Bảo hành là gì?

Nói một cách dễ hiểu, bảo hành chính là chế độ hậu mãi của nhà sản xuất hoặc nhà phân phối sản phẩm sau bán hàng. Chế độ hậu mãi này chủ yếu là việc cam kết sửa chữa, thay mới linh kiện hỏng hóc, thậm chí là đổi máy mới hoàn toàn miễn phí (hoặc một phần chi phí) trong một khoảng thời gian nhất định.

Tuy nhiên, theo nhiều nhu cầu và tiêu chí khác nhau, người dùng vẫn tìm đến các thiết bị không có bảo hành, tức là các thiết bị đã được sử dụng thời gian dài và không hội tụ đủ những yếu tố nêu trên.

Những lợi ích thiết thực từ mua sản phẩm không bảo hành

Giá cả có lẽ là tiêu chí hàng đầu được người dùng đưa ra khi quyết định mua cho mình một chiếc MTB hay điện thoại thông minh không bảo hành. Một thực tế hiện nay cho thấy, những người dùng thuộc đối tượng lao động thu nhập thấp, học sinh - sinh viên, người mới đi làm,... những người không dư giả về tài chính nhưng vẫn muốn dùng các sản phẩm cao cấp. Thông thường, họ sẽ lựa chọn hàng xách tay hoặc các thiết bị trôi nổi trên thị trường từ các cửa hàng hay bạn bè thân quen, thậm chí là những "shop online" trên MXH,... bởi nó có giá rẻ hơn rất nhiều so với hàng chính hãng.

Thực tế cho thấy trên thị trường hiện nay, các mẫu điện thoại hay MTB xách tay thường có giá rẻ hơn rất nhiều so với hàng chính hãng. Có thể nêu ra một vài cái tên như Xperia Z hàng xách tay có giá 7,2 triệu đồng trong khi hàng chính hãng là 12 triệu đồng, hay như HTC J One (bản khóa mạng của chiếc One dành cho nhà mạng AU của Nhật) có giá chỉ 6,7 triệu đồng trong khi bản One bán chính thức tại Việt Nam có giá lên tới 11 triệu đồng (bản 16 GB),... Từ mức chênh lệch này cho thấy, mua hàng xách tay, hàng không bảo hành có giá thấp hơn rất nhiều nhưng vẫn trải nghiệm được công nghệ đỉnh cao.

Với những người không quan tâm đến giá cả, sự "cả thèm chóng chán" có lẽ là nguyên nhân giúp họ tìm đến với các sản phẩm không bảo hành. Với những đối tượng khách hàng này, đơn giản là họ muốn "xoay tua" thiết bị nhằm tìm kiếm sự đổi mới hay đơn giản là "dùng thử" xem sự giống và khác nhau của công nghệ mà các hãng tích hợp vào từng loại thiết bị,... Tuy nhiên, đối tượng người dùng này ít hơn.

Ngoài ra, có thể kể đến một số nguyên nhân khác như "chữa cháy" đợi thiết bị mới, kênh phân phối chính thức ngừng bán do model quá cũ,... là lí do vì sao người dùng tìm đến với các sản phẩm không bảo hành.

Nguy cơ lộ rõ

Thường có rất nhiều người may mắn khi mua smartphone, MTB không bảo hành nhưng sử dụng được rất bền nhưng đây chỉ là phần thiểu số, chủ yếu giao dịch theo kiểu quen biết. Thực tế cho thấy, rất nhiều người mua hàng không bảo hành phải "ngậm trái đắng" khi chọn nhầm hàng giả, nhái, hàng dựng kém chất lượng trôi nổi trên thị trường. Thông thường những kiều mua bán này, người bán "mất tích" sau khi lừa được "con mồi".

Với chế độ bảo hành, người mua có thể thay mới, sửa chữa linh kiện hoàn toàn miễn phí khi hỏng hóc. Tuy nhiên, có nhiều người sau khi mua thiết bị của mình về sử dụng, ban đầu khá tốt nhưng một thời gian, máy bắt đầu xuất hiện lỗi và thay vì đến các trung tâm bảo hành như với sản phẩm chính hãng, họ lại tìm đến những cơ sở sửa chữa điện thoại tư nhân và nếu như không may mắn, nguy cơ "luộc đồ" thiết bị sẽ là rất cao, chưa kể mức giá sau sửa chữa được "chém" với số tiền "trên trời".

Thêm một lí do không nên mua hàng không bảo hành nữa là nhận các bản cập nhật từ nhà sản xuất. Nếu việc mua bán trao tay giữa các thiết bị mà NSX đó tung ra cho cùng khu vực, việc cập nhật sẽ không vướng phải vấn đề gì. Nhưng nếu mua sản phẩm là hàng xách tay theo kiểu bản khóa mạng (đã mở khóa), việc cập nhật thiết bị có thể sẽ muộn hoặc không bao giờ xảy ra và đây chính là "cơ hội" của hacker đánh cắp tài khoản, mật khẩu cũng như thông tin cá nhân quan trọng.

Ngoài ra, việc mua hàng không bảo hành cũng đồng nghĩa với việc người dùng sẽ không nhận được tư vấn sử dụng, lỗi, cài đặt phần mềm, tri ân khách hàng,... từ phía nhà sản xuất/nhà phân phối sản phẩm.

Thực tế?

Theo một khảo sát mới đây được thực hiện bởi Phone Arena, một điều khá bất ngờ là có tới gần 50% người dùng cho biết họ sẽ tiếp tục mua thiết bị không bảo hành trong khi chỉ có 12% cho biết đã mua và không muốn làm điều đó một lần nữa. Hiện chỉ có 11,4% cho biết sẽ mua và 27,6% nói không bao giờ mua.

Còn bạn thì sao?

Bạn có mua tablet hay smartphone không bảo hành?

  • Có, và tôi sẽ làm điều đó 1 lần nữa
  • Đã từng, và không có ý định mua tiếp
  • Chưa từng, nhưng tôi sẽ thử
  • Không bao giờ



Bình luận

  • TTCN (0)