Theo TS Nguyễn Trọng Đường – Vụ trưởng Vụ CNTT, Bộ Thông tin – Truyền thông, Sách trắng 2014 ngoài các nội dung về hiện trạng phát triển CNTT-TT được cập nhật nhật thường niên từ năm 2009 sẽ bổ sung nhiều thông tin hữu ích như: cơ cấu XNK sản phẩm phần cứng, điện tử, các kênh phát thanh – truyền hình, trang thông tin điện tử, trò chơi trực tuyến và mạng xã hội, thị trường an toàn thông tin, nghiên cứu – phát triển ngành CNTT-TT…

Ngoài ra, Sách trắng năm nay cũng được biên tập mới với từng lĩnh vực quản lí nhà nước của ngành CNTT-TT để thuận tiện cho việc tra cứu, sử dụng.

“Trong giai đoạn 2013-2014, thứ hạng của Việt Nam hầu như ít biến động trên bản đồ CNTT-TT thế giới. Mặc dù vậy, điểm sáng nhất của Việt Nam được các tổ chức quốc tế nhìn nhận vẫn thuộc về công nghiệp CNTT khi nước ta vẫn nằm trong Top 10 nước gia công phần mềm hấp dẫn nhất khu vực châu Á – Thái Bình Dương, TP.HCM và TP.Hà Nội vẫn được xếp Top 20, Top 30 các thành phố hấp dẫn nhất về gia công phần mềm”, TS Nguyễn Trọng Đường cho biết.

Theo Sách trắng CNTT-TT 2014, ngành CNTT Việt Nam tiếp tục khởi sắc tổng doanh thu công nghiệp CNTT năm 2013 đạt trên 39 tỉ USD, tăng 55% so với năm 2013. Trong đó, lĩnh vực công nghiệp phần cứng – điện tử tiếp tục khởi sắc nhờ sự tăng trưởng mạnh doanh thu từ hoạt động XK.

Doanh thu công nghiệp phần cứng – điện tử năm 2013 đạt 36,8 tỉ USD (tăng trưởng 59,2% so với năm trước), chiếm 93% tổng doanh thu toàn ngành trong đó XK điện thoại di động chiếm tỉ trọng trên 60%. Công nghiệp phần mềm và nội dung số sau thời kì đối mặt với nhiều khó khăn, đã khởi sắc trở lại với tổng doanh thu khoảng 2,6 tỉ USD.

Thị trường viễn thông có nhiều thay đổi do ban hành chính sách thặt chặt quản lí giá cước và thuê bao di động trả trước cùng với sự bùng nổ của dịch vụ OTT. Số lượng thuê bao di động chỉ đạt 123,7 triệu thuê bao, giảm hơn 8 triệu thuê bao so với năm 2013 tương ứng với 6%. Trong khi đó số thuê bao 3G đã cán mốc 19,7 triệu thuê bao, tăng gần 4 triệu thuê bao tương ứng với 25,4%. Tổng doanh thu viễn thông đạt 7,4 tỉ USD giảm gần 13% so với năm 2013. VNPT vẫn làm chủ thị trường cố định trong khi Viettel vẫn soán ngôi đầu trong thị phần thuê bao di động.

Về ứng dụng CNTT, tính đến cuối năm 2013, 100% cơ quan Nhà nước đều có cán bộ chuyên trách CNTT và đã triển khai các ứng dụng trên mạng nội bộ; 100% các cơ quan nhà nước đã xây dựng trang/cổng thông tin điện tử, cung cấp gần 102.000 dịch vụ công mức 1 và 2; 2.300 dịch vụ công mức 3 và 111 dịch vụ công mức 4.

Hệ thống đào tạo nguồn nhân lực CNTT-TT tiếp tục được duy trì ổn định về quy mô và hình thức đào tạo với trên 290 trường ĐH/CĐ với tỉ lệ tuyển sinh đạt trên 67.000, tăng nhẹ 3% so với năm 2012. Đặc biệt, có 568 đề tài khoa học cấp Nhà nước và 788 đề tài khoa học cấp Bộ về CNTT-TT được triển khai nghiên cứu.

VIO 2014 sẽ khai thác sâu dưới góc độ ứng dụng thực tế tại Việt Nam của các xu hướng công nghệ trên nền tảng thứ 3 mà VIO 2013 đã đưa ra: Điện toán đám mây (Cloud Computing), Dữ liệu lớn (Big Data), Di động (Mobility), Mạng xã hội (Social network), Internet của sự vật (Internet of things).

Theo ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hội Tin học TP HCM: “Nền tảng thứ ba - Xu hướng và hiện thực triển khai” kế thừa từ những chủ đề của các năm trước. Không chỉ dừng lại ở đó, mà những người làm việc trong lĩnh vực công nghệ nói chung và CNTT nói riêng muốn được tìm hiểu, ứng dụng một cách bài bản, chuyên nghiệp, cùng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm để hạn chế những rủi ro trong đầu tư CNTT.

Trong kỉ nguyên mà điện toán đám mây đóng vai trò tiên phong, DN và người dùng trên toàn cầu cần tận dụng tối đa sức mạnh tiềm năng mà điện toán đám mây mang lại. VIO 2014 cũng là cơ hội để các doanh nghiệp, hãng công nghệ cung cấp giải pháp và doanh nghiệp ứng dụng CNTT tìm hiểu công nghệ, chia sẻ bài học kinh nghiệm về đám mây tối ưu, từ đám mây riêng, đám mây công cộng đến giải pháp hỗn hợp là đám mây lai nhằm tiết giảm đầu tư ban đầu, chi phí vận hành và tạo sức cạnh tranh với hạ tầng CNTT hiện có.

Bên cạnh đó, VIO 2014 mong muốn truyền tải những thông điệp về tình hình an ninh an toàn thông tin của các doanh nghiệp ở Việt Nam và trên toàn thế giới. Người dùng cuối và DN tích hợp hệ thống sẽ tìm hiểu xu hướng lựa chọn của người dùng trên thế giới, giải pháp bảo mật tối ưu cho cở sở dữ liệu của khách hàng và trao đổi các nhu cầu cấp thiết về bảo mật thông tin.

Theo Hải Quan.




Bình luận

  • TTCN (0)