Trẻ em ở trường tiểu học Thabantsho, tỉnh Limpopo tự tin hơn khi tiếp cận kiến thức từ dự án của Via Afrika - Ảnh: BBC.

Giờ đây, giáo dục ở châu Phi, đặc biệt ở Nam Phi, dần biến chuyển tươi sáng hơn nhờ tận dụng hợp lí các thiết bị công nghệ hiện đại như máy tính bảng, điện thoại thông minh, máy vi tính.

Một trong những tên tuổi tiên phong trong cuộc cách mạng tri thức ở Nam Phi chính là nhà xuất bản Via Afrika. Là đơn vị bản địa có bề dày 65 năm hoạt động, chủ yếu xuất bản sách in, trước sự bùng nổ các thiết bị công nghệ, Via Afrika nhanh chóng nắm bắt xu hướng của thời đại. Ở Nam Phi, năm 2013 có 1.000 đầu sách điện tử bán ra thì năm 2014 là 64.000 đầu sách. Mức tăng quá ấn tượng. Giám đốc nội dung của Via Afrika, ông Michael Goodman chia sẻ: “Khoảng ba năm trước, chúng tôi đã quyết định rẽ sang hướng mới. Nhìn thấy công nghệ từng ngày thay đổi văn hóa đọc, cách tiếp cận tri thức, chúng tôi không thể lãng phí thời gian của các em nhỏ, không thể để mọi thứ chậm trễ hơn”.

Trước tiên, Via Afrika tự lên chương trình, tập hợp sách hay, hữu ích để chuyển sang bản điện tử. Đây được xem là khởi điểm cho dự án sách điện tử. Sau đó, Via Afrika tìm đến những doanh nghiệp tư nhân và kêu gọi tài trợ thiết bị. Điều quan trọng, Via Afrika hiểu đối tượng cần tiếp cận với sách điện tử mà đơn vị này xuất bản hơn ai hết chính là trẻ em không thể đến trường. Michael Goodman nói: “Các em không có một chỗ ngồi tử tế trong lớp học để bắt đầu hành trình tìm kiếm tri thức của mình. Điều chúng tôi cần làm là mang sách đến với các em”.

Via Afrika đã ngỏ ý trở thành đối tác của tổ chức phi lợi nhuận Breadline Afrika để triển khai “trung tâm giáo dục số” đến các vùng quê hẻo lánh ở Nam Phi. Ban đầu, những trung tâm này được đặt trong các thư viện địa phương. Mỗi địa điểm được trang bị 15 máy tính bảng có cập nhật sẵn chương trình mới nhất của Via Afrika. Thư viện không đủ để đáp ứng. Thế là Via Afrika và Breadline Afrika tiếp tục mở rộng không gian đọc của các em bằng việc biến những chiếc container chở hàng thành “điểm hẹn” của sách. Tình nguyện viên đã sơn, vẽ bên ngoài các thư viện di động này những hình ảnh có màu sắc bắt mắt. Trung tâm giáo dục số Via Afrika ra đời như thế. Hiện những trung tâm này đã có mặt ở các tỉnh Limpopo, Mpumalanga và Free State.

Ảnh
Không gian đọc sách sinh động đang được hoàn tất để đón các em - Ảnh: BBC.

Ông Michael Goodman chia sẻ: “Nhu cầu đọc, được chia sẻ không của riêng ai. Nhiều doanh nghiệp tư nhân tiếp tục gắn kết cùng chính phủ để tạo thêm nhiều điểm đọc sách cho các em. Ý nghĩa cộng đồng từ đó càng được nhân rộng”. Ông nói: “Trở lại những trường học ở vùng nông thôn hẻo lánh tôi đã rất ấn tượng với hình ảnh các bé tập trung theo từng con chữ trên màn hình. Nhìn thấy sự hứng khởi của các em, cảm giác thật tuyệt vời. Nông thôn giờ đã khác trước, ít nhất các em được đối xử công bằng hơn về điều kiện tiếp cận tri thức”.

Một trong những khó khăn mà Via Afrika phải vượt qua, đó chính là thay đổi nhận thức của giáo viên, vốn quá quen với sách in. Cô giáo Akani nói: “Phương pháp mới giúp tôi dễ dàng tra cứu tư liệu trước mỗi bài giảng. Ở vùng quê này, sách điện tử giúp các em bắt kịp xu hướng với những bạn đồng trang lứa”.

Từ ý tưởng của Via Afrika, trẻ em Nam Phi được tiếp cận thêm một nguồn tri thức sống, đó chính là những mạng xã hội chuyên dành riêng để các em trao đổi kiến thức. Cô Barbara Mallinson, người sáng lập trang Obami, nơi kết nối giảng viên, học giả và phụ huynh cho biết: “Người ta dùng mạng xã hội để kinh doanh, giải trí thì nhiều, nhưng chuyên về giáo dục thì rất hiếm. Chúng tôi hiểu khủng hoảng giáo dục ở Nam Phi như thế nào. Chỉ có kết nối và chia sẻ, mới xóa được những giới hạn về địa lí và những điều kiện khách quan khác”. Chỉ trong vài năm, Obami đã đưa ứng dụng của mình đến 400 trường học và các tổ chức ở Nam Phi cũng như toàn châu lục.

Theo Phụ Nữ Online. Nguồn BBC.



Bình luận

  • TTCN (0)