Intel vẫn đang nỗ lực trong cuộc đua di động, nhưng công ty tư vấn tài chính JP Morgan lại khuyên người khổng lồ chip hãy sớm bỏ cuộc. Đây là lần đầu tiên, và có lẽ không phải cuối cùng, một tổ chức tài chính khuyên Intel bỏ mảng truyền thông và di động để không bị ảnh hưởng tới lợi nhuận kinh doanh của công ty.

"Chúng tôi vẫn tiếp tục tin Intel sẽ mất tiền và không tăng được EPS (lãi cơ bản trên cổ phiếu) sổ sách từ máy tính bảng hoặc smartphone do những bất lợi của x86 so với ARM và lợi nhuận nhìn chung là thấp từ thị trường bộ vi xử lí dành cho máy tính bảng và thiết bị cầm tay. Nếu Intel dừng kinh doanh mảng di động, chúng tôi ước tính công ty có thể đạt EPS cao đến 0,50 USD trong năm 2015", Christopher Danely viết trong bản nghiên cứu.

"Chúng tôi vẫn tiếp tục tin di động là hố chôn tiền đối với Intel", ông nói thêm.

Mảng di động và truyền thông của Intel phải chịu một khoản lỗ lên đến 3,1 tỉ USD từ hoạt động trong năm 2013 và Q1/2014 mức lỗ là 929 triệu USD. Thực ra khoản thua lỗ xấp xỉ tỉ đô của mảng kinh doanh này được khỏa lấp trong kết quả kinh doanh chung của Intel. Quý vừa qua, công ty thu về 2,5 tỉ USD lợi nhuận trong tổng doanh thu 12,67 tỉ USD.

Intel sẵn sàng chịu lỗ để theo đuổi cuộc đua di động, nhưng đáng chú ý là kết quả kinh doanh của mảng di động và truyền thông tiếp tục đà sụt giảm. Doanh thu trong Q1/2014 chỉ đạt 156 triệu USD, giảm 61% so với 401 triệu USD doanh thu của quý cùng kì năm trước. Q1/2013 mảng này của công ty cũng “chỉ” lỗ 703 triệu USD.

Trong khi đó, CEO Brian Krzanich dự tính Intel sẽ bán được 40 triệu bộ xử lí cho máy tính bảng trong năm nay, bằng cách hi sinh lợi nhuận để bán thật nhiều chip cho các nhà sản xuất máy tính bảng giá rẻ của Trung Quốc.

Các nhà phân tích tài chính tỏ ra nghi ngờ chiến thuật hạ giá chip sẽ đem lại thành công về mặt kinh doanh cho Intel.

Theo báo cáo của Seeking Alpha, Intel sẽ cung cấp cho các nhà sản xuất máy tính bảng tại Thẩm Quyến các SoC Bay Trail giá 5 USD mỗi con chip để họ sản xuất máy tính bảng giá rẻ, mà dự kiến có thể chiếm tới một nửa doanh số bán trên thị trường máy tính bảng trong năm nay.

Tuy nhiên, với mức giá như vậy, Intel dù có bán được nhiều chip thì lợi nhuận thu được từ phân khúc giá rẻ vẫn thua xa Qualcomm đang thống trị phân khúc cao cấp.

Intel đã thống trị lãnh địa PC trong một thời gian dài, và chưa bao giờ gặp đối thủ xứng tầm, nhưng trên đấu trường di động rõ ràng công ty đang thất thế, bị ARM bỏ lại cách xa phía sau.

Về mặt kĩ thuật, Intel sẽ còn phải đặt modem LTE lên SoC Atom như các SoC của Qualcomm và Samsung đã có LTE tích hợp trong chip, và điều đó tạo nên sự khác biệt lớn. Intel đã có công nghệ sau khi mua mảng chip không dây của hãng Infineon (Đức) vài năm trước. Công ty sẽ phải tung ra một SoC với LTE tích hợp vào cuối năm nay để không quá chậm chân trên thị trường.

Nhưng ngay cả khi đạt được điều đó, vấn đề thực sự của Intel là các nhà sản xuất điện thoại e ngại công ty thống trị thị trường di động như với PC và do đó họ lảng tránh Intel. Và dù Intel đã nỗ lực cải tiến Atom liên tục, tăng hiệu suất và giảm tiêu hao năng lượng, cùng với việc đưa ra các thiết kế mẫu thiết bị, thì vẫn không thể ép buộc các nhà sản xuất OEM hợp tác nếu họ không muốn.

Bỏ mảng di động, Intel vẫn còn thị trường PC rộng lớn, dù đã thu hẹp phần nào so với trước. Thị trường PC sẽ không mất đi, và không có gì ngạc nhiên nếu tới đây sẽ lại có những nhà phân tích theo gương Morgan, khuyên Intel rời bỏ thị trường di động.

Theo PCWorld VN




Bình luận

  • TTCN (0)