Văn phòng của Hãng thông tấn AP

Theo tin từ tờ Washington Post, tuần trước, Thư kí Tòa soạn của Hãng thông tấn AP, Brian Carovillano, đã hướng dẫn tất cả các biên tập viên của AP về quy định giới hạn độ dài tin bài xuất bản trong ngày với mức từ 300 - 500 chữ.

Những bài viết hay, nổi bật cũng chỉ nên có độ dài từ 500 - 700 chữ và chỉ những “bài nổi bật toàn cầu” mới có thể vượt quá giới hạn 700 chữ. Những câu chuyện này đòi hỏi phải “viết thật chặt chẽ và biên tập kĩ”.

Paul Coldford, người phát ngôn của AP, chỉ ra một “mối quan ngại chung” giữa các thành viên và những thuê bao mua tin của AP, họ phàn nàn rằng các bản tin của AP thường quá dài. Gần đây AP đã chủ động “cắt cúp” các bản tin ở châu Âu và việc đó đã đưa lại những thành công nhất định.

Không chỉ riêng AP để mắt đến vấn đề này. Hãng tin Reuters, theo thông tin từ Talkingbiznew, cũng đã chính thức xiết chặt hơn việc biên tập, quản lí độ dài tin tức.

Theo đó, trừ khi là những “câu chuyện độc quyền hoặc một ý tưởng độc đáo, khác biệt thật sự”, các tin bài của Reuters tại Mỹ được Biên tập viên Dayan Candappa giới hạn ở mức dưới 500 từ.

Giới hạn 500 từ được Reuters áp dụng với “hầu hết các loại tin bài” chỉ trừ “một vài trường hợp đặc biệt, khi có những câu chuyện thực sự nổi bật”.

Tại sao phải thắt chặt kiểm soát độ dài tin bài?

Theo đại diện của AP, việc hãng tin lớn nhất thế giới quyết định tối giản hóa tin bài vì AP nhận thấy mình “đang thất bại trong nhiệm vụ chuyển tải các thông tin quan trọng vì tin bài quá dài và biên tập chưa chặt chẽ”.

AP đã nhận thấy nguy cơ bị tụt hậu so với các đối thủ cạnh tranh nếu cứ tiếp tục mô típ kể chuyện “dài lê thê”. Quan trọng nhất, khách hàng của AP, những tờ báo mua tin từ hãng thông tấn này, đã chính thức phản hồi rằng độc giả của họ không còn mặn mà với những bài viết dài dằng dặc nữa.

Đồng quan điểm với AP, đại diện Reuters cho biết “hầu hết độc giả đều bỏ đi trước khi đọc đến chữ thứ 500, trừ khi đó phải là một câu chuyện cực kì hấp dẫn”.

Xu hướng trên đang đúng trên hầu hết các nền tảng nội dung mà Reuters xuất bản, từ tin tức về luật pháp, tài chính, tiêu dùng hay truyền thông…

Thậm chí, Reuters khẳng định rằng con số 500 “chưa phải là mục tiêu”, hãng tin khuyến nghị, các tin tức nên được viết càng ngắn, càng “tiết kiệm” từ ngữ càng tốt.

Thói quen đọc, theo dõi tin tức của độc giả đang thay đổi nhanh chóng. Cùng với sự lên ngôi của nền tảng di động, cuộc đua “ngắn, đủ, chặt chẽ” sẽ không chỉ diễn ra ở các hãng tin lớn mà sẽ là xu thế của tất cả các chủ bút xuất bản điện tử nếu họ muốn giữ và phát triển lượng độc giả của mình.

Theo Infonet



Bình luận

  • TTCN (0)