Đại diện Vụ CNTT (Bộ TT&TT) phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: N.P.

Tuy nhiên, những thách thức liên quan đến bảo mật dữ liệu, tính riêng tư, quyền kiểm soát... vẫn khiến nhiều cơ quan, doanh nghiệp còn chần chừ.

Chia sẻ tại Hội thảo "Nền tảng mở của Microsoft và Điện toán đám mây" do Bộ Thông tin & Truyền thông phối hợp cùng Microsoft tổ chức sáng nay, 12/6, đại diện Vụ Công nghệ Thông tin (Bộ TT&TT) thẳng thắn chia sẻ rằng, điện toán đám mây đang được coi là một trong những xu hướng công nghệ chủ đạo trên quy mô toàn cầu, tuy nhiên, tại Việt Nam, nhiều cơ quan, tổ chức vẫn còn lo ngại đến khả năng bảo mật cũng như chất lượng dịch vụ, việc tuân thủ quy định pháp lí, quyền lợi và trách nhiệm của nhà cung cấp dịch vụ cũng như của bản thân tổ chức sử dụng.

Mặc dù vậy, Bộ TT&TT vẫn xác định xây dựng Chính phủ điện tử trên nền tảng đám mây là chiến lược đột phá, được ưu tiên hàng đầu trong tiến trình phát triển Chính phủ điện tử tại VN. Những ưu điểm của hướng đi này đã được chỉ ra là giúp tiết kiệm ngân sách nhà nước, cải tiến hiệu suất công nghệ thông tin, giúp đẩy nhanh việc cải cách bộ máy hành chính công. Đây cũng là nền tảng để VN tiếp tục triển khai các hệ thống lớn trên phạm vi toàn quốc như các cơ sở dữ liệu quốc gia, hệ thống thư điện tử quốc gia, hệ thống trao đổi văn bản điện tử tích hợp toàn quốc.

Chia sẻ mối băn khoăn với phía Việt Nam, bà Sangita Jayaraman, Giám đốc cao cấp về sản phẩm của Microsoft Châu Á - Thái Bình Dương nhấn mạnh rằng, những giải pháp điện toán đám mây hiện đại đã giải quyết hiệu quả bài toán về bảo mật dữ liệu, trong khi tính "hướng đích" (mà cụ thể ở đây là phục vụ cho khối Chính phủ) cũng được tối ưu hóa rõ rệt so với trước đây. Một khi đi vào triển khai, trong một "đám mây Chính phủ", các Bộ, ngành sẽ có thể tương tác, chia sẻ và dùng chung hạ tầng đám mây để nâng cao hiệu quả quản lí, điều hành, tác nghiệp… mà vẫn có được sự an toàn ở cấp độ cao nhất. "Những giải pháp như G-Cloud (viết tắt của Goverment - Clound) sẽ tạo thuận lợi lớn trong việc trao đổi thông tin giữa các cơ quan quản lí với nhau và giữa các cơ quan nhà nước có dịch vụ công với người dân, nhờ đó sẽ rút ngắn thời hạn cung cấp các dịch vụ, tiết kiệm chi phí và minh bạch hơn", bà Jayaraman phân tích.

Bên cạnh đó, ứng dụng điện toán đám mây còn giúp giải bài toán tiết kiệm chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng, vốn luôn được coi là trở ngại lớn trên con đường biến Việt Nam thành một nước mạnh về CNTT và truyền thông vào năm 2020, các chuyên gia nhận định.

Theo Vietnamnet



Bình luận

  • TTCN (0)