“Nếu có được Quỹ đầu tư mạo hiểm, Việt Nam cũng sẽ có một thung lũng Silicon…”, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân khẳng định trong chương trình Đối thoại chính sách của VTV thứ 4 ngày 30/4 vừa qua.

Khoa học công nghệ Việt Nam cần phát triển theo cơ chế đặt hàng

Bộ Khoa học và Công nghệ đề xuất và được Quốc hội chấp nhận ngày 18/5 hàng năm là ngày Khoa học Việt Nam, bắt đầu từ năm 2014. Tuy nhiên, đây chỉ là sự kiện mang tính biểu tượng. Điều quan trọng là Khoa học công nghệ (KHCN) cần có sự thay đổi như thế nào để thực sự trở thành động lực của phát triển như chủ đề của ngày Khoa học năm nay?

Theo Bộ trưởng Bộ KHCN Nguyễn Quân, cản trở lớn nhất với các nhà khoa học là cơ chế chính sách. Theo đó, Bộ KHCN đã quyết tâm phối hợp với các nhà quản lí khác ở Quốc hội, Đảng cùng thay đổi cơ chế này, đầu tiên là thay đổi tư duy về quản lí KHCN.

“Nếu các nhà khoa học thực hiện đúng tinh thần của Luật KHCN sửa đổi, tôi tin sẽ có sự thay đổi trong toàn hệ thống”, người đứng đầu ngành KHCN ở Việt Nam quả quyết.

Thời gian qua, ở Việt Nam, việc nghiên cứu không theo cơ chế đặt hàng, tức là sau khi hoàn thành quá trình nghiên cứu chỉ công bố quốc tế, còn việc sáng chế ấy có được áp dụng vào thực tiễn để giải quyết vấn đề lớn của đất nước hay không lại là chuyện khác. Theo quan điểm của Bộ trưởng Nguyễn Quân, việc nghiên cứu KHCN cần phải theo cơ chế đặt hàng: “Cơ chế đặt hàng nghĩa là xuất phát từ thực tiễn có những vấn đề lớn của đất nước cần giải quyết, cơ quan đề xuất đặt hàng nhằm xây dựng nhiệm vụ cấp Nhà nước hay cấp quốc gia có trách nhiệm tiếp nhận lại kết quả đó đồng thời có đủ nguồn lực để đưa kết quả ấy vào sản xuất, kinh doanh”.

Thu hút đầu tư cho KHCN nước nhà

Trong những năm vừa qua, Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia (Nafosted) chỉ dừng lại ở con số khiêm tốn 200 tỉ đồng. Tuy nhiên, đây cũng đã là sự nỗ lực rất lớn của Chính phủ. Bởi kể từ khi có quỹ, công bố quốc tế của Việt Nam tăng nhanh lên trên 20%. Các nhà khoa học Việt Nam đã vượt qua con số 2.000 bài báo công bố quốc tế mỗi năm.

Dù kinh phí quỹ dành cho KHCN mỗi năm là 200 tỉ đồng là chưa nhiều nhưng cũng có năm không sử dụng hết và phải trả lại cho Ngân sách. Như thế để thấy cơ chế quản lí chưa phù hợp khiến các nhà khoa học chưa thể giải ngân được toàn bộ bởi hiện nay, việc xây dựng quỹ dựa theo kế hoạch của năm trước và thực hiện theo năm tài khóa. Điều này gây khó khăn cho các nhà khoa học trong việc sử dụng kinh phí một cách hiệu quả.

Việc hỗ trợ phát triển KHCN không chỉ riêng nhiệm vụ của Bộ KHCN mà còn cả vai trò của Quốc hội. Ông Lê Bộ Lĩnh – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng các nhà khoa học nước nhà đều có niềm đam mê, có trí tuệ và có nhiệt huyết với sự phát triển của đất nước. Vấn đề đặt ra là các nhà quản lí làm như thế nào để tạo điều kiện, phát huy được tiềm năng của các nhà khoa học?

Sau khi lắng nghe ý kiến, trăn trở của những người làm khoa học, ông Lê Bộ Lĩnh khẳng định sẽ tìm cách tháo gỡ những chính sách bao gồm tạo điều kiện về vật lực, tài lực trong lĩnh vực khoa học, tạo môi trường hoạt động khoa học để các nhà khoa học thực sự phát huy được tài năng, sáng tạo. Về nguồn lực cho KHCN, mấu chốt nằm ở hai vấn đề chính là số tiền đầu tư cho KHCN và cách sử dụng số tiền đó.

Ông Lê Bộ Lĩnh thẳng thắng thừa nhận: “Số tiền đầu tư cho KHCN đáng ra phải chiếm từ 2-3% GDP nhưng thực tế ở Việt Nam, con số này chỉ khiêm tốn là 0,8% trong đó chủ yếu là Nhà nước đầu tư (chiếm 75% của 0,8% GDP). Với tỉ trọng và cơ cấu nguồn lực như vậy, Việt Nam chưa thể đáp ứng nguồn lực đầu tư cho KHCN. Do đó, cần có biện pháp huy động nguồn lực xã hội, phấn đấu đạt 1,5% GDP đầu tư cho KHCN”.

Cơ chế quan trọng nhất là Luật KHCN mới bắt đầu có hiệu lực từ 1/1/2014. Bộ trưởng Nguyễn Quân khẳng định, dựa trên Luật này, năm 2014 sẽ là năm của hành động. “Luật KHCN năm nay có nhiều nội dung mới lần đầu tiên tiếp cận theo thông lệ quốc tế. Luật khuyến khích các nguồn lực từ khối doanh nghiệp đầu tư cho KHCN. Theo đó, DN Nhà nước bắt buộc phải đầu tư cho KHCN từ 5-10% lợi nhuận trước thuế đồng thời cũng khuyến khích mức đầu tư tương tự từ phía các DN khác trên thị trường”.

Việt Nam sẽ có thung lũng Silicon cho riêng mình?

Thuật ngữ thung lũng Silicon xuất phát từ Hoa Kì khi nước bạn xây dựng một vùng nghiên cứu của những doanh nghiệp khoa học công nghệ. Tại đây, sự chuyển giao sáng chế, phát minh diễn ra trực tiếp giữa nhà nghiên cứu cho giới DN. Việt Nam chưa có khu vực mang tính tập trung như thế mà mọi thứ còn khá tản mác. Việt Nam cần có một mô hình để hướng tới tạo ra hệ thống DN KHCN của Việt Nam.

Ảnh
Toàn cảnh khuôn viên Microsoft ở thung lũng Silicon.

Thung lũng Silicon thành công chính là nhờ Quỹ đầu tư mạo hiểm, không dùng ngân sách Nhà nước. Thông qua hoạt động của các nhà khoa học, các nhà đầu tư, DN tìm đến, chấp nhận đầu tư dù biết chắc chắn tỉ lệ thành công không thể đạt 100% thậm chí, chỉ là 10% hoặc nhỏ hơn. Tuy nhiên, chỉ cần một dự án thành công, DN sẽ thu lại lợi nhuận khổng lồ mà minh chứng là sự thành công của Google hay Microsoft.

“Ở Việt Nam, điều quan trọng là việc thay đổi tư duy của các nhà khoa học, nhà đầu tư, quản lí về KHCN. Ban đầu, Nhà nước đầu tư để tạo dựng mô hình, xây dựng cơ chế chính sách, làm thí điểm và nếu DN thấy hiệu quả sẽ tự quyết định đầu tư. Nếu có được Quỹ đầu tư mạo hiểm, Việt Nam cũng sẽ có một thung lũng Silicon”, Bộ trưởng Nguyễn Quân khẳng định.

Theo VTV



Bình luận

  • TTCN (0)