Ảnh: Cinet.gov.vn.

Các cơ quan quản lý nhà nước sẽ tăng mức xử phạt nhằm bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Cá nhân, tập thể vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc phạt hành chính tới 500 triệu đồng.

Từ 1/8/2008, Pháp lệnh 04/2008/UBTVQH12 sẽ chính thức có hiệu lực. Theo đó, thẩm quyền xử phạt hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ của Chánh thanh tra Bộ, Chủ tịch UBND tỉnh được nâng lên tới 500 triệu đồng.

Mới đây, Tòa án NDTC, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Bộ Công an và Bộ Thương mại đã ra Thông tư liên tịch số 01/2008/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTM ngày 29/02/2008 hướng dẫn việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Theo văn bản này, người có hành vi xâm phạm quyền tác giả hoặc quyền liên quan theo điều 28 hoặc điều 35 của Luật Sở hữu trí tuệ sẽ bị coi là “gây hậu quả nghiêm trọng” nếu xâm phạm với quy mô lớn, mục đích thương mại, hoặc hàng hóa vi phạm có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên có thể bị xử lý hình sự theo khoản 1 Điều 131 Bộ luật Hình sự, nếu có đủ các yếu tố khác cấu thành tội phạm. Theo đó, trong thời gian tới, những hành vi vi phạm bản quyền phần mềm sẽ có thể bị xử lý tại Tòa án.

Đại diện Bộ Văn hoá - Thể Thao - Du lịch (VH-TT-DL), đơn vị trực tiếp chịu trách nhiệm về sở hữu trí tuệ, khẳng định năm 2008 sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động thanh kiểm tra nhằm giảm tình trạng vi phạm bản quyền phần mềm đạt các chỉ tiêu của Chính phủ đã đề ra. 

“Chúng tôi cam kết bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Chúng tôi sẽ nỗ lực nhằm đảm bảo các doanh nghiệp ở Việt Nam tôn trọng pháp luật bằng việc tiến hành nhiều đợt thanh tra nữa”, ông Vũ Xuân Thành, Chánh Thanh tra Bộ VH - TT - DL cho biết.

Trong 4 ngày từ 27 - 30/5, đoàn kiểm tra liên ngành giữa Bộ VH - TT - DL với Bộ Công an đã tiến hành kiểm tra đột xuất tại các doanh nghiệp đóng trên 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM thuộc nhiều thành phần kinh tế khác nhau. Tại Hà Nội, công ty 100% vốn nước ngoài Vietnam & Southeast Asia bị phát hiện 31 máy tính có các phần mềm sao chép lậu, từ các ứng dụng phổ thông như MS Word, Excell cho đến các phần mềm chuyên dụng AutoCAD, ACDSee, Từ điển Lạc Việt.

Công ty máy tính Nguyễn Hoàng và siêu thị Nguyễn Kim tại TP.HCM cũng bị phát hiện hàng trăm máy tính với phần mềm được sao chép không có sự đồng ý của tác giả.

Theo một nghiên cứu mới đây của Tập đoàn Dữ liệu quốc tế (IDG), tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm tại Việt Nam đã giảm xuống còn 85% và đã thoát khỏi vị trí những quốc gia có tỉ lệ vi phạm bản quyền cao nhất thế giới. Điều đó chứng tỏ những biện pháp quyết liệt của Chính phủ trong thời gian qua phát huy hiệu quả tích cực. Cũng theo một nghiên cứu khác của tập đoàn này, nếu mỗi quốc gia giảm 10 "điểm" vi phạm phần mềm máy tính trong thời gian từ 2008-2012, ngành CNTT toàn cầu sẽ có thêm khoảng 500 nghìn việc làm và hơn 100 tỉ USD doanh thu.

(Theo Vietnamnet)



Bình luận

  • TTCN (2)
Quang Trung  22192

Làm mạnh tay là phải lắm! Nhưng cũng phải triệt để nữa.

mptu  325

Chẳng hiểu các ông thanh tra bắt bớ kiểu gì mà năm thì mười hoạ mới thấy bắt một phát như kiểu làm thí điểm. Trên thì lúc nào cũng đe doạ cho có lệ, đưa mức phạt cao. Ở VN mà thích bắt mấy cái vụ này thì đi lùa cả ngày không hết.