Bộ Giáo dục & Đào tạo vẫn chưa công nhận học bạ điện tử là học bạ chính thống. Ảnh minh họa.

Không thiếu ứng dụng học bạ điện tử

Ứng dụng học bạ điện tử đã được nhiều doanh nghiệp CNTT trong nước nghiên cứu và phát triển, điển hình như VNPT, Viettel, Inovas, Misa... Với ứng dụng học bạ điện tử, phụ huynh học sinh có thể cập nhật định kì hoặc đột xuất về điểm số, sự chuyên cần, những tiến bộ của học sinh... trong suốt quá trình học tập qua website và ngay trên điện thoại di động. Đặc biệt, Viettel còn nghiên cứu, nâng cấp giải pháp để giúp cho cha mẹ học sinh có thể chủ động truy vấn các thông tin qua giao diện website và tin nhắn SMS thay vì nhận tin nhắn SMS từ nhà trường như hiện nay.

Nhằm hỗ trợ các trường học giải quyết bài toán thiếu kinh phí đầu tư cho ứng dụng CNTT, các doanh nghiệp CNTT cũng linh hoạt chuyển đổi từ phương thức bán phần mềm ứng dụng sang cho thuê dịch vụ phần mềm, ứng dụng. Theo đó, nhà trường bớt phải lo lắng về việc bố trí kinh phí khá lớn cho việc đầu tư "một cục" cho ứng dụng học bạ điện tử mà chỉ cần trả chi phí thuê dịch vụ sử dụng hệ thống ứng dụng (tính theo số lượng tài khoản truy cập vào hệ thống). Cũng có doanh nghiệp không thu tiền phí hệ thống và hỗ trợ, mà thu phí trên số lượng tin nhắn SMS gửi đi trong quá trình vận hành ứng dụng học bạ điện tử, mức chi phí khoảng 400 đồng/tin nhắn.

Không có số lượng thống kê chính xác song tổng hợp thông tin từ các doanh nghiệp thì ước tính cả nước đã có hàng chục nghìn trường học từng sử dụng ứng dụng học bạ điện tử.

Lãng phí lớn vì Bộ chưa công nhận

Hiệu quả của ứng dụng học bạ điện tử là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, hiện tại, Bộ Giáo dục & Đào tạo vẫn chưa công nhận học bạ điện tử là học bạ chính thống.

Chia sẻ câu chuyện này, ông Nguyễn Xuân Hoàng, Tổng Giám đốc Công ty Misa cho biết: "Với mỗi công ty triển khai phần mềm ứng dụng học bạ điện tử thì phần thông tin trong học bạ điện tử không chỉ lưu trữ tại hồ sơ giấy mà còn lưu trữ trong phần mềm, khi nào nhà trường muốn có học bạ giấy thì in ra. Song những học bạ giấy in ra từ phần mềm ứng dụng này hiện chưa đúng mẫu phôi do Bộ Giáo dục & Đào tạo phát hành nên chưa được công nhận là học bạ chính thống".

"Cũng chính vì chưa được Bộ Giáo dục & Đào tạo công nhận nên đến giờ tại Việt Nam vẫn chưa có chuẩn học bạ điện tử. Mỗi doanh nghiệp CNTT thường làm theo chuẩn riêng, khó có thể chuyển tiếp nội dung từ ứng dụng của nhà cung cấp/doanh nghiệp này sang nhà cung cấp, doanh nghiệp khác. Hiện giờ doanh nghiệp chỉ biết làm ra sản phẩm tốt, doanh nghiệp khác muốn trao đổi dữ liệu thì phải liên hệ làm việc trực tiếp, rồi lại phải nói chuyện với nhà trường xem nhà trường có cho phép truy cập vào hệ thống ứng dụng học bạ điện tử của trường hay không.

Nếu có chuẩn học bạ điện tử thì các doanh nghiệp chỉ cần tuân theo chuẩn đó khi thiết kế xây dựng phần mềm ứng dụng và các hệ thống ứng dụng có thể chuyển tiếp dữ liệu cho nhau. Cả nước sẽ có một cơ sở dữ liệu quốc gia về học bạ của học sinh. Dữ liệu về quá trình học tập của học sinh sẽ được liên thông từ cấp này sang cấp khác, từ trường này sang trường khác", ông Hoàng nói.

Ông Nguyễn Nhật Quang, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm & Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) nhấn mạnh: "Về nguyên tắc học bạ là tài sản của học sinh, không phải của thày cô hay Bộ Giáo dục & Đào tạo. Tại sao lại cứ phải ép vào khuôn của Bộ Giáo dục & Đào tạo? Việc Bộ Giáo dục & Đào tạo không công nhận học bạ điện tử đang gây ra sự lãng phí lớn.

Mỗi doanh nghiệp CNTT phát triển phần mềm ứng dụng theo một chuẩn khác nhau, sau lại phải tốn kém để cập nhật, chia sẻ dữ liệu. Chưa kể vẫn phải tốn một khoản chi phí xã hội cho việc in, lưu trữ học bạ giấy, trong khi hoàn toàn có thể sử dụng học bạ điện tử một cách hiệu quả hơn".

Cũng theo ông Nguyễn Nhật Quang, Bộ Giáo dục & Đào tạo và cộng đồng xã hội cần thay đổi quan điểm về học bạ điện tử. Bộ Giáo dục & Đào tạo cần nhanh chóng xây dựng chuẩn dữ liệu số của học bạ điện tử. Về bản chất, học bạ điện tử không phải là phiên bản số của học bạ do Bộ Giáo dục & Đào tạo in ra mà phải là lí lịch học tập điện tử đi kèm với học sinh trong quá trình học tập suốt đời.

Theo ICTnews.



Bình luận

  • TTCN (0)