Mẫu nettop Eee Box được trình diễn và gây shock tại triển lãm Computex 2008. Ảnh: Geek Toys.

Những sản phẩm nettop đầu tiên của Asus gây ấn tượng mạnh tại Hội chợ Computex 2008. Nhưng đâu sẽ là chỗ đứng cho những máy tính "nhỏ, rẻ" này khi laptop đang lấn lướt máy bàn trình điện toán cá nhân?

Màn "chào hỏi" ấn tượng của dòng laptop nhỏ gọn, rẻ tiền đã chứng tỏ được tiềm năng của thị trường có yêu cầu điện toán thấp. Cơn sốt mà Asus EEE PC, HP Mini-Note và những laptop cho học sinh khẳng định nhu cầu của một bộ phận lớn người dùng chỉ sử dụng máy tính đơn thuần cho công việc văn phòng, giải trí và lướt web chứ không đòi hỏi nhiều tác vụ tính toán phức tạp.

Tại hội thảo các giải pháp của Intel (Intel Solutions Summit - ISS) 2008 diễn ra cuối tháng 4/2008, Intel cũng trình diễn mẫu khái niệm về nettop - máy tính cá nhân nhỏ, rẻ, định hướng Internet - với kích thước chỉ bằng một quyển từ điển được trang bị sẵn màn hình LCD 7 inch. Những hệ thống như vậy sẽ có mặt trên thị trường cuối năm 2008 với mức giá dưới 300 USD.

Hãng Asus nhanh chóng biến mẫu ý tưởng này thành sản phẩm hiện thực và trình diễn chiếc desktop nhỏ nhắn Eee Box của mình tại triển lãm Computex 2008.

Đặt cược vào sự thay đổi thói quen dùng máy tính

Điểm chung giữa laptop giá rẻ và nettop hướng tới những người mới dùng máy tính, nhắm tới vị trí "chiếc máy đầu tiên" tại các thị trường đang phát triển và là "chiếc máy tính sơ cua" tại những thị trường phát triển.

Trao đổi với PV VietNamNet tại hội thảo ISS 2008, ông Steve Dallman, Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc Kinh doanh và Marketing kênh phân phối của Intel cho biết khả năng ứng dụng của nettop được mô tả rộng rãi, định hướng vào những tiêu dùng thường nhật tại gia đình, ngân hàng và giáo dục. Với kích thước nhỏ nhắn, nettop có thể được gắn tại các điểm giao dịch, trên tường lớp học, thậm chí là cả trên tủ lạnh.

Như vậy, khái niệm PC vốn được hiểu là "máy tính cá nhân" (Personal computer) nhiều khả năng chuyển thành "máy tính công cộng" (Public computer) khi nettop được sử dụng rộng rãi.

Sự thay đổi bắt nguồn từ việc phải xử lý nhiều công việc cho 1 người chuyển thành tập trung xử lý tốt nhất một số ít công việc căn bản như lướt Web chẳng hạn. Vì thế, dù được bán với giá rẻ nhưng những máy nettop luôn có được những công nghệ kết nối như LAN Gigabit, WiFi và hầu hết được hứa hẹn sẽ được tích hợp sẵn WiMax và 3G trong tương lai.

"Ngày nay, máy tính không chỉ dành cho công việc đảm trách nhiều nhiệm vụ khác như liên lạc, giải trí. Người dùng phổ thông thực tế chỉ dùng một số phần mềm thường xuyên, mà họ cũng không cần thiết phải mở Word hay Excel nhanh hơn nữa", ông Dallman nói. "Đó là lý do tại sao Intel phân chia những sản phẩm của mình sâu sắc hơn".

Ảnh
Bo mạch chủ Intel D945CGLF được đóng gói sẵn từ chip Atom đến bộ tản nhiệt khi bán. Nhà sản xuất chỉ còn thiết kế vỏ bên ngoài. Ảnh: Intel.

Việc sản xuất những sản phẩm đặc thù này đòi hỏi người dùng sẽ phải được tư vấn để xác định chính xác nhu cầu máy tính của mình cần trang bị. Những sản phẩm bo mạch chủ của Intel được đưa ra trong nửa cuối năm 2008 sẽ có sự phân tách rõ rệt. Toàn bộ được đóng gói hoàn toàn từ vi xử lý, chipset, mainboard cho đến hệ thống tản nhiệt.

Việc đóng gói như vậy khiến khả năng nâng cấp của nettop bị hạn chế. Bù lại, thiết kế thống nhất tạo điều kiện cho sản xuất máy tính để bàn siêu nhỏ dễ dàng hơn. Gia công hàng loạt với số lượng lớn cũng giảm giá thành sản xuất của bộ sản phẩm, trong khi nhà sản xuất cũng lợi hơn vì bán được nhiều thứ một lúc.

Đắt nhưng xắt ra miếng

Trước đây, Acer cũng từng tung ra loạt sản phẩm desktop siêu nhỏ với định dạng uSFF của mình. Loạt sản phẩm Acer Aspire L3600 được chào đón nồng nhiệt khi ra mắt, nhưng sau đó chỉ được tiêu thụ bởi một số khách hàng cao cấp. Chiếc desktop này có kích thước bằng 1 quyển sách dày 6 cm, trọng lượng khoảng 2,3 kg - tương đương với 1 chiếc laptop. Nhưng giá bán của Aspire L3600 tại Việt Nam từ 10 - 12 triệu đồng (chưa có màn hình) khiến nó trở thành món đồ công nghệ không phải ai cũng có thể trang bị, mặc dù cấu hình của chiếc máy này mạnh gấp đôi những laptop cùng giá tiền.

"Khác với hệ thống máy tính thông thường, xu hướng mới của Intel là xây dựng giải pháp cho từng mục đích cụ thể (Purpose Built Solutions). Điều đó tiết kiệm và có lợi hơn cho người tiêu dùng", Giám đốc Kinh doanh và Marketing kênh phân phối của Intel, nói.

Đơn cử trường hợp của con chip Atom. Sản phẩm này sẽ được tùy biến theo từng mục đích sử dụng với ít nhất 4 tên mã khác nhau: Menlow dành cho những thiết bị Internet di động, Diamonville cho nettop và netbook, Sodaville cho thiết bị điện tử gia dụng (TV, đầu đĩa, dàn âm thanh...) và Embedded Menlow để đưa vào các thiết bị nhúng.

Việc thay đổi chiến lược "lấy số lượng bù giá bán" thực tế đã mở một phân khúc thị trường mới của máy tính. Dựa vào đó, các nhà sản xuất máy tính có thể giúp desktop lấy lại vị thế của mình trước cảnh bị laptop lấn lướt cả về doanh số và số lượng bán ra trong thời gian gần đây.

Theo các quan điểm của các nhà phân tích thị trường, các máy laptop gần đây ngày càng mạnh mẽ, linh hoạt và giá bán ngày càng rẻ. Điều này làm giảm lợi thế truyền thống về tốc độ của desktop trong giới văn phòng và người dùng phổ thông - nơi tốc độ giải quyết công việc của máy tính phụ thuộc vào tốc độ nhập liệu của người dùng hơn là năng lực bộ vi xử lý.

Những ấn tượng ban đầu tại Computex 2008 của chiếc Asus Eee Box khá tốt. Nhưng còn quá sớm để đánh giá tương lai của một dòng sản phẩm mới như nettop. Ở thời điểm hiện tại, giá của một chiếc máy tính xách tay "tàm tạm" và một chiếc máy để bàn "khá khẩm" là gần như tương đương nhau, khoảng 300 - 400 USD. Hầu hết đều đảm nhiệm được các công việc căn bản như soạn thảo văn bản, duyệt web, chat, nghe nhạc và chơi một số game đơn giản.

Kích thước và trọng lượng của 2 dòng máy tính cá nhân cũng thu hẹp lại. Trong khi máy xách tay lợi thế hơn về khả năng di động, những desktop giá rẻ lại hấp dẫn về khả năng lưu trữ và những tính năng đặc thù mà nhà sản xuất tùy biến thêm vào.

(Theo Vietnamnet)



Bình luận

  • TTCN (0)