Theo báo cáo của trang web High50 dành cho người cao tuổi, chỉ có 11% cảm thấy họ đang được các thương hiệu “săn sóc”, 13% cảm thấy mình như già hơn khi xem quảng cáo. Còn báo cáo của Nielsen Việt Nam thì cho thấy: 43% người tiêu dùng Việt Nam cho rằng “quá khó để tìm được các loại thực phẩm dành cho nhu cầu dinh dưỡng đặc biệt cho tuổi già”, 41% thấy đa số nhãn sản phẩm khó đọc đối với người cao tuổi. Hơn 1/3 người tiêu dùng cho rằng vẫn thiếu không gian dành riêng cho người cao tuổi (35%) hoặc nhà vệ sinh cho người cao tuổi (37%).

Nhóm tiêu dùng “dày ví”

IPC Media - chủ sở hữu của các tạp chí Woman, Country Life và Homes & Gardens - cho rằng các nhà marketing đã sai lầm khi dành quá nhiều sức lực cho những khách hàng từ 25 - 35 tuổi. Bởi ở độ tuổi này, nếu không phải người thừa kế, con ông cháu cha hay đặc biệt xuất chúng thì rất khó sở hữu một khối lượng tài sản lớn như những người đã lăn lộn cả nửa đời người và khá trung thành với thương hiệu.

Với sự bùng nổ của các dịch vụ y tế, con người có tuổi thọ cao hơn, còn những người trong độ tuổi lao động lại “lười” sinh hơn. Do đó, dự kiến 2020, nhóm lớn tuổi sẽ trở thành một nửa ở những nước phát triển, và cũng ngày càng chiếm tỉ lệ lớn hơn ở những nước đang phát triển. Việc các thương hiệu bỏ qua và chưa khai thác sâu nhóm tiêu dùng cao tuổi là rất khó hiểu và “khó chấp nhận” - High50 đánh giá.

Có thể nói, các nhà quảng cáo đang bỏ qua một “nhóm khán giả dễ chịu”. Hầu hết mọi người đều không thích quảng cáo. Nhưng trong khi nhóm người trẻ lại phản ứng tiêu cực nhất thì những người cao tuổi lại có cái nhìn khá bình thản. Theo High50, 71% những người từ 50-59 tuổi không cảm thấy quảng cáo qúa “đáng ghét”, và con số này ở độ tuổi 60-64 tăng lên 78%. Không phải chỉ có người trẻ mới thích tiêu pha và sống cho bản thân. Có tới 50% những người trên 50 muốn dành nhiều thời gian hơn cho các sở thích cá nhân.

… và “nhiệt tình”

Theo James Burrows - Giám đốc điều hành của High50 - nhận định: Những người trên 50 chính là nguồn lực mạnh mẽ nhất của nền kinh tế. Họ đã hoàn thành xong nghĩa vụ của thời trẻ, con cháu họ cũng đã tự lập và họ bắt đầu một cuộc sống mới. 59% cảm thấy họ như trẻ hơn (hay chúng ta thường gọi nôm na là “hồi xuân”), và do đó, sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn. Họ thích được cảm giác trẻ trung hơn. Với nghiên cứu ở riêng thị trường Anh cho thấy, những người trên 50 kiểm soát 89% khối lượng tài sản ở quốc gia này, chiếm hơn 70% thị phần du lịch cao cấp, phụ nữ cao tuổi chiếm 68% doanh số hàng mĩ phẩm. Danielle Watson - Giám đốc kinh doanh của thương hiệu thời trang Sotto e Sopra tại Anh và châu Âu - tỏ ra khó hiểu và cảm thấy mâu thuẫn khi nhiều thương hiệu sang trọng vẫn hướng tới các quý cô, trong khi những người phụ nữ có đủ thu nhập và địa vị để hưởng dụng những thứ đồ xa hoa đó ít khi nằm trong độ tuổi đôi mươi.

Có một quan điểm sai lầm rằng internet là thế giới của người trẻ. Thực tế, theo High50, chỉ có 2% những người trên 50 ghét đồ công nghệ và thế giới ảo, và 78% cực kì thích sử dụng đồ công nghệ. Nhà báo Mariella Frostrup nhận định: "Giới công nghệ tỏ ra quá trịch thượng. Họ nhìn những người trên 50 với con mắt hoài nghi ‘Ồ, ông/bà cũng dùng điện thoại để tweet cơ à?’ Thế nhưng, theo nghiên cứu của Research Now, có tới 45% những người trên 50 tìm thông tin về sản phẩm thông qua internet. Trong khi thanh niên đào thoát khỏi Facebook, thì một nghiên cứu của iProspect phát hiện ra rằng: một nửa những người trên 70 và gần 70% những người từ 50-70 tuổi ở Anh cũng lướt Facebook nhiệt tình như bất kì một thanh thiếu niên nào".

Khách hàng trên 50 luôn có những chiếc ví dày nhất trên eBay. Những người từ 50-60 cũng thực hiện tìm kiếm phụ kiện trượt tuyết nhiều hơn 140% những người trong độ tuổi 18-29. Phuong Nguyen - Giám đốc của eBay Advertising tại Anh - cho biết: Nhiều thương hiệu chưa biết làm cách nào để tiếp cận được đến đa đối tượng mà không quá tốn kém. Kĩ thuật số đã giúp họ điều đó. Nhờ các công cụ trực tuyến, các thương hiệu có thể nhắm đến những người tiêu dùng mua sắm bằng sở thích và đam mê, chứ không quan trọng họ bao nhiêu tuổi. Theo iProspect, thực tế, hành vi tiêu dùng trực tuyến của những người 70 tuổi cũng không khác mấy những người 30.

Đến nay vẫn tồn tại định kiến những người già là đối tượng “ăn bám” của những người trẻ tuổi. Tuy nhiên, họ chính là những người giúp con cháu “tiết kiệm” tiền thuê người giúp việc. Họ góp phần lớn trong tiền mua nhà của con em. Họ có một khoản tiết kiệm dồi dào dành dụm cả nửa đời người để tiêu pha và mua quà cho con cháu. Đã đến lúc, những đối tượng “giàu có” này cũng được xếp hàng “thượng đế” của ngành bán lẻ.

Theo iProspect, đối với mua sắm trực tuyến, những người tiêu dùng trên 50 có thể chia thành 3 nhóm.

Nhóm chấp nhận mạo hiểm, thường từ 50-59 tuổi, họ thích video trực tuyến hay email. Họ cũng dùng nhiều smartphone, song ít khi tìm thông tin sản phẩm hay khuyến mãi thông qua thiết bị di động. Họ là những khách hàng điển hình cho xu hướng “showroom đảo chiều” - tìm thông tin sản phẩm trên mạng và ra cửa hàng mang đồ về.

Nhóm thứ hai là nhóm tự tin, thường từ 60-69 tuổi, hoạt động mạnh mẽ trên tất cả các kênh thông tin, trừ smartphone. Họ chính là một trong những thành phần đông đảo của nhất YouTube hay BBC iPlayer. Họ tích cực tìm kiếm và mua sắm trực tuyến.

Thứ ba là nhóm tiêu dùng thoải mái, thường trên 70, hay hoạt động trên máy tính bảng và smart TV, ít khi sử dụng laptop hay máy tính. Họ cũng không mấy khi tải ứng dụng mới mà thường dùng hàng có sẵn. Họ cũng hay xem video trực tuyến, nhưng thường chỉ chọn một số kênh quen thuộc. Họ coi đó là nơi để giải trí, còn nếu có nhu cầu mua sắm, họ hay ra cửa hàng để “sờ tận tay” hơn.

Theo Sống Mới.




Bình luận

  • TTCN (0)