Vết nứt do các trận động đất tại nhà một người dân ở xã Trà Đốc, huyện Bắc Trà Mi, tỉnh Quảng Nam.Ảnh: Trần Thường.

Một trận động đất cường độ 3,6 độ Richter lại xảy ra lúc 6 giờ 5 phút ngày 8/7 tại khu vực thủy điện Sông Tranh 2 (huyện Bắc Trà Mi, tỉnh Quảng Nam). Theo Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần - Viện Vật lí địa cầu, trận động đất này xảy ra tại vị trí 15.358 độ vĩ Bắc, 108.128 độ kinh Đông, độ sâu chấn tiêu khoảng 5,7 km.

Rung lắc, nổ dữ dội

Ông Đinh Văn Sưa - Phó Công an xã Trà Tân, huyện Bắc Trà Mi, có nhà ở ngay dưới chân đập thủy điện Sông Tranh 2 - cho hay động đất xảy ra kèm theo một tiếng nổ lớn. Mặt đất như bị đội lên, nhà cửa rung lắc dữ dội, đồ đạc đảo lộn. Dù đã quen do động đất thường xuyên xảy ra trong thời gian qua nhưng ông Sưa và nhiều người dân ở đây vẫn hoảng hốt tháo chạy ra các bãi đất trống để lánh nạn.

Nhiều người dân tại huyện Bắc Trà Mi cũng xác nhận trận động đất này kèm theo tiếng nổ rất dữ dội. Chị Trương Hồng Linh, ngụ tại thị trấn Bắc Trà Mi, kể: “Tôi đang dọn hàng thì nghe ù tai, rồi một tiếng nổ lớn, nhà cửa rung lắc. Vùng chạy ra ngoài, tôi thấy bà con xung quanh cũng chạy tán loạn. Một lúc sau, mọi người mới định thần lại”.

Theo ông Hồ Văn Lợi - Chủ tịch UBND xã Trà Đốc, huyện Bắc Trà Mi - nhiều căn nhà bị hư hỏng do động đất trước đó nay càng trầm trọng thêm. “Chính quyền địa phương chỉ biết động viên người dân tiếp tục yên tâm sản xuất chứ thật ra ai cũng hoang mang, còn các nhà khoa học thì đến nay cũng chẳng có kết luận gì cụ thể”, ông Lợi lo lắng.

Như vậy, sau một thời gian tạm lắng, động đất đã xuất hiện trở lại ở Sông Tranh 2 với tần suất khá cao. Chỉ trong vòng 1 tháng qua, tại địa phương này đã xảy ra 9 trận động đất. Theo ông Huỳnh Ngọc Thiệu, Phó Ban Chỉ huy Phòng chống giảm nhẹ thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Bắc Trà Mi, sau khi động đất xảy ra, huyện đã thành lập 2 đoàn kiểm tra thân đập và các nhà dân. Ban đầu, đoàn chưa ghi nhận được thiệt hại.

“Động đất liên quan đến yếu tố thời tiết, mỗi khi thời tiết thay đổi thì sẽ động đất. Chúng tôi đã có báo cáo đề xuất UBND tỉnh kiến nghị với trung ương tiếp tục tiến hành khảo sát, tìm nguyên nhân gây ra động đất để có biện pháp phòng tránh” - ông Thiệu cho hay.

Có liên quan đến thủy điện

Theo PGS-TS Nguyễn Hồng Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần, cho biết động đất sáng 8/7 về bản chất là động đất kích thích - phát sinh do kết quả vận hành nhà máy thủy điện Sông Tranh 2. Cho đến nay, tất cả các trận động đất xảy ra ở khu vực Bắc Trà Mi đều thuộc loại yếu và dưới trung bình theo phân loại động đất trên thế giới.

Các trận động đất này không có khả năng gây thiệt hại nặng về người và của. Tuy nhiên, các trận động đất ở khu vực Bắc Trà Mi đều có một đặc điểm chung là phát sinh ở độ sâu khoảng 6 - 7 km, rất gần mặt đất nên dù năng lượng phát ra không lớn, chúng vẫn gây ra rung động mạnh trên bề mặt và kèm theo tiếng nổ, gây hoảng sợ trong cộng đồng dân cư địa phương.

Ông Nguyễn Hồng Phương cho rằng sự xuất hiện chuỗi các trận động đất kích thích với cường độ nhỏ và tắt dần theo thời gian tại khu vực Bắc Trà Mi không ngoài dự đoán của các nhà khoa học. Nó cũng phù hợp với kết quả nghiên cứu về động đất kích thích của nhiều quốc gia trên thế giới.

Chưa có dấu hiệu kết thúc

Theo TS Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lí địa cầu, động đất ở khu vực thủy điện Sông Tranh 2 vẫn chưa có biểu hiện kết thúc. Do đó, cần tiếp tục theo dõi sát sao diễn biến của hoạt động động đất, trong đó chú ý nghiên cứu mối quan hệ giữa động đất và lượng nước hồ chứa thủy điện Sông Tranh 2.

“Thời gian quan trắc càng dài sẽ giúp cho việc dự báo xu thế hoạt động động đất càng chính xác hơn. Bên cạnh việc quan trắc động đất, các công tác khảo sát địa chất, địa vật lí (GPS, từ Tellua, địa chấn phản xạ….) nhằm làm sáng tỏ các đứt gãy hoạt động trong giai đoạn hiện đại ở Bắc Trà Mi và khu vực lân cận đang được Viện Vật lí địa cầu tích cực triển khai” - TS Xuân Anh cho biết.

Theo Người Lao Động.




Bình luận

  • TTCN (0)