Foxconn đang hướng đến công nghệ sản xuất thân thiện với môi trường hơn nhằm phục vụ các đối tác chiến lược như Apple và HP.

Nhà máy mới này dành cho các khách hàng như Apple muốn tìm kiếm những nhà cung cấp có dây chuyền sản xuất thân thiện với môi trường hơn. "Trước đây, người ta thường nghĩ công nghệ xanh sẽ làm tăng giá thành hoặc giảm hiệu suất, điều đó hoàn toàn không đúng", Chủ tịch Terry Gou của Foxconn tuyên bố trong một cuộc hội thảo ở tỉnh Quý Châu của Trung Quốc vừa qua. Cụm khu sản xuất công nghiệp mới này của Foxconn sẽ đại diện cho một mô hình tăng trưởng mới, xanh nhưng vẫn đảm bảo chất lượng.

Apple và HP là những khách hàng lớn của Foxconn và cũng đang tìm kiếm những nhà cung ứng có trách nhiệm với môi trường hơn. Nhà máy mới của Foxconn sẽ tiêu thụ điện năng hiệu quả hơn, sử dụng ít hóa chất hơn và chuyển sang dùng các nguyên vật liệu tái chế nhiều hơn, ông Gou cho biết.

Nhà máy này cũng là một phần nỗ lực của Foxconn nhằm mở rộng kinh doanh vào các lĩnh vực như điện tử tự động, dịch vụ điện thoại di động và điện toán đám mây. Đây được xem là một trong những động thái đẩy mạnh phát triển trong thời kì doanh số tăng trưởng chậm của Foxconn. Nhà sản xuất này sẽ sử dụng công nghệ ống nano carbon và các loại vật liệu tái chế để phát triển các sản phẩm điện tử tiêu dùng tại nhà máy mới như điện thoại di động và TV. Chủ tịch Terry Gou ước đoán, cho đến năm 2016 sản lượng hàng năm của nhà máy mới này của Foxconn sẽ đạt 5,6 tỉ USD.

Hãng công nghệ trụ sở tại Đài Loan này mới đây cho biết có kế hoạch sẽ sử dụng 10.000 robot trên dây chuyền lắp ráp các sản phẩm của Apple, đặc biệt là cho mẫu smartphone iPhone thế hệ mới mà có thể trong thời gian sản xuất được gọi là "iPhone 6". Mỗi robot có thể hoàn thành trung bình 30.000 thiết bị mỗi năm, có nghĩa là 10.000 robot về mặt lí thuyết sẽ mang lại 300 triệu chiếc iPhone nếu hoàn toàn tốt nhiệm vụ trong dây chuyền sản xuất. Với chi phí từ 20.000 đến 25.000 USD mỗi robot, những người máy này cũng có thể là một khoản tiết kiệm đáng kể cho Foxconn, vốn hiện có hơn 1,2 triệu công nhân tại các nhà máy khác nhau của họ trên toàn Trung Quốc. Bên cạnh tiền lương làm thêm giờ, chi phí nhà ở và qui trình ngừng dây chuyền sản xuất để thay ca, sự ra đời của giải pháp sản xuất hoàn toàn tự động này có thể giải quyết những rắc rối về quyền lợi cho người lao động đang diễn ra liên tục gần đây đối với nhà sản xuất đối tác của Apple.

Apple là một trong những hãng công nghệ chú trọng vấn đề ảnh hưởng môi trường trên các thiết bị của họ, bao gồm cả qui trình sản xuất. Tuy nhiên, phát ngôn viên Chris Gaither của hãng lại từ chối bình luận về kế hoạch nhà máy mới của Foxconn.

Apple cho biết trong một bản cập nhật báo cáo trách nhiệm môi trường của họ được đăng trực tuyến trong tháng 7 vừa qua, lượng khí thải carbon từ các đối tác sản xuất vẫn là vấn đề quan tâm lớn nhất của hãng hiện nay và Apple cam kết sẽ giải quyết vấn đề này. Các qui trình sản xuất iPhone 5S (được giới thiệu từ tháng 9/2013) chiếm 83% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính của sản phẩm này, trong khi 12% còn lại là do quá trình sử dụng của khách hàng, theo một báo cáo của Apple. Thiết bị này tạo ra lượng khí thải nhà kính cao hơn 36% so với mẫu iPhone 4S, vốn có lượng khí thải nhà kính trong quá trình sản xuất chỉ 64%.

Hãng HP hồi tháng 9 năm ngoái cũng cho biết có kế hoạch cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính từ các nhà máy của họ xuống còn 20% trong vòng 10 năm giai đoạn kể từ nay cho đến năm 2020.

Theo PC World VN.




Bình luận

  • TTCN (0)