Hôm nay thị trường xôn xao về thông tin trang thông tin công nghệ Techinsider.net đưa tin hãng sản xuất điện thoại Apple Inc của Mỹ vừa công bố hãng đang tìm cách mua lại FPT Corp - công ty công nghệ niêm yết lớn nhất của Việt Nam. Thông tin này khiến FPT ngay lập tức đẩy lên giá trần.

Theo Techinsider, đây là một nỗ lực nhằm mở rộng sang các thị trường thuộc thế giới thứ ba của Apple khi Việt Nam được coi là một thị trường đầy tiềm năng tăng trưởng đối với lĩnh vực công nghệ.

Với thương vụ này, Apple có khả năng sẽ vượt qua được doanh số bán hàng của công ty đối thủ Samsung trong khu vực vì việc sở hữu các thiết bị của Apple được coi là một biểu tượng về địa vị ở đây và do đó mọi người sẽ đổ xô để mua sản phẩm của Apple.

Tuy nhiên, chưa có phát ngôn nào chính thức từ Apple về việc này.

Cách đây 2 ngày, Bloomberg đăng bài viết "Apple đang nhắm vào các khách hàng "thích thể hiện" ở Việt Nam" (Apple Looks to Status-Hungry Vietnam for Growth) đưa tin Apple đang có những chương trình hợp tác và chiến lược mới tại Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam. Tác giả bài viết cho rằng FPT là một đại lí bán hàng đáng tin cậy tại Việt Nam và bây giờ Apple đã chính thức hợp tác với FPT để tăng doanh thu tại thị trường này.

Theo bài viết trên Bloomberg, hiện Apple đang tìm cách để chiếm lĩnh thị trường tại Việt Nam, một trong những hành động để thực hiện nỗ lực này là hợp tác với tập đoàn FPT, một trong những hãng công nghệ viễn thông lớn nhất tại Việt Nam để phân phối sản phẩm của mình thông qua các cửa hàng bán lẻ của FPT.

FPT năm ngoái mới đủ điều kiện để trở thành đối tác bán lẻ cao cấp của Apple tại Việt Nam, sau nhiều năm "quả táo" từ chối lời đề nghị từ phía FPT. Theo ông Bùi Quang Ngọc, CEO của FPT, động thái này của Apple nhằm tập trung hơn nữa vào thị trường Việt Nam, một trong những thị trường có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất của Apple.

Bloomberg dẫn lời CEO Tim Cook của Apple cho biết doanh số bán điện thoại iPhones tại Việt Nam đã tăng vọt 262% trong nửa đầu năm tài chính của Apple (kết thúc vào ngày 29/3).

Bloomberg cũng cho biết phát ngôn viên Michaela Wilkinson của Apple tại California từ chối bình luận về chiến lược bán lẻ của hãng tại Việt Nam và Đông Nam Á.

Nhắm vào các khách hàng thích thể hiện địa vị xã hội

Theo phân tích chi tiết của Bloomberg, người Việt Nam sẵn sàng chi vài tháng lương của mình để mua 1 sản phẩm iPhone hoặc iPad của Apple, đơn giản là muốn thể hiện mình với đồng nghiệp.

Sản phẩm của Apple cũng được đánh giá là nhỏ, đẹp, nhẹ, tinh tế và chất lượng.

Còn về phía Apple, công ty đang tìm cách tăng doanh số trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt với hãng Samsung của Hàn Quốc. Apple muốn “khai thác” FPT - công ty công nghệ thông tin và truyền thông hàng đầu của Việt Nam – để mở các cửa hàng bán lẻ ở các thành phố lớn như một phần của nỗ lực mở rộng thị trường trong khu vực.

Để thúc đẩy thị phần ở Đông Nam Á, Apple đã hợp tác với hãng IBM trên các lĩnh vực phân tích dữ liệu, điện toán đám mây và công nghệ di động để tăng cường tiếp cận vào các doanh nghiệp tại đây.

Theo dự đoán của giám đốc Công ty Dữ liệu Quốc tế tại TP HCM, doanh số bán điện thoại thông minh tại Việt Nam sẽ tăng 56% lên mức khoảng 12 triệu chiếc trong năm 2014, trong đó Apple sẽ chiếm một thị phần lớn.

Vị lãnh đạo này cho rằng các sản phẩm của Apple không chỉ là một biểu tượng về địa vị xã hội, đó còn là thời trang.

Theo Ndh.




Bình luận

  • TTCN (0)