Tuy nhiên vẫn còn những rào cản cơ bản cần được làm mờ đi để hệ sinh thái quảng cáo trên di động có thể phát triển thực sự.

Bên ngoài thế giới của mạng xã hội như Facebook hay Twitter, phần lớn diện tích đất dành cho quảng cáo trên di động chính là các banner - sở hữu một tỉ lệ nhiễu đáng kể để đo lường hiệu suất của quảng cáo đó thông qua những cú click chuột đầy may rủi. Mà phân khúc này gần như nằm trọn trong tay các nhà phát triển game, thiết kế ra các nền tảng cây nhà lá vườn tích hợp quảng cáo, dựa trên LTV - Giá trị trọn đời của khách hàng hay lợi nhuận ròng mà một khách hàng mang lại - để thu lợi. Nếu tổng LTV nhỏ hơn CPA (số tiền doanh nghiệp trả để có được người khách hàng ấy) thì họ đang gặp rắc rối lớn.

Điều này đã dẫn đến sự thật quảng cáo trên di động: Đó là một thị trường đang lắc lư rất mạnh. Thị trường này được dựng lên bởi một vài nhà sáng tạo game lớn như Zynga, King (“chủ xị” của Candy Crush) và Supercell (sở hữu Clash of Clans). Lợi nhuận ngắn hạn của họ dựa trên những game gây nghiện, chủ yếu là freemium - dạng game miễn phí nhưng có dịch vụ micropayment (những khoản thanh toán nhỏ, ở Mỹ thì thường dưới 10 USD) cho người chơi muốn nâng cấp hay sử dụng những tính năng đặc biệt. Khi đăng nhập vào Candy Crush, thi thoảng người chơi có thể nhìn thấy những cửa sổ giới thiệu về một game mới. Hay chơi LINE, đôi khi bạn đi lỡ bước và dùng nút “undo”, một bảng quảng cáo sẽ xuất hiện. Nó cũng có nút đóng nhưng thường thì người chơi cũng rất hay chạm nhầm vào hình quảng cáo do nó choán phần lớn diện tích màn hình.

Chúng ta đều biết rằng không có cách nào loại bỏ hoàn toàn “điểm mù” banner trong quảng cáo kĩ thuật số. Trên máy bàn thì người dùng có thể không nhìn thấy hết được quảng cáo. Nhưng với điện thoại di động, trên một diện tích màn hình hẹp, các banner quảng cáo rất chiếm chỗ và có lợi cho những những cú click “tình cờ”. Trong thực tế, theo GoldSpot Media, gần 50% quảng cáo trên di động là vô tình chạm phải.

Thế nhưng, các nhà quảng cáo hay marketing không cần những lần chạm lỡ này. Họ cần những người thực sự xem quảng cáo hay chí ít là không cảm thấy bực bội vì chạm nhầm. Theo AdAge, nghiêm trọng hơn, chỉ còn là vấn đề thời gian trước khi người dùng bắt đầu xa lánh những game kì cục, thắt chặt hầu bao và chỉ trích những ứng dụng có cài quảng cáo.

Một giải pháp tham khảo cho các hãng là đầu tư vào các chiến lược có nội dung được tích hợp vào các trang web hoặc ứng dụng trong một thiết kế khéo léo, được đặt ở những vị trí trang trọng phù hợp với sản phẩm nhất. Do đó, người dùng có thể thấy quảng cáo một cách minh bạch nhất, mà không do vô tình chạm phải hay hoảng hồn băn khoăn tự hỏi không biết có phải máy mình dính virus hay không.

Mặc dù việc thuyết phục người dùng mua nội dung cao cấp luôn là một thách thức cho các nhà tiếp thị, song họ lại đang ngày càng thoải mái hơn đối với những khoản thanh toán nhỏ cho những ứng dụng và nội dung chất lượng cao. Nếu một công ty ứng dụng có thể tạo ra những sản phẩm có giá trị lâu dài, thì càng có nhiều đồng tiền chính đáng sẽ chảy vào túi doanh nghiệp và hiệu suất quảng cáo dựa trên những cú click đã trở nên chân thực hơn.

Những sản phẩm chưa được tiền tệ di động hóa là những doanh nghiệp nằm trong Fortune 500 như ô tô, tài chính hay bất động sản. Vậy điều gì sẽ khuyến khích những vị đại gia này dành ngân sách cho di động khi họ không có game? Sẽ không dễ dàng gì bởi vẫn còn những thành kiến với loại hình quảng cáo mới mẻ này. Đôi khi chúng ta cũng quên mất rằng chức năng cơ bản của điện thoại là để kết nối con người với nhau thông qua hệ thống loa và truyền âm.

Do đó, dù không quảng cáo bằng hình ảnh hay banner, những đại gia này từ lâu đều có những dịch vụ chăm sóc, tư vấn khách hàng thông qua đường dây nóng - một công cụ vô cùng hiệu quả của marketing và đến nay nó vẫn giữ được vai trò của mình, chỉ cần một người sở hữu một chiếc smartphone hay dumbphone. Có một số công ty còn sử dụng tin nhắn để quảng cáo, mời mua hàng nhưng hình thức này rất dễ gây phản cảm vì tạo ra tin nhắn rác. Do đó, các công ty lớn thường sử dụng dạng thông báo qua tin nhắn để che đi một phần tính chất quảng cáo của nó.

Vẫn còn những vướng mắc nhất định, song dù cách này hay cách khác, chúng ta vẫn sẽ thấy sự thay đổi đáng kể trong hệ sinh thái quảng cáo di động trong thời gian tới. Một bước tiến hóa lớn là rất khó, nhưng xu hướng có vẻ đã rõ ràng khi nền kinh tế thế giới ngày càng dành nhiều tiền để “rót” vào những chiếc điện thoại tưởng chừng như nhỏ bé.

Quảng cáo trên ứng dụng chiếm từ 30-50% thị trường quảng cáo di động. Theo eMarketer, ước tính năm 2014, chỉ riêng thị trường Mỹ sẽ chi khoảng 2,6-4,3 tỷ USD và 11 tỷ USD vào năm 2017 cho quảng cáo trên di động.

Theo Sống Mới.



Bình luận

  • TTCN (0)