Hầu hết những người thuộc thế hệ Z đều còn quá trẻ để thực sự có thu nhập riêng cho bản thân. Nhưng nhóm này lại có quyền lực đáng nể đối với chi tiêu hộ gia đình, đặc biệt là đồ chơi, công nghệ, quần áo. Theo nghiên cứu của Công ty tiếp thị Sparks & Honey, ở Mỹ, trung bình mỗi tháng những người thuộc thế hệ Z được “trợ cấp” 70 USD, tương đương 44 tỉ một năm.

Tuy nhiên, không giống như các thế hệ trước (tạm gọi là thế hệ tiêu dùng “già”), lòng trung thành với thương hiệu của nhóm tiêu dùng này rất không bền vững. Theo Công ty tiếp thị Martin-Wilbourne Partners, “tự bản thân các sản phẩm gây được ấn tượng mạnh mẽ với thế hệ Z hơn bất kì một lời mời mọc nào từ nhà sản xuất. Và nhóm tiêu dùng này cũng rất dễ thay đổi thương hiệu để tìm đến một sản phẩm có chất lượng cao hơn".

Nghiên cứu của Piper Jaffray cho thấy, thế hệ Y (sinh từ thập niên 1980 đến cuối thập niên 1990) thời còn là thiếu niên thường dành phần lớn ngân sách của mình vào quần áo thì trái lại, thế hệ Z dành nhiều tiền cho đồ ăn và thức uống. Họ không thích dùng lò vi sóng mà thích đồ ăn nhanh hay đồ ăn được xử lí “trên bếp”. Theo NPD Group, những món ăn được ưa chuộng của thế hệ Z là salad, bánh mì, đồ ăn sáng cần được nấu như trúng hay bánh pancake. Chính vì thế, những Starbucks, McDonald’s, Chipotle, Olive Garden, Taco Bell, KFC... đều đẩy mạnh chiến lược “trẻ hóa” thực đơn nhắm vào nhóm tiêu dùng trẻ. Chính nhờ vậy đã giúp cho các thương hiệu đồ ăn nhanh vẫn không ngừng mở rộng thị trường trong khi người lớn tỏ ra lo ngại trước các vấn đề về sức khỏe.

Trong khi đó, sự thay đổi trong xu hướng chi tiêu này đã góp phần dẫn đến sự sụp đổ của các trung tâm mua sắm - nơi từng được coi là “cuộc tụ họp” của các thanh thiếu niên. Lưu lượng nhóm tiêu dùng thiếu niên đến các trung tâm mua sắm đã giảm 30% trong thập kỉ qua. Năm 2007, một thiếu niên ở Mỹ thường đến trung tâm mua sắm khoảng 38 lần thì đến năm 2014, con số này chỉ còn là 29. Xu hướng này đã thực sự trở thành thảm họa cho các nhãn hiệu nhắm vào đối tượng thiếu niên, như Abercrombie & Fitch, Aeropostale, American Eagle - cả ba đều ghi nhận doanh thu giảm trong thời gian vừa qua.

Bây giờ, khi đã có công cụ theo dõi người tiêu dùng thông qua cánh cổng thế giới ảo, song không giống như nhóm tiêu dùng “già” thường ngại thay đổi và ít hí hoáy, khi bê bối NSA nổ ra, thế hệ Z quan tâm đến việc vô hiệu hóa định vị thiết bị của họ hơn bất cứ ai. Điều này cũng không có gì ngạc nhiên bởi thanh thiếu niên đặc biệt coi trọng sự riêng tư, họ sẽ phát cáu nếu thấy cha mẹ đọc trộm nhật kí hay vào phòng mà không gõ cửa. Hầu hết ai cũng vậy, nhưng thanh thiếu niên đặc biệt phản ứng tiêu cực hơn cả.

Để tiếp cận với nhóm tiêu dùng trẻ này, các công ty sẽ phải tìm cách hòa nhập vào nền tảng truyền thông xã hội mà không bao giờ cố gắng kiềm chế các cuộc thảo luận về sản phẩm. Theo Kathy Savitt - người sáng lập và là CEO của Lockerz, một trang web thương mại xã hội, “nếu các công ty mong đợi sự trung thành từ thế hệ Z, họ sẽ cần phải đặc biệt cẩn thận trong các chiến dịch tiếp thị và nhất là đẩy mạnh sự sáng tạo trong sản phẩm. Apple đã từng thành công nhờ sự sáng tạo của mình với iPhone và iPad thế hệ trước, nhưng nay dù vẫn đi theo “mô hình Steve Jobs”, lượng tiêu thụ iPhone và iPad thực tế đã sa sút khi người ta không còn tìm thấy sự mới mẻ trong “Quả táo khuyết”.

Những gì thế hệ Z quan tâm ngày nay chính là sự chia sẻ. Họ dành tới 41% thời gian ngoài trường học cho điện thoại và máy tính. 66% trẻ em từ 6 đến 11 tuổi cho biết nguồn giải trí lớn nhất của họ là chơi game trực tuyến. Họ thích được “share” hay “like” trên Facebook, họ muốn “follow” hoặc “retweet” trên Twitter. Do đó, các nhà tiếp thị cũng thường phải đẩy ra các quảng cáo đủ thú vị và kích thích để thu hút cư dân mạng. Chính vì lẽ đó, dù quảng cáo “hài hước” hay “sex” được xem là không có quá nhiều tác động đến lượng tiêu thụ, nhưng một loạt video được đẩy lên YouTube thay vì truyền hình vẫn ra đời không ngừng nghỉ.

Các thương hiệu ngày nay đang ngày càng “mở” hơn, điều đó sẽ dễ tạo nên hiệu ứng cộng đồng lan xa và rộng hơn, song cũng dẫn đến sự giám sát cao hơn. Theo Kathy Savitt, thế hệ Z không chỉ đóng vai trò người tiêu dùng mà còn là một “thanh tra” đích thực. Họ sẵn sàng ngồi canh từng giây một trong đoạn video để soi ra những điểm “hớ hênh” của nhà quảng cáo, các phong trào “anti” (chống đối) ngày nay phát triển mạnh mẽ không kém gì các tín đồ trung thành. Chính vì vậy, các video cũng thường được làm theo lối đơn giản, bộc trực, thông điệp nhẹ nhàng bởi chỉ một ẩn ý tiêu cực, dù vô tình, cũng sẽ nhấn chìm sản phẩm đó trong phong trào “lên án” và “bài trừ” mãnh liệt.

Theo Sống Mới.




Bình luận

  • TTCN (0)