Theo báo cáo thị trường của GfK, trong 5 tháng đầu năm 2014, số lượng các dòng điện thoại phổ thông (feature phone - điện thoại không có hệ điều hành, được trang bị các chức năng cơ bản để nghe gọi, nhắn tin) được tiêu thụ giảm 29% và chỉ chiếm 12,8% trên tổng số điện thoại bán ra tại Việt Nam.

Trong khi đó, lượng smartphone bán ra chiếm đến 87,2% tổng số điện thoại của thị trường, tăng trưởng 54%. Điều này dẫn đến mức giá trung bình của điện thoại trong 5 tháng qua đã tăng lên 20% so với cùng kì.

Dễ hiểu khi 87% người mua điện thoại phổ thông chọn những model có giá dưới 1 triệu đồng, bởi với những tính năng cơ bản như nghe, gọi, nhắn tin, người dùng không muốn bỏ ra chi phí quá lớn. Hơn nữa, trên thị trường hiện đã có khá nhiều model điện thoại thông minh nằm ở mức giá trên dưới 2 triệu đồng, do đó những mẫu điện thoại phổ thông có giá trên 1 triệu đồng rất khó cạnh tranh.

Với smartphone, phân khúc giá từ 2 đến 4,5 triệu đồng chiếm ưu thế hơn hẳn, khi có đến 55% số lượng máy được tiêu thụ nằm trong khoảng giá này. Đây cũng là phân khúc mang lại doanh thu cao nhất cho các nhà bán lẻ, chiếm 39%.

Trong khi đó, phân khúc smartphone cao cấp chiếm tỉ lệ bán ra ít nhất, chỉ 8% nhưng đem lại doanh thu rất lớn, lên đến 25%. Một điểm đáng lưu ý là có đến 17% người dùng Việt Nam chọn mua những sản phẩm smartphone có giá dưới 2 triệu đồng.

Việc các dòng điện thoại phổ thông có doanh số ngày càng thấp tại những thị trường đang phát triển như Việt Nam có thể chính là nguyên nhân khiến Microsoft đưa ra quyết định khai tử các dòng điện thoại phổ thông, bao gồm cả dòng máy cảm ứng Asha từng thuộc về Nokia.

Trong khi đó, thị trường máy tính bảng tại Việt Nam chứng kiến sự tăng trưởng đáng kinh ngạc trong nửa đầu năm qua. Theo báo cáo của GfK, doanh số máy tính bảng đã tăng 193% so với cùng kì năm ngoái, trong khi giá bán trung bình giảm 11%.

Số lượng máy tính bảng được tiêu thụ khá đồng đều ở tất cả các phân khúc, từ giá rẻ (dưới 2 triệu đồng) cho đến giá cao (trên 10 triệu đồng), trong đó phân khúc từ 4 đến 6 triệu (27%) và trên 10 triệu (23%) chiếm thị phần lớn nhất. Theo dự đoán của GfK, thị trường máy tính bảng sẽ tiếp tục phát triển nóng trong nửa cuối năm nay, với các sản phẩm giá rẻ là tâm điểm thị trường.

Theo Zing.



Bình luận

  • TTCN (0)