bố kế hoạch đầu tư cho những ứng dụng/phụ kiện dành riêng cho Glass. Bản thân Google cũng đã tổ chức một cuộc thi với phần thưởng cao nhất là quyền sở hữu một cặp kính Glass. Các nhà báo thì phải lòng Glass, nhận định đó chính là tương lai của điện toán.

Thế nhưng năm nay, bầu không khí đã quay ngoắt 180 độ khi cảm giác tiêu cực áp đảo.

Khi gã khổng lồ tìm kiếm lần đầu bán Glass ra công chúng, tờ Huffington Post đã viết một bài bình luận có đoạn: "Chúng ta đều biết Glass sẽ khó bán. Nhưng trong tháng thứ 13 kể từ khi thiết bị này xuất hiện lần đầu tiên, Google đã thật sự lạc lối. Thuyết phục người dùng bỏ tiền ra mua cặp kính này chỉ khó hơn chứ không hề dễ đi".

Những ngày đầu, tội lỗi lớn nhất của Glass trong mắt giới mê công nghệ chỉ là trông kì dị. Nhưng giờ đây, nó vừa không hấp dẫn về mặt phần cứng vừa dấy lên những nghi ngại về mặt đạo đức, Huffington Post kết luận.

Tờ này không phải là cơ quan báo chí duy nhất nản lòng với Glass. Robert Scoble, một trong những người đầu tiên dùng thử kính Glass thừa nhận rằng số phận của thiết bị này là "bị hủy diệt trong năm nay". Dù vẫn lạc quan rằng có thể Google sẽ khắc phục được vấn đề của Glass vào năm 2016 nhưng viễn cảnh đó "hơi bị xa vời".

Jeff Jarvis, một trong những chuyên gia ủng hộ Google tích cực nhất thế giới, đơn giản là ghét Glass. Ông gọi nó là "Cơn ác mộng đắt đỏ".

Chuyện gì đã xảy ra trong năm qua khiến cho mọi người đồng loạt thay đổi quan điểm về Glass như vậy?

Có quá nhiều sự cố đã xảy ra liên quan đến Glass. Người đeo nó bị tấn công. Glass bị cấm cửa tại các quán bar. Sản phẩm không có nhiều cải tiến. Giới phát triển cũng không tạo ra được ứng dụng nào mang tính đột phá.

Nguyên nhân duy nhất mà người ta có thể truy ra, và đổ lỗi, chính là việc Google đã phát hành Glass một cách quá hạn chế. Gã khổng lồ tìm kiếm chỉ cho phép một nhóm người dùng được lựa chọn - mà họ gọi là "Explorers" được mua Glass với cái giá cắt cổ là 1500 USD hồi năm ngoái. Ban đầu thì đó là một chiêu marketing rất hay. Ai cũng muốn có nó, ai cũng xôn xao, bàn tán, thèm khát. Nhưng sau giây phút khan hiếm ban đầu đó, Glass cần phải được bán rộng rãi để đến được với đông đảo người dùng, để được coi là thành công về mặt thương mại.

Thứ nhất, Glass là một công nghệ hoàn toàn mới, trông khá lạ mắt. Càng nhiều người mua và dùng nó thì cảm giác kì quặc khi đeo sẽ bớt đi. Sở dĩ năm nay, một số người đeo Glass bị tấn công một cách vô lí là vì cộng đồng mặc định rằng, chỉ có những tay chơi lắm tiền rủng rỉnh thì mới đeo Glass.

Thứ hai, Google cũng không thực sự hiểu lí do tồn tại của Glass. Hãng này chắc chỉ nghĩ được rằng Glass sẽ giúp người đeo nhận được thông báo email và chụp ảnh nhanh hơn, dễ dàng hơn mà thôi. Tất nhiên, việc không thực sự hiểu sản phẩm của mình có thể làm được gì cũng không phải là sai. Ngay cả Apple cũng không hiểu được 100% tại sao iPad lại hút khách đến thế khi lần đầu ra mắt sản phẩm này. Google hẳn đã hi vọng tìm ra "lẽ tồn tại" của Glass khi bán sản phẩm cho nhóm Explorers. Nhưng nếu như bán sản phẩm rộng rãi hơn, hẳn họ đã có thể hình dung về điều đó nhanh hơn, đơn giản hơn và chính xác hơn.

Có lẽ Google không bán Glass đại trà ngay vì sản phẩm này chưa sẵn sàng để bán ra với số lượng lớn. Nhưng nếu thế thì tại sao lại không đợi thêm? Việc công bố một sản phẩm "dở sống, dở chín" thì có ích gì hơn? Chính vì tất cả những lí do nói trên, từ một chiêu thức tưởng như là thông minh, Google đã tự tay phá hỏng bữa tiệc thú vị mang tên Glass của mình, khiến cho sản phẩm này mất sạch sức hấp dẫn của nó.

Theo VietnamNet




Bình luận

  • TTCN (0)