Trang phim pubvn bị tố tái vi phạm bản quyền sau khi bị Thanh tra Bộ VH-TT-DL xử phạt và yêu cầu đóng cửa hồi tháng 7/2013.

Vừa nhận án phạt xong, lại ngang nhiên tái vi phạm

Tình trạng vi phạm bản quyền phim và các chương trình truyền hình trên Internet diễn ra trên diện rộng và đang có chiều hướng gia tăng. Theo số liệu từ Cục Điện ảnh có tới hơn 400 website tiếng Việt đang công khai chiếu hàng chục ngàn bộ phim trên Internet, đa số các bộ phim (cả trong nước và quốc tế) đều chưa được các website này mua bản quyền.

Tuy nhiên, việc xử lí vi phạm bản quyền trên Internet lại gặp nhiều khó khăn. Theo ông Ngô Huy Toàn, Trưởng phòng Thanh tra Báo chí Xuất bản (Thanh tra Bộ TT&TT), quan điểm của Thanh tra Bộ TT&TT là kiên quyết xử lí những hành vi vi phạm về bản quyền. Trong thời gian gần đây, Thanh tra Bộ TT&TT đã xử lí mạnh tay đối với một số trường hợp vi phạm bản quyền phim trên Internet sau khi nhận được phản ánh của chủ sở hữu quyền tác giả.

Cũng theo ông Toàn, việc xử lí các vi phạm bản quyền trên Internet gặp khá nhiều khó khăn trong việc xác định chủ thể của các website. Bởi hầu hết các trang web vi phạm đều đăng kí tên miền quốc tế, chủ thể những trang này đều ẩn danh, hoặc khai báo thông tin không đúng để tránh sự kiểm tra của cơ quan pháp luật. Việc dùng biện pháp kĩ thuật để ngăn chặn cũng chỉ mang tính tương đối, bởi vì khi chặn không cho truy cập vào một website thì những người vi phạm có thể dễ dàng mở một website khác. "Cuộc chiến chống vi phạm bản quyền trên Internet rất cam go, cần phải tiến hành lâu dài và thường xuyên, không thể giải quyết trong một sớm một chiều", ông Toàn nói.

Hồi tháng 7/2013, từ đơn khiếu nại của Hiệp hội Điện ảnh Mỹ (MPA), Bộ VH-TT-DL đã xử phạt hành vi xâm phạm quyền tác giả với sản phẩm điện ảnh của MPA tại 3 trang mạng: phim47.com; v1vn.com và pub.vn. Nhưng sau đó không lâu, trang phim47.com đổi thành phimhh.com, trang pub.vn chuyển thành pubvn.tv để né tránh sự kiểm tra và vẫn tiếp tục đăng tải những phim không có bản quyền. Giữa tháng 4/2014, MPA tiếp tục gửi hồ sơ liên quan đến việc tái vi phạm bản quyền phim của 3 trang mạng kể trên và 9 trang mạng khác tại Việt Nam.

Hồi tháng 6/2014, Thanh tra chuyên ngành TT&TT đã xử phạt 2 website vi phạm bản quyền phim Hồng Kông bị TVB Hồng Kông khiếu nại. Tuy nhiên, những trường hợp bị xử phạt này chỉ như "muối bỏ biển". Hành vi công khai chiếu các bộ phim và các chương trình truyền hình không có bản quyền diễn ra hết sức phổ biến. Hàng trăm website trong nước vẫn cố tình vi phạm bản quyền, hàng ngàn bộ phim, chương trình truyền hình được “xài chùa” trên Internet nhằm thu món lợi bất chính.

Chương trình truyền hình ăn khách cũng bị "xài chùa"

Ông Đặng Xuân Hải, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam cho biết, có rất nhiều hình thức “ăn cắp” bản quyền các tác phẩm điện ảnh như: sao in đĩa lậu, trích đoạn, làm các tác phẩm tái sinh, cung cấp trên Internet để thu phí hoặc quảng cáo. Ngay cả các đài truyền hình địa phương cũng tự do phát sóng nhiều bộ phim mà không thỏa thuận với hãng phim. Ông Hải cho rằng: "Hơn bao giờ hết tình trạng vi phạm bản quyền đang diễn ra hết sức phức tạp, nhất là vi phạm bản quyền trên Internet gây thất thu lớn cho ngành điện ảnh". Ví dụ, đầu năm 2012, bộ phim truyền hìnhNhững đứa con biệt động Sài Gòn mới đang trong giai đoạn chuẩn bị bán cho các đài truyền hình thì đĩa phim lậu đã bán đầy tại nhiều cửa hàng băng đĩa.

Bộ phim Dòng máu anh hùng năm 2007 tuy lập kỉ lục bán vé khi thu về 4 tỉ đồng trong 3 tuần đầu công chiếu nhưng vẫn lỗ do bản quyền bị xâm phạm nghiêm trọng. Chỉ cần một cú click chuột, khán giả có thể xem nó trên các trang mạng với đầy đủ phụ đề, thậm chí có cả bản đạt tiêu chuẩn HD. Gần đây nhất, cuối năm 2013 là trường hợp bộ phim truyện nhựa Bụi đời Chợ Lớn, dù bị cấm chiếu nhưng bằng cách này cách khác phim vẫn phát tán trên mạng, chỉ vài ngày sau thì đĩa in lậu bán tràn lan.

Quyền tác giả đối với các tác phẩm là chương trình truyền hình (được xem là đối tượng thuộc phạm vi bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ tại khoản 1 điều 3 Luật Sở hữu trí tuệ) cũng không mấy khá hơn. Nổi bật là việc các website khai thác chi phí quảng cáo từ việc đăng tải các chương trình truyền hình thực tế hút khách nhưThần tượng âm nhạc, Giọng hát Việt mà không phải trả chi phí liên quan, đồng thời “hốt bạc” từ số lượt tải về của người xem.

Điển hình như chỉ tính riêng chương trình The Voice 2012 trên một trang web xem trực tuyến, đã có 53 triệu lượt truy cập, có thể hình dung chủ thể sở hữu trang này và các đối tác kinh doanh đã thu được lợi nhuận cực kì lớn mà không phải trả phí cho các đơn vị nắm giữ bản quyền.

Đại diện Công ty Đầu tư phát triển Công nghệ cao (CNC) cho rằng, tại Việt Nam có khoảng 400 trang web sử dụng video (phim và ca nhạc), với 90% lượng người dùng Internet sử dụng sản phẩm này thì lượng tiền bản quyền bị thất thoát như hiện nay là rất lớn.

Hồi đầu năm 2014, CNC đã khiếu nại lên Bộ VH-TT-DL nhiều website vi phạm bản quyền chương trình Táo Quân 2014, trong đó có cả Youtube.

Theo ICTnews.




Bình luận

  • TTCN (0)