Tại một thời điểm có thể có tới 1/3 số lượng bơm tay ở châu Phi bị hỏng hóc. Ảnh: BBC.

Thanh toán tiền qua di động

Trước đây, ngôi nhà ở nông thôn Kenya của anh John Kibet không được kết nối với lưới điện quốc gia. Cách duy nhất anh dùng để thắp sáng những bóng điện mỗi buổi tối là một chiếc máy phát điện chạy bằng dầu lửa. Dầu lửa rất bẩn, gây ra mùi khó chịu và cũng rất nguy hiểm. Tuy nhiên, giờ đây mọi việc đã khác. Anh Kibet đã chuyển sang dùng điện năng lượng mặt trời và trả phí sử dụng điện qua điện thoại di động.

“Tôi thấy cách làm này giúp tiết kiệm rất nhiều tiền. Nó đã cải thiện cuộc sống của tôi. Bây giờ tôi không phải dùng dầu lửa nữa”, anh Kibet nói. Hiện giờ, ông Kibet chỉ dùng dầu hỏi để nhóm lửa nấu ăn.

Việc kết hợp công nghệ năng lượng mặt trời và hệ thống thanh toán di động đang được áp dụng trên khắp đất nước Kenya bởi một công ty có tên M-Kopa Solar.

M-Kopa cho biết, tính đến nay đã có hơn 70.000 hộ gia đình đăng kí dùng dịch vụ của công ty, và mỗi tuần lại có thêm 1000 hộ gia đình mới tham gia. M-Kopa hi vọng dịch vụ sẽ hoạt động tại 1 triệu hộ gia đình tính tới năm 2018.

Nhà đồng sáng lập Jesse Moore của M-Kopa nói: “Dầu hỏa là một thứ tồi tệ để thắp sáng ngôi nhà. Dầu hỏa vừa đắt, bẩn, không tốt cho sức khỏe và ánh sáng cũng kém”

Mỗi hệ thống chiếu sáng của M-Kopa Solar bao gồm một bảng năng lượng mặt trời 4 W hoặc 5 W, các bóng đèn và một điểm nạp tiền qua điện thoại di động.

Các bảng pin năng lượng mặt trời được gắn thẻ SIM có thể liên lạc với trung tâm điều khiển của M-Kopa.

Nhà đồng sáng lập Nick Hughes của M-Kopa cho biết: “Mỗi hệ thống năng lượng mặt trời của khách hàng được kết nối với M-Kopa, cho phép chúng tôi theo dõi những vấn đề phát sinh cũng như kiểm soát hoạt động của nó”.

“Nếu khách hàng thanh toán chậm trễ, chúng tôi có thể tạm ngừng dịch vụ từ xa, hoặc kích hoạt lại sau khi khách hàng đã thanh toán đầy đủ”, ông Hughes nói thêm.

Thông qua hệ thống M-Pesa, công ty có thể gửi thông tin hóa đơn đến khách hàng, ghi rõ số tiền họ cần phải trả. Sau đó, người nhận có thể thanh toán tiền tại một đại lí của M-Pesa.

“M-Pesa là một ví dụ nổi bật về cách công nghệ có thể giải quyết những khó khăn, trong trường hợp này là cách nhanh chóng thanh toán tiền mặt từ xa, an toàn, và không tốn kém. Hôm nay, M-Pesa đã 7 năm tuổi, và thực hiện hàng trăm giao dịch mỗi giây. Nó đã thay đổi cách thanh toán tiền ở Kenya”, ông Hughes nói.

Theo số liệu của Hiệp hội di động GSMA, số lượng thuê bao di động ở vùng cận Sahara châu Phi hiện đang là 250 triệu, và được dự đoán sẽ tăng lên gần 350 triệu vào năm 2017.

Tỉ lệ hộ gia đình có điện thoại cố định ở khu vực này chỉ dưới 5%, nhưng hầu hết các gia đình đều có sử dụng điện thoại di động loại chức năng.

Hiện nay, số lượng người sử dụng smartphone cũng ngày càng tăng. Theo số liệu của nhà mạng Safaricom, smartphone chiếm 67% doanh số di động ở Kenya từ năm 2013 tới năm 2014, và mỗi tháng lại có thêm 100.000 chiếc smartphone được tiêu thụ.

Dự án “nước di động”

Công nghệ di động cũng giúp cung cấp nguồn nước ổn định hơn cho người dân châu Phi.

Ví dụ, dự án “Mobile Water” (Tạm dịch: “Nước di động”) của Đại học Oxford, đang thực hiện một số nghiên cứu nhằm dùng công nghệ di động để cải thiện cơ hội tiếp cận nguồn nước cho người dân. Trong vòng một năm, các đội dự án đã nghiên cứu loại bơm tay thông minh có thể truyền dữ liệu qua mạng di động. Người ta ước tính, tại một thời điểm có thể có tới 1/3 số lượng bơm tay ở châu Phi bị hỏng hóc.

Dữ liệu thu được từ những chiếc bơm thông minh này sẽ thông báo cho công ty cấp nước khi bơm bị hỏng. Từ đó, các kĩ sư sẽ nhanh chóng tới sửa bơm trước khi dân làng phải dùng các nguồn nước bẩn khác để thay thế.

Ngoài ra, năm 2009, công ty nước Tanzania đã hợp tác với các công ty viễn thông Vodacom và Zain để giới thiệu các dịch vụ thanh toán tiền nước qua di động.

Kể từ đó tới nay, các dịch vụ thanh toán qua di động đã bùng nổ ở vùng cận Sahara châu Phi, với nhiều công ty nước sử dụng dịch vụ thanh toán qua di động, bao gồm M-Pesa, Airtel Money, và MTN Mobile Money.

Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới, việc phân phát hóa đơn và thanh toán không hiệu quả gây tiêu tốn của ngành công nghiệp nước châu Phi tới 500 triệu USD mỗi năm.

Nhiều nghiên cứu cho thấy việc thanh toán dễ dàng giúp giảm nạn tham nhũng và cải thiện doanh thu cũng như việc thu thập dữ liệu về khách hàng, từ đó cho phép các công ty nước đầu tư thêm để cải thiện chất lượng dịch vụ.

Theo ICTnews




Bình luận

  • TTCN (0)