Khác với nhiều năm trước, môi trường trên máy tính ngày nay kiêm nhiệm rất nhiều vai trò khác nhau từ giải trí đến công việc, đặc biệt là giao dịch tài chính và đây cũng là động cơ chính để hacker tấn công. Và không giống như trước kia hacker chỉ tấn công mang tính chất "cho vui", ngày nay chúng đã có mục đích hơn và các vụ án bị phá gần đây đã minh chứng điều đó.

Trở lại với việc vi rút xâm nhập trên máy tính, chúng ta phải làm gì khi biết máy bị tấn công và làm sao để "dọn sạch" chúng? Hãy tham khảo một số cách thức dưới đây:

Sử dụng phần mềm diệt vi rút

Avast!, Kaspersky, Bitdefender,... đang là những cái tên quen thuộc và là lựa chọn hàng đầu hiện nay. Hầu hết, các phần mềm này đều có cơ chế tự phát hiện vi rút ngay từ bên ngoài và tìm cách diệt chúng "ngay từ trong trứng nước" (dễ gặp khi ta cắm USB đã sử dụng cho máy khác trên thiết bị của mình). Riêng máy tính chạy Windows, nếu không chạy trình diệt vi rút trên, người dùng cũng có thể tùy chọn Microsoft Security Essentials (hay còn gọi là Windows Defender trên Windows 8) để diệt cũng khá hiệu quả.

Tuy nhiên, với các vi rút mạnh hơn, chúng có thể xâm nhập vào hệ thống mà không bị các phần mềm anti-virus trên phát hiện. Trường hợp này ta cần tìm các phương án khác.

Lúc này, Safe Mode chính là cứu cánh tiếp theo. Trong chế độ Safe Mode, Windows sẽ không chấp nhận các phần mềm bên thứ ba trong đó có cả phần mềm gián điệp hay vi rút. Do đó, khi chạy các phần mềm trên, khả năng tiêu diệt diệt sẽ cao hơn. (Để vào chế độ Safe Mode, ngay từ khi máy tính khởi động, ta nhấn F8 cho đến khi màn hình hiện lên tùy chọn Safe Mode).

Cuối cùng, nếu chế độ Safe Mode làm việc không hiệu quả, ta có thể sử dụng các đĩa cứu hộ máy tính. Trong đó cũng có mặt của phần mềm diệt vi rút tích hợp sẵn hoặc các phần mềm chuyên dụng để "làm sạch" hệ thống.

Thay đổi mật khẩu

Chúng ta nên hiểu rằng việc diệt vi rút ở trên chỉ mới là "bước đi đầu tiên" và bạn cần phải làm nhiều điều hơn nữa bởi chưa chắc máy tính của bạn đã an toàn. Do đó, bạn cần thay đổi mật khẩu của cho các tài khoản sử dụng dịch vụ trực tuyến của mình.

Trong quá trình sử dụng, chắc chắn sẽ có nhiều lần bạn đăng nhập vào tài khoản Gmail, giao dịch với ngân hàng ngân hàng online ( ví dụ như Internet Banking),... và khi nhiễm vi rút, việc chúng tự động lưu lại, gửi tài khoản và mật khẩu về máy chủ hacker là chuyện hết sức bình thường. Do đó, bạn cần thay đổi mật khẩu chúng ngay lập tức sau khi diệt vi rút toàn bộ hệ thống.

Theo một số chuyên gia, khi thiết lập mật khẩu mới, người dùng nên tạo với các kí tự khác nhau đủ mạnh, và đặc biệt là không nên đặt mật khẩu tương tự mật khẩu cũ.

Đảm bảo các phần mềm độc hại và vi rút đã bị loại bỏ sạch sẽ

Với một số vi rút, ngay cả khi thực hiện cách đầu tiên, nó vẫn không xuất đầu lộ diện mà tự ẩn vào hệ thống. Lúc này, bạn nên tìm hiểu kĩ để đưa ra phương án hợp lí. Biểu hiện thường thấy của vi rút dạng này là làm cho máy tính trở nên chậm chạp hơn so với bình thường nhưng khi quét bằng phần mềm anti-virus vẫn không nhận ra được.

Với dạng này, cách tốt nhất là bạn nên cài đặt lạ HĐH hoặc sử dụng các tính năng phục hồi có trong Windows như Systems Restore hay tính năng Refresh (trong Windows 8). Điều này sẽ khiến bạn mất nhiều thời gian hơn nhưng bù lại, hệ thống của bạn được đảm bảo sẽ loại bỏ hoàn toàn vi rút.

Tự bảo vệ cho thiết bị của mình

Ngay sau khi máy tính bạn bị vi rút, dù bạn đã diệt nó theo những cách nêu trên thì khả năng bị tấn công lần nữa trong tương lai là điều hoàn toàn có thể. Do vậy, bạn phải đảm bảo thiết bị mình không có nguy cơ nhiễm độc và tập thói quen chống lại chúng. Các cách thức có thể là:

  • Trang bị phần mềm vi rút mạnh mẽ hơn so với trước đó.
  • Hạn chế sử dụng Java: Java hiện đang là "môi trường lí tưởng" để tấn công của hacker, đặc biệt là các phiên bản cũ.
  • Không bổ sung các plug-in cho trình duyệt khi chưa chắc chắn độ tin cậy.
  • Thường xuyên cập nhật cho hệ thống cũng như phần mềm diệt vi rút.
  • Không cài đặt các phần mềm không rõ nguồn gốc.
  • ...

Tạm kết

Với những cách thức trên, hi vọng phần nào giúp người dùng "cải thiện" được tình hình khi máy của mình bị nhiễm vi rút. Cùng với đó, bạn nên tránh rủi ro bằng những phương pháp khác như không nên click vào liên kết lạ, ứng dụng đáng nghi ngờ, link spam,... đồng thời học cách để giải quyết vấn đề cho thiết bị trong tình huống xấu nhất.

Theo How to Geek 12




Bình luận

  • TTCN (0)