Tọa đàm về Chương trình Phát triển công nghiệp CNTT đến năm 2020 do Bộ TT&TT tổ chức sáng nay, 25/6/2014 thu hút sự quan tâm tham gia của rất nhiều "đại gia" trong lĩnh vực CNTT Việt Nam như VNPT, Viettel, FPT, CMC, VTC, Viettronics...

Phát biểu khai mạc Tọa đàm Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng khẳng định thời gian qua, công nghiệp CNTT luôn là một trong những ngành kinh tế có doanh số và tỉ lệ tăng trưởng cao hơn nhiều so với các ngành kinh tế khác. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều trăn trở về việc thúc đẩy hơn nữa sự phát triển công nghiệp CNTT như hầu hết doanh số của công nghiệp phần cứng vẫn thuộc về doanh nghiệp FDI, hàm lượng giá trị gia tăng đóng góp cho nền kinh tế Việt Nam còn thấp hoặc chúng ta vẫn chưa có nhiều sản phẩm, dịch vụ giải pháp CNTT "made in Vietnam" được thế giới công nhận.

Trong khi ddos, ở một số lĩnh vực khác, doanh nghiệp được Nhà nước cấp tài nguyên cho hoạt động thì trong lĩnh vực CNTT, hầu như các doanh nghiệp vẫn phải tự bươn chải trong môi trường cạnh tranh khốc liệt để phát triển sản phẩm, dịch vụ của mình. Bởi vậy, dự thảo Chương trình Phát triển công nghiệp CNTT đến năm 2020 đã được xây dựng nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho sự phát triển của lĩnh vực CNTT.

Đánh giá cao dự thảo Chương trình Phát triển công nghiệp CNTT đến năm 2020 do Vụ CNTT, Bộ TT&TT xây dựng, tuy nhiên các doanh nghiệp điện tử, CNTT vẫn còn nhiều băn khoăn về dự thảo này.

Ông Nguyễn Phước Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam nhận xét: "Những nội dung liên quan đến sản phẩm công nghiệp phần cứng còn khá sơ sài, vẫn chưa hình thành được mục tiêu cụ thể dành cho công nghiệp phần cứng. Bộ TT&TT cần đứng ra chủ trì kết nối để các doanh nghiệp về phần cứng của Việt Nam có thể ngồi với nhau để bàn cách thúc đẩy phát triển công nghiệp phần cứng một cách hiệu quả".

Ông Bùi Mạnh Hải, Chủ tịch Hội Tin học Việt Nam lưu ý thêm: "Về mục tiêu phát triển công nghiệp phần cứng, nên chọn một số mũi nhọn trọng điểm để phát triển theo định hướng sớm tự chủ tự lực về công nghệ để đảm bảo quốc phòng an ninh, không nên đi theo hướng hỗ trợ phát triển để có sản phẩm xuất khẩu bởi chắc chắn doanh nghiệp Việt Nam không thể cạnh tranh được với những "ông lớn" như Samsung, Toshiba, Intel...".

Ở góc nhìn khác, ông Tống Viết Trung, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel đề nghị dự thảo Chương trình Phát triển công nghiệp CNTT đến năm 2020 cần chú trọng nhiều hơn tới việc khai thác thị trường trong nước, nên tiếp tục phát huy những phương thức mới như hợp tác Công - Tư (PPP), cho thuê dịch vụ,... nhằm kích cầu cho nền CNTT trong nước phát triển. Bên cạnh đó, cần để ý hơn tới môi trường cho CNTT phát triển, ví dụ như sớm cấp phép 4G để đẩy nhanh nhu cầu mới về ứng dụng CNTT trên nền 4G.

Các doanh nghiệp khác như VNPT, CMC, VTC, Viettronics, MISA... cũng đề xuất những vướng mắc cụ thể trong thực tế đang cần sự hỗ trợ giải quyết bằng cơ chế, chính sách khả thi.

Tiếp thu ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp, hiệp hội, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng đề nghị các doanh nghiệp, hiệp hội tiếp tục góp ý để Bộ TT&TT hoàn thiện dự thảo Chương trình Phát triển công nghiệp CNTT đến năm 2020. Dự kiến, cuối tháng 6, đầu tháng 7 năm 2014, dự thảo này được Bộ TT&TT trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Một số giải pháp đáng chú ý trong dự thảo Chương trình Phát triển công nghiệp CNTT đến 2020:

+ Tập trung nguồn lực để nghiên cứu phát triển, sản xuất các sản phẩm phần cứng - điện tử và sản phẩm, thiết bị CNTT mang thương hiệu Việt Nam để thay thế hàng nhập khẩu, đặc biệt là trong lĩnh vực viễn thông.

+ Hình thành một số doanh nghiệp CNTT mạnh, có quy mô lớn, sức cạnh tranh cao, có khả năng nghiên cứu phát triển và sản xuất ra các sản phẩm, dịch vụ CNTT quan trọng thông qua cơ chế đặt hàng doanh nghiệp sản xuất 1 số sản phẩm trọng điểm và được chỉ định thầu tham gia 1 số dự án lớn của Nhà nước.

+ Các cơ quan Nhà nước đẩy mạnh thuê ngoài dịch vụ CNTT, ưu tiên sử dụng dịch vụ CNTT do doanh nghiệp Việt Nam cung cấp.

+ Các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực CNTT được ưu tiên vay vốn từ Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Theo ICTnews.




Bình luận

  • TTCN (0)